Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Dương Anh Đức cho biết, theo đề án, tầm nhìn về đô thị thông minh của TPHCM đến năm 2025 là “TPHCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Dương Anh Đức trình bày nội dung Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đề án đề ra 4 mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, gồm: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Các mục tiêu nói trên sẽ phục vụ 4 chủ thể của đô thị. Đối với chính quyền thành phố, đô thị thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Đối với người dân, đô thị thông minh giúp cung cấp các tiện ích hỗ trợ người dân ra quyết định một cách hiệu quả hơn, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân để người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp có những quyết định kinh doanh chính xác, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác. Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kênh kết nối phản hồi thông tin để giúp họ tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình cung cấp các dịch vụ của thành phố.
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án sẽ triển khai một số giải pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố; xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập Trung tâm an toàn thông tin thành phố.
Lợi ích đối với người dân
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Anh Đức cho biết, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ đem lại những lợi ích cho người dân. Cụ thể, đô thị thông minh góp phần đảm bảo một môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích bao gồm: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường học đạt chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp; các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.
Đô thị thông minh cũng góp phần nâng cao năng suất lao động. Người lao động được cung cấp các dịch vụ hạ tầng cơ bản để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt trên thương trường thế giới. Các dịch vụ hạ tầng này bao gồm: kết nối internet băng rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trau dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập; hệ thống giao thông vận tải đạt hiệu quả.
Đô thị thông minh còn nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Thông qua dự báo, đô thị thông minh giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, từ đó cho phép nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên cũng đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, với đặc thù là đô thị đặc biệt, TPHCM đối mặt với nhiều thách thức đồng thời cũng có nhiều mặt thuận lợi. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thành phố phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh, trong đó, xây dựng đô thị thông minh là một trong những giải pháp công nghệ góp phần thúc đẩy thành phố phát triển.
Đề án được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với Thành phố và để phục vụ người dân tốt hơn. Đề án mang tính đột phá, đi vào chiều sâu công nghệ, là tổng thể nhiều công đoạn và là quá trình liên tục, tạo sự tương tác ngày càng mạnh mẽ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến cho biết, Đề án sẽ tiếp tục được lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia, sở – ngành, đặc biệt trong quá trình xây dựng và vận hành Đề án Thành phố rất mong người dân quan tâm góp ý, hiến kế để Đề án triển khai đạt hiệu quả, qua đó góp phần phục vụ người dân tốt nhất.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Đức Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chặt chẽ, khoa học và khả thi, đúng thời điểm cũng như các ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND Thành phố.
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Đức Hải đề nghị Ban Điều hành Đề án chú trọng công tác điều tra xã hội học và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu mình là trung tâm của đô thị thông minh, cũng như tham gia giám sát quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án; chú trọng sự đa dạng về điều kiện sống của nhân dân thành phố để xây dựng đề án phù hợp với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, Ban Điều hành Đề án cũng cần chú trọng tới tính liên thông, đồng bộ cơ sở dữ liệu với các bộ ngành trung ương để tạo thuận tiện, giảm bớt các thủ tục hành chính cho người dân khi sử dụng các dịch vụ; sự phân công, phân cấp trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; công tác đào tạo nguồn nhân lực; sử dụng nguồn nhân lực trong nước và nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn như một sự phát huy nội lực và tiết kiệm chi phí; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực hiện Đề án.
Theo Hochiminhcity.gov.vn