Trước thềm năm mới Mậu Tuất 2018, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã đánh giá khái quát tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, quá trình xây dựng, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ quyết tâm chính trị cao trong việc khẩn trương thực hiện các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội chấp thuận, thông qua với sự thận trọng, xem xét kỹ nhiều mặt nhằm đảm bảo tháo gỡ được các vướng mắc, “điểm nghẽn” mà TPHCM đang đối diện, tạo đà để TPHCM phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Có thể nói, năm 2017 là năm để lại nhiều dấu ấn đối với sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2016, như nông nghiệp tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 5,4%), chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,9% (cùng kỳ tăng 7,33%), dịch vụ tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 8%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,89%, xuất khẩu tăng 15,1%, khách quốc tế đến Thành phố tăng 22,8%, doanh thu du lịch tăng 12,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 68%, cao nhất trong các địa phương trong cả nước. Các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa – xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,22%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 77,5%, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. Lĩnh vực quốc phòng an ninh được đảm bảo tốt, tội phạm hình sự giảm 8,08%, số vụ tai nạn giao thông giảm 11% so với cùng kỳ. Các hoạt động đối ngoại được triển khai chu đáo, hiệu quả, toàn diện, gắn kết đầu tư và mở rộng hội nhập, hợp tác với khu vực và thế giới.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra; hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu; cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ; mức độ đô thị hóa nhanh tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị; hạ tầng kỹ thuật quá tải, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, các vấn đề về an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những kết quả đạt được nói trên đã thể hiện quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo tiền đề quan trọng cho thành phố tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Và đặc biệt hơn cả là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Nghị quyết 54). Nghị quyết của Quốc hội chắc chắn sẽ tạo động lực rất lớn để thành phố triển khai kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2018 và những năm tiếp theo.
Các cơ chế, chính sách thí điểm này sẽ khơi thông, mở ra các nút thắt về tài chính, đất đai, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phục vụ hành chính công, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tốc độ phát triển các ngành kinh tế cao hơn các năm trước, cùng với những thuận lợi trong quá trình hội nhập, thu hút đầu tư trong và ngoài nước sẽ góp phần tạo lực đẩy cho tăng trưởng.
Riêng trong năm 2018, thành phố sẽ tập trung triển khai các nội dung, đề án thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhanh, bền vững nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
20 chỉ tiêu quan trọng đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, gồm 5 chỉ tiêu về kinh tế, 10 chỉ tiêu về xã hội, 4 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính; trong đó Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) sẽ phấn đấu đạt từ 8,3 – 8,5%.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trên, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các giải pháp thường xuyên, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tập trung các nội dung sau:
Thứ nhất, chủ động, kịp thời ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo; trong đó xác định nội dung công việc, danh mục các đề án, chương trình, tiến độ thực hiện trong 3 năm 2018, 2019, 2020 nhằm cụ thể hóa nội dung các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trong Nghị quyết 54 của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố; phân công rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố.
Nghị quyết cho phép thành phố thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong 5 năm, trong đó, 3 năm đầu thực hiện phải sơ kết. Thời gian thực hiện thí điểm không dài nên đòi hỏi chính quyền thành phố phải khẩn trương hoàn thành các đề án, trình cho Hội đồng nhân dân thành phố ngay trong năm 2018. Trước tiên, trong quý 1-2018, Ủy ban nhân dân thành phố phải trình trước một số đề án và Hội đồng nhân dân thành phố sẽ tổ chức kỳ họp chuyên đề xem xét, thông qua nhằm cụ thể hóa, đưa một số cơ chế, chính sách áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù này, trong nhiều nội dung phải được nghiên cứu sâu với sự tham gia của các chuyên gia. Bên cạnh đó, quá trình triển khai sẽ lấy ý kiến người dân và các đối tượng bị tác động để tạo sự đồng thuận cao nhất, hoàn chỉnh đề án theo đúng quy trình, thủ tục quy định, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Chính quyền thành phố cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù có hiệu quả với mục đích nhằm tạo ra môi trường phát triển thuận lợi, theo hướng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của thành phố.
Thứ hai, tổ chức làm việc với từng đơn vị để duyệt kế hoạch năm, thực hiện cam kết của người đứng đầu các đơn vị sở ngành, các địa phương quận huyện với Ủy ban nhân thành phố. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố giao, công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ làm căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đề xuất xử lý nghiêm, điều chuyển công tác đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị có vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ ba, hoàn thiện quy trình thực hiện các dự án hợp tác công tư (PPP), chủ yếu là hình thức BT, trong đó quy định chặt chẽ quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan liên quan để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân khu vực thực hiện dự án. Thực hiện công tác xúc tiến đầu tư trên một số lĩnh vực như vừa qua đã làm với xử lý rác, nông nghiệp công nghệ cao, chỉnh trang đô thị (di dời, cải tạo nhà ven kênh rạch) để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình trọng điểm của thành phố.
Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kiên trì đề xuất Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc do tạm dừng thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg để tạo nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, trước mắt là các công trình thực hiện 7 chương trình đột phá của Thành phố, nhất là các công trình giao thông, giảm ngập, môi trường, chỉnh trang đô thị, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội cấp bách; bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, dự án hợp tác công tư (PPP).
Thứ tư, tập trung các nguồn lực triển khai Đề án đô thị thông minh với 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên thực hiện: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh thành phố; thành lập Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Trong giai đoạn 2018 – 2020, sẽ triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền điện tử, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân, giáo dục…
Triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, xác định rõ vị trí việc làm, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; phân công nhiệm vụ rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Triển khai các giải pháp tăng thu nhập theo Nghị quyết của Quốc hội để tạo thêm động lực, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính công. Phấn đấu cải thiện căn bản các chỉ tiêu về PCI, PAR-Index, PAPI theo Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố.
Thứ năm, triệt để thực hiện nghiêm chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức thanh tra định kỳ, đột xuất tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường tính công khai minh bạch đi đôi với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Cố gắng giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người kéo dài trong thời gian vừa qua. Chủ động thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế – xã hội thành phố; trân trọng lắng nghe, gợi mở, phát huy, nhân rộng sức sáng tạo, sáng kiến của nhân dân qua phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng tâm nhất trí, đồng thuận, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất định chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 đã đề ra.
Nhân dịp đón năm mới 2018 và Tết cổ truyền Mậu Tuất, thay mặt chính quyền thành phố, tôi gửi lời chúc đến toàn thể đồng bào thành phố, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các ngành các cấp, các lực lượng võ trang và kiều bào thành phố ở nước ngoài một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
NGUYỄN THÀNH PHONG – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM
(Theo SGGP)