Những nhân tố ngoại bắt đầu xuất hiện nhiều hơn qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ cho thấy tiềm năng trên thị trường tài chính tiêu dùng, mà còn là áp lực lên những nhà cung cấp hiện hữu. Mặc dù vậy, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm vừa qua, các công ty tài chính còn có những động lực, dự kiến sẽ còn giúp thị trường thay đổi đáng kể trong năm nay.
M&A TÀI CHÍNH SẼ DÀY ĐẶC
31,1 và 37,6 lần lượt là độ tuổi bình quân của khách hàng vay qua công ty tài chính và ngân hàng. Con số thú vị này cho thấy giới trẻ tiếp cận tiền qua kênh công ty tài chính dễ dàng hơn so với các định chế ngân hàng. Các bạn trẻ ngày càng vay nhiều hơn để mua sắm và tiêu dùng là một xu hướng quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trong các thương vụ M&A trong ngành tài chính tiêu dùng đang ngày càng trở nên “dày đặc” hơn.
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỉ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất trong khu vực châu Á. Tỉ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên ở Việt Nam tại một thị trường có nhu cầu tiêu dùng rất lớn với quy mô dân số trên 92 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người trên 2.000USD. Dân số trẻ tại thành thị có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Có thể nhận thấy các định chế nước ngoài đang hướng sự quan tâm đến chuyện người Việt tăng vay để mua sắm. Gần cuối tháng 1, Prudential công bố thỏa thuận bán 100% doanh nghiệp tài chính tiêu dùng của mình là Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) với giá trị 151 triệu USD.
Nếu như PVFC là công ty ngoại đầu tiên rao bán 100% phần vốn của mình thì Techcombank cũng là ngân hàng đầu tiên thoái toàn bộ phần vốn cho một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là Lotte. Theo đó, TechcomFinance được ghi nhận bán dù chưa có giá trị chuyển nhượng chính thức, trong khi theo truyền thông Hàn Quốc ước khoảng 1.700 tỉ đồng.
Như vậy, đã có ba đại diện của Hàn Quốc chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp lâu năm là công ty tài chính của Mirae Asset. Tuy nhiên, không chỉ có người Hàn nhắm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, các đối tác Nhật cũng quan tâm không kém.
Chẳng hạn, thương vụ của Tập đoàn Shinsei mua lại 49% cổ phần công ty tài chính của Ngân hàng Quân Đội và giữ nguyên tên thương hiệu Mcredit. Hay trước đó nữa là Saison nhảy vào công ty tài chính tiêu dùng của HDBank. Số lượng nhà đầu tư Nhật hiện tại cũng nhiều đáng kể với những cái tên quen thuộc như Toyota Finance, JACCS Vietnam và cả ACS Việt Nam (thuộc AEON Finance).
Lợi thế của những công ty nước ngoài trong lĩnh vực này không chỉ là dòng vốn, mà còn cả kinh nghiệm phát triển sản phẩm. Nhắc đến vai trò của cổ đông ngoại, ông Hoàng Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Mcredit, cho biết: “Shinsei Bank đóng góp những lợi thế về nhiều mảng như quản trị rủi ro liên quan tới quản lý khách hàng, quản lý khoản vay, tối ưu hóa hiệu quả của quy trình nghiệp vụ và đề xuất những giải pháp công nghệ trong việc phát triển những kênh mới”.
2017 là năm hoạt động đầu tiên của thương hiệu Mcredit sau khi Ngân hàng Quân Đội bắt tay với Shinsei. Bên cạnh chuyện ra vào thị trường qua M&A, các thương hiệu hiện hữu khác cũng có chuyển động đáng kể. Chẳng hạn, Home Credit cũng tuyên bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, cam kết đầu tư nhiều hơn cùng vị Tổng Giám đốc mới trước đó là nhân sự trụ cột ở thị trường Nga. Trong khi đó, FE Credit tiếp tục đều đặn tăng vốn điều lệ hằng năm để nâng cao năng lực mở rộng hoạt động kinh doanh, từ mức 2.790 tỉ đồng trong năm 2016 lên 4.474 tỉ đồng trong năm 2017.
Sau 6 năm chính thức bắt đầu gia nhập thị trường này, có thể nhận thấy các công ty tài chính đi đầu đã “khai phá” thị trường khá tốt. Quy mô tín dụng tiêu dùng chiếm 5,2% GDP vào năm 2013 nay đã tăng lên 9,8% vào năm 2016. Số liệu mới nhất theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cập nhật đến tháng 10.2017) cho thấy tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 960.000 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 42,1 tỉ USD, chiếm 15,7% tổng dư nợ cho vay.
