Năm 2018, TP.HCM sẽ triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, đây là việc rất quan trọng với thành phố. Ngay trước thềm Tết Mậu Tuất, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mời báo chí đến phòng làm việc của ông để chia sẻ những kế hoạch đầy tham vọng của thành phố.
– Ông đánh giá TP.HCM 2017 như thế nào? Đâu là những điều đã đạt được của thành phố trong năm qua mà ông tâm đắc?
– Năm 2017, TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước. Năm 2016, tăng trưởng của thành phố đạt 8,05% nhưng đến năm 2017 tăng trưởng đạt 8,25%. Thu ngân sách đóng góp bình quân 27-28% ngân sách cả nước.
Cần phải nhớ rằng vào đầu năm 2017, Trung ương giao chỉ tiêu cho TP.HCM khá nặng, hơn 347.000 tỷ đồng. Tức là, bình quân mỗi ngày (không kể chủ nhật), cả thành phố có trách nhiệm đóng góp ngân sách chung cả nước 1.000 tỷ. Kết thúc năm 2017, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu này.
Về đầu tư nước ngoài, thành phố thu hút được 6,3 tỷ USD năm 2017, tăng hơn 85% so với năm 2016. Nhờ vậy tổng đầu tư nước ngoài của thành phố năm qua chiếm 18% cả nước.
Dưới góc độ quản lý, thành phố đã tạo được sự thay đổi về đầu vào rất quan trọng.
Đổi mới thứ nhất là tìm cơ chế tạo vốn. Xử lý rác thải là vấn đề khiến người dân rất bức xúc trong khi thành phố hiện nay chủ yếu dựa vào chôn lấp. Vậy giải quyết như thế nào? Lối ra cơ bản vẫn là kêu gọi đầu tư, biến rác thành điện. Tháng 12 vừa qua, TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư tái chế rác. Các dự án này sẽ hướng đến công nghệ tiên tiến của thế giới, không còn chôn lấp nữa.
Thành phố cũng đã chuẩn bị và giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch với mục tiêu 20.000 nhà trên kênh rạch sẽ được giải quyết trong vòng 5 năm tới. Nguồn lực chủ yếu để thực hiện vẫn là nguồn vốn xã hội hoá. Khoảng 6-9 tháng nữa thành phố sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Thứ hai là cơ chế phát triển trên cơ sở Nghị quyết 54 đã được Quốc hội thông qua. Nghị quyết 54 không cho thành phố tiền mà cho thành phố cách làm để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Khi đó, thành phố có điều kiện để đầu tư chăm lo cho đồng bào, cán bộ công chức tốt hơn. Đây là đổi mới cơ chế đầu vào.
Thứ 3, năm vừa qua chúng ta đã công bố đề án đô thị thông minh. Đề án này chỉ là thay đổi cách làm chứ không thêm tiền. Bằng đề án này thành phố sẽ quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo để ngăn chặn, bớt việc phải giật mình khi phát triển vì đô thị thông minh sẽ đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên tích hợp số liệu hàng năm.
Thứ 4, liên quan đến thể chế, Thành uỷ TP.HCM đã có quyết định về xử lý thông tin do nhân dân phản ánh về tập thể và cá nhân có những biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, luật pháp, quy định của Đảng. Theo quyết định này, có 4 cơ quan tiếp thu ý kiến người dân là Chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Quốc hội, HĐND và các cấp uỷ. Bốn nguồn thông tin là: thông tin từ báo chí, tiếp xúc cử tri, khiếu nại tố cáo, giám sát của mặt trận và HĐND. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một quy định tiếp thu xử lý ý kiến phản ánh của người dân.
Như vậy, năm 2017, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh thì chúng ta có 4 nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của thành phố mà chúng tôi đánh giá là rất có ý nghĩa.
– Việc Quốc hội thông qua nghị quyết 54 về cơ chế và chính sách đặc thù được đánh giá là một trong những sự kiện tiêu biểu của TP.HCM trong năm 2017. Trong năm tới, thành phố sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào để triển khai nghị quyết này, thưa ông?
– Sau khi Quốc hội thông qua, trong vòng hơn 1 tháng, TP.HCM đã thông qua toàn bộ các văn bản cần thiết để triển khai nghị quyết. Trước hết, đó là nghị quyết 08 của Ban chấp hành đảng bộ TP về thực hiện nghị quyết 54. Trên cơ sở đó, HĐND TP đã có nghị quyết 25 triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về triển khai thí điểm cơ chế chính sách đặc thù nhằm xác định những việc phải làm và lộ trình thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, UBND TP đã công bố kế hoạch gồm 21 đề án triển khai thực hiện. Năm 2018, thành phố sẽ chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp như: Thực hiện ủy quyền và phân cấp; Quản lý doanh nghiệp Nhà nước; Sắp xếp tên gọi một số đơn vị Nhà nước; Sắp xếp lại ban quản lý của thành phố và quận huyện, thu hẹp một số ban và điều chỉnh tên phù hợp…
Liên quan tài chính, nghị quyết cho phép trên cơ sở tăng năng suất hiệu quả của thành phố và tiết kiệm thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức với mức không quá 1,8 lần. Theo dự kiến, tháng 3 tới thành phố sẽ trình đề xuất điều chỉnh một số mức phí như phí dừng ôtô trong nội đô, phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp…
Ngoài ra Quốc hội cho phép thành phố huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương. Dự kiến tháng 9 năm nay, thành phố sẽ đề xuất vay bổ sung qua phát hành trái phiếu tạo động lực cho phát triển.
