Tại Hội thảo “Chỉnh trang và phát triển đô thị” được Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tổ chức mới đây, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đều đánh giá cao chiến lược dài hạn của thành phố nhằm biến vùng đất ven kênh rạch thành khu đô thị hiện đại. Từ đó, thị trường BĐS TP.HCM trong giai đoạn 5 năm tới sẽ thực sự có tốc độ tăng trưởng mới.
Hiện tại, TP.HCM đang thực hiện Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị với chương trình di dời nhà ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng. TP.HCM vẫn còn khoảng 1.200 dự án phát triển bất động sản của các doanh nghiệp đang có nhu cầu hợp tác, liên doanh, liên kết nhất là với doanh nghiệp Nhật Bản.
Để có thể TP.HCM thu hút được vốn đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chương trình này, tại hội thảo, HoREA đã đưa ra những kiến nghị mới. Cụ thể:
Một là, khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Hai là, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).
Ba là, khuyến nghị các doanh nghiệp luôn luôn phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn; Hiệp hội khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch của thành phố; chương trình nhà ở xã hội của thành phố; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Bốn là, khuyến nghị các doanh nghiệp tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp.
Năm là, khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội; và định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Sáu là, khuyến nghị các doanh nghiệp hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, niêm yết chứng khoán ở nước ngoài.
Bẩy là, khuyến nghị các doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước có năng lực mạnh.
Chín là, khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu để có thể sớm đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện chứng khoán hóa bất động sản.
Theo: Gia Khang/ Tri thức trẻ