Nhưng điểm đáng chú ý là thị trường này bao gồm cả sự tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại. Theo StoxPlus, các công ty tài chính chỉ cho vay khoảng 74.000 tỉ đồng, tương ứng với quy mô 3,3 tỉ USD.
Trong khi đó, theo khảo sát mới công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tăng mạnh, từ 39% lên 45,7% vào cuối năm 2017, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 42,4% trong khi nhóm công ty tài chính chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%).
Điều này đồng nghĩa với việc các công ty tài chính tăng trưởng tốt, nhưng quy mô dư nợ của các ngân hàng chiếm thị phần cao hơn, chủ yếu nhờ vào các khoản vay có giá trị lớn như mua nhà hay mua xe ô tô. Nhưng ngược lại, công ty tài chính áp đảo về số lượng khoản vay.
Xét thị phần trong phân khúc công ty tài chính, thống kê chung của StoxPlus năm 2016 cho thấy, FE Credit chiếm tới 48% thị phần cho vay, vì đặc thù những khoản vay lớn so với mức bình quân chung của các công ty tài chính khác, tiếp theo sau là Home Credit, HD Saison và Prudential Finance (đã được Shinhan mua lại).
Nếu chia nhánh nhỏ hơn, thị trường cho vay tiêu dùng có thể chia làm 3 sản phẩm chủ đạo, bao gồm cho vay tiền mặt (personal loan), cho vay mua đồ gia dụng và cho vay mua xe. Trong đó, FE Credit dẫn đầu ở phân khúc cho vay tiền mặt với thị phần 85%, còn Home Credit dẫn đầu ở phân khúc mua đồ gia dụng với thị phần gần 48%. Riêng trong phân khúc cho vay mua xe, FE Credit vẫn dẫn đầu thị trường (thị phần 27%) nhưng không lớn hơn nhiều so với các đối thủ khác.
Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất từ những công ty này cho thấy năm 2017 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, FE Credit cho biết doanh thu tăng 45%, lợi nhuận tăng 55% và vẫn chiếm gần 50% tổng dư nợ toàn ngành tài chính tiêu dùng, cao gấp 3 lần so với thị phần của đối thủ tiếp theo (khoảng 16%).
Trong khi đó, Home Credit công bố doanh số là 28.934 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2016. Sản phẩm tăng mạnh nhất vẫn là phân khúc cho vay mua đồ gia dụng. Đặc biệt hơn là Mcredit đã báo lãi ngay trong năm đầu tiên hoạt động, khác với những công ty tài chính khác “trầy trật” xây dựng thị trường. Theo đó, tổng dư nợ của Mcredit trong năm ngoái đạt 1.549 tỉ đồng.
Rõ ràng, sự xuất hiện của những cái tên mới trên thị trường không chỉ cho thấy tiềm năng của thị trường, mà còn là thách thức lớn đối với những doanh nghiệp hiện hữu. “Mô hình công ty tài chính đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn còn rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường”, ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, cho hay.
Theo đại diện FE Credit, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn lớn nhờ xu hướng cho vay tiêu dùng là tất yếu trên thế giới. Tỉ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới chỉ đạt mức 11,4% trong khi con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%. Rõ ràng, các nhà đầu tư hiện tin rằng miếng bánh thị trường sẽ còn nở lớn hơn và cơ hội vẫn còn đó cho tất cả. Cuối năm 2016, thị trường tín dụng tiêu dùng chính thức được điều chỉnh quy phạm pháp luật theo Thông tư 43 và 39 ban hành năm 2016. Đi cùng với sự tăng cường M&A trong năm 2017, năm nay sẽ là cuộc chơi của những sản phẩm mới.
TỚI ĐIỂM BÙNG NỔ
Số liệu thống kê cho thấy người Việt chi tiêu nhiều hơn tương đối so với các quốc gia khác. Theo số liệu của cơ quan thông tin kinh tế EIU thuộc The Economist, tổng mức tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân ở Việt Nam năm 2015 chiếm khoảng 67% GDP.
Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Singapore là 37%, Anh là 65%, Đức 54% và Nhật 59%. Một yếu tố tích cực khác còn là sự thay đổi về mặt nhận thức, bao gồm kiến thức tài chính. Theo Báo cáo Tín dụng tiêu dùng Việt Nam năm 2017 của Viện Chiến lược Ngân hàng, trẻ hóa độ tuổi là một xu hướng mới trong việc đi vay tiêu dùng, còn kiến thức tài chính tăng lên cũng là một điểm lợi thế khiến cho những người đi vay trẻ tuổi tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, cũng như kiểm soát các khoản vay tốt hơn.
Thêm nữa, vấn đề pháp lý rõ ràng hơn là một cơ sở quan trọng để các định chế này hoạt động sau nhiều năm tranh cãi về một loại hình cho vay mới, từ Thông tư 39 và 43 của Ngân hàng Nhà nước. Những điều khoản này không những giúp minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng, đơn giản hóa các thủ tục cho vay mà còn bảo vệ quyền lợi của người đi vay.