Tóm lại, nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND TP đã vạch ra lộ trình từ nay đến năm 2020. Với tinh thần đó, tôi tin rằng TP.HCM sẽ thấy được trách nhiệm trước Quốc hội, cả nước, để phát huy cơ chế đặc thù đưa thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và qua đó đóng góp nhiều hơn.
– Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.HCM. Với trách nhiệm là thành phố đầu tàu của cả nước đang được hưởng những ưu thế nhất định về chính sách, ông hình dung như thế nào về chặng đường sắp tới?
– Năm 2018 sẽ là một năm bản lề đối với thành phố và cả nước. Song song với việc rà soát 7 chương trình đột phá, thành phố sẽ đánh giá lại tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới. Chúng ta có một số giải pháp mới là việc thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù và dự án đô thị thông minh.
Một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TP.HCM tích hợp các quận 9 (Khu công nghệ cao), quận 2 (Khu đô thị mới với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
– Những vấn đề cấp bách của TP.HCM như dân số đông, giao thông, ngập nước sẽ được giải quyết như thế nào sau khi thành phố bước đầu triển khai nghị quyết về cơ chế đặc thù?
– Lý do tại sao phải có cơ chế đặc thù cho thành phố chính là vì bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua chúng ta cũng thấy có những dấu hiệu thể hiện mức độ tăng trưởng đang chậm lại, những khó khăn, thách thức đang tích luỹ. Trong khi đó, với những cơ chế bình thường như các địa phương khác thì khó mà giải quyết được. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng có thể còn giảm nhiều nữa. Vì vậy, nghị quyết 54 của Quốc hội chính là phát huy những điểm đặc thù của TP.HCM để thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh tình trạng dân số lớn lớn thì cứ 5,5 năm thành phố có thêm 1 triệu người nhập cư. Các địa phương khác xây xong trường học bệnh viên có thể tạm yên tâm trong 5-7 năm. Trong khi đó, TP.HCM năm nào cũng phải xây thêm trường học, bệnh viện. Về cơ bản, cơ cấu của TP.HCM khác các địa phương khác. Do vậy, Quốc hội cho phép thành phố được tự quyết định cơ cấu chi mà không phải thông qua Quốc hội chính là giao trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu người dân tốt hơn.
Hơn nữa, việc đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại của khoảng 10 triệu người bằng ngân sách hiện tại không đủ. Do đó, TP.HCM phải đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hoá. Trong đó có phương thức đi vay để phát triển. Quốc hội lần này cho phép thành phố vay miễn là không làm ảnh hưởng đến vay nợ quốc gia. Chúng ta sẽ tự vay và tự chịu trách nhiệm.
– TP.HCM đang thu hút các nhà đầu tư để cải tạo nhà ven kênh rạch của TP. Hiện nay, TP.HCM chỉ có 2.500 tỷ cho công tác này mà thực tế cần tới hơn 23.000 tỷ đồng, thành phố sẽ vận dụng cơ chế chính sách đặc thù như thế nào để các nhà đầu tư tham gia vào các dự án này?
-Đây đúng là vấn đề cấp bách của đô thị TP.HCM. Nếu dùng tiền Nhà nước để giải quyết thì đòi hỏi nguồn lực rất lớn và điều đó không khả thi. Trong các dự án cải tạo nhà ven kênh rạch chỉnh trang đô thị thì thành phố đã chọn ra 6 dự án trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm rất lớn.
Nguyên tắc thực hiện là người dân ở bên kênh rạch sẽ được tái định cư ở gần đó chứ không đi xa. Nhà đầu tư sẽ xây dựng những chung cư bên bờ kênh rạch để họ ở trên phương châm là tái định cư tại chỗ. Phần đất liền bờ sông làm đường đi sẽ góp phần giảm ách tắc giao thông.
Ngoài ra, tuỳ loại kênh rạch, đặc điểm, thành phố sẽ thoả thuận với nhà đầu tư phần đất mà họ được kinh doanh khai thác. Tinh thần chung là thành phố giao cho họ quyền khai thác hai bên bờ ở mức phù hợp chứ không đưa tiền vào. Đây chính là nguyên tắc mà nhà đầu tư nêu ra cho thành phố. Tùy vào giá cụ thể thì sẽ tính toán chi tiết hơn. Sắp tới thành phố sẽ cố gắng làm một vài dự án trước để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ triển khai rộng rãi.
Các cơ chế này gồm: Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và Lệ phí…
Số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nói trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 và thực hiện trong 5 năm.