Cùng với sự gia nhập nhiều hơn của những người mới đến, những yếu tố này có thể giúp Việt Nam cũng có thể trở thành quốc gia kiểu mẫu vay nợ tiêu dùng trong tương lai, trong bối cảnh nhiều nước châu Á có diễn biến tương tự. Bài học điển hình là Hàn Quốc với thị trường tiêu dùng phát triển. Nhưng để dân dễ vay hơn, các công ty tài chính cũng phải đau đầu cạnh tranh về mặt sản phẩm và quảng bá thương hiệu.
Theo nhận định của Báo cáo Tín dụng tiêu dùng Việt Nam năm 2017 của Viện Chiến lược Ngân hàng, phân khúc các khoản vay có giá trị nhỏ (chủ yếu là vay tiền mặt, vay mua sắm các hàng hóa như hàng điện tử, đồ gia dụng, các dịch vụ học tập, y tế…) chưa được đáp ứng đầy đủ. “Mặc dù nhu cầu của khách hàng ở phân khúc này là rất lớn, song số lượng các tổ chức tín dụng có cho vay ở phân khúc này không nhiều”, báo cáo này nhận định.
Trong khi đó, chiến lược của những công ty tài chính có đối tác ngoại thường đặt mục tiêu bán chéo sản phẩm lẫn nhau. Đại diện MCredit cho biết một bước đi khác biệt của Mcredit là tận dụng lợi thế với Viettel, cổ đông lớn của Ngân hàng Quân Đội. Theo đó, các sản phẩm đang được thử nghiệm là gói sản phẩm cho vay mua trả góp xe máy, điện máy phục vụ quân nhân đang tại ngũ. Mcredit cũng tập trung vào đối tượng cá nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp mà Ngân hàng Quân Đội có quan hệ giao dịch.
Bán chéo sản phẩm dựa trên đa kênh cũng phải nhắc đến năng lực của Shinhan và Lotte tại thị trường Việt Nam. Tham vọng của Shinhan còn thể hiện rõ qua thương vụ mua lại mảng khách hàng cá nhân của ANZ Việt Nam, trong khi Lotte cũng là thương hiệu đã đình đám trong làng bán lẻ Việt Nam. Việc tiếp xúc với nhóm khách hàng cá nhân của 2 tổ chức này không có gì là khó khăn.
Xu hướng trên khiến các công ty phải xoay xở để cạnh tranh. Sản phẩm chủ lực của Home Credit là cho vay mua đồ gia dụng, nhưng khoảng nửa cuối năm 2017, công ty này bắt đầu nhảy vào mảng cho vay tiền mặt mà FE Credit đang chiếm lĩnh. “Năm 2018, Home Credit sẽ còn mở rộng ra thêm nhiều lĩnh vực khác”, ông Dmitry Mosolov, Tổng Giám đốc Home Credit, tuyên bố.
Một điểm đáng chú ý khác là thị trường thẻ dành riêng cho người thu nhập thấp có lẽ sẽ trở thành cuộc đối đầu quan trọng trong giai đoạn kế tiếp. Có thể dễ dàng nhận thấy các công ty Hàn Quốc vừa thực hiện M&A đều là những công ty con hoạt động trong lĩnh vực thẻ, thuộc Tập đoàn Shinhan và Lotte.
Cuối năm ngoái, Home Credit bắt đầu tung ra sản phẩm thẻ tín dụng, trong khi đối thủ FE Credit đã có hơn 1 năm tung hoành trên thị trường, phát hành hơn nửa triệu thẻ trên thị trường tính đến tháng 1.2018. Hai nhóm sản phẩm chủ lực của FE Credit trong thời gian tới vẫn là cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng, hiện chiếm 82% tổng dư nợ, ông Kalidas Ghose, Tổng Giám đốc FE Credit, cho hay.
Cơ hội cho thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn, bao gồm cả các ngân hàng. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, dự báo đây sẽ là một trong những điểm tăng trưởng nóng trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong thời gian tới, cho dù sự cạnh tranh hiện hữu đã là rất khốc liệt. Đại diện Ngân hàng Sacombank mới đây cho biết trong năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua các loại thẻ tín dụng, chưa tính đến kế hoạch thành lập công ty tài chính tiêu dùng đã đưa ra cách đây vài năm.
Thực tế, các ngân hàng đã tham gia vào cuộc đua bán lẻ cho vay tiêu dùng từ lâu, gồm hai sản phẩm thẻ tín dụng và thấu chi qua tài khoản. Trong giai đoạn 2011-2015, dư nợ cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản đã tăng gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chỉ ở mức 30-40%.
Người dân chịu xài, tổ chức tín dụng chịu “bơm”, thị trường cất cánh là điều dễ hiểu, nhưng khi đó, “túi nợ” của người dân cũng tăng lên đáng kể. Người trẻ vay nhiều hơn cũng là một vấn đề khi khả năng tiếp cận tín dụng trở nên dễ dàng thì rủi ro đối với khách hàng cũng tăng lên nếu họ không có đủ kiến thức và kỹ năng kiểm soát tài chính.
Tất nhiên, rủi ro từ thẻ tín dụng không phải không có, mà điển hình là bài học từ Hàn Quốc vào đầu thập niên 2000. Chính vì thế, với bản thân các công ty tài chính, cuộc chơi còn là “cuộc chiến” đặc biệt quan trọng của việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu, báo cáo của Viện Chiến lược Ngân hàng nhận định.
FE Credit chịu lỗ trong vài năm đầu tiên vì đi khai phá thị trường mới, như ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, từng chia sẻ. Nhưng theo đánh giá trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt, điểm may mắn là VPBank nhảy vào đúng thời kỳ phân khúc khách hàng cá nhân đang có nhu cầu tín dụng tăng cao (tăng 21% trong khi nhu cầu tín dụng doanh nghiệp chỉ tăng 6%).
Còn theo ông Kalidas Ghose, có một yếu tố quan trọng giúp FE Credit dẫn đầu thị trường là nhờ dữ liệu lớn (Big Data). Theo đó, Big Data không chỉ hỗ trợ cho FE Credit tìm kiếm, thu hút và phục vụ khách hàng, mà còn giúp tối ưu hóa hoạt động quản trị rủi ro và giảm chi phí, gồm chi phí thẩm định tín dụng và chi phí vận hành.
“Lợi nhuận của Công ty gần đây liên tục tăng trưởng chính nhờ yếu tố cốt lõi là Big Data. Nền tảng khách hàng cực lớn mà chúng tôi sở hữu sẽ là lợi thế cạnh tranh cốt yếu tiếp tục tập trung phát triển”, ông Kalidas Ghose nói. Trước đây, VPBank, công ty mẹ của FE Credit, đã từng có ý định tìm thêm nguồn vốn mở rộng kinh doanh, nhưng kế hoạch này ngừng lại nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động vay tiền mặt. Quy mô FE Credit nhanh chóng đẩy lên, cho dù kèm theo đó là tỉ lệ nợ xấu cũng tăng lên.
Trong xu hướng “số hóa”, thách thức với những công ty tài chính còn là những công ty khởi nghiệp tài chính công nghệ (Fintech). Thống kê cho thấy có khoảng 4 mô hình cho vay cung cấp khoản vay trong số 48 công ty Fintech. Số lượng không nhiều một phần cũng vì mức độ rủi ro cao và chưa được pháp luật quy định hoạt động cụ thể, cho dù tiềm năng khai thác thị trường là hiện hữu.
Một nhân tố đóng góp đáng kể trong thị trường tài chính tiêu dùng sắp tới còn là yếu tố công nghệ. “Tương lai phát triển của tài chính tiêu dùng sẽ phải nói về digital”, ông Dmitry Mosolov cho biết tại buổi lễ ra mắt thương hiệu mới của Home Credit vào cuối năm ngoái.
Nhìn chung, cuộc chơi của thị trường tài chính tiêu dùng đã đi qua chặng đường đáng kể khi pháp lý đã vững vàng hơn và số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đã bắt đầu nhiều lên. Những nhà đầu tư này cũng kỳ vọng một lượng khách hàng lớn sẽ chuyển từ thị trường phi chính thức sang thị trường chính thức. Theo World Bank, năm 2014, tỉ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên có ít nhất một khoản vay trong vòng 1 năm trở lại đây là 46,8%, nhưng tỉ lệ người có khoản vay tại các tổ chức tài chính chính thức chỉ ở mức 18,4%, trong đó khách hàng trẻ tuổi 15-24 tuổi chỉ đạt 3,08%.
Nhưng thị trường này có lẽ sẽ dần đến điểm bão hòa nếu không có thêm sản phẩm nào khác độc đáo và hấp dẫn trong năm nay. Ngành tín dụng cũng bị ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố vĩ mô, khi nguồn vốn mà các công ty tài chính huy động được có chi phí quá cao, kéo theo lãi suất cho vay đầu ra. Cuối năm ngoái, StoxPlus dự báo thị trường tài chính tiêu dùng sẽ quay trở về mức tăng trưởng khoảng 25-30% trong năm nay, sau khi đạt mức 44% trong 3 năm trở lại đây. Dù vậy, đây vẫn là một con số tăng trưởng cao đáng kể.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư