Đó là khẳng định của nhiều luật sư về cách giải quyết vụ việc khách hàng Chu Thị Bình bị “rút ruột” 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi ở Eximbank chi nhánh TP.HCM.
Hôm nay, dự kiến Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và bà Chu Thị Bình sẽ có buổi làm việc thứ 2 để giải quyết vụ mất số tiền gửi tiết kiệm 245 tỷ đồng tại ngân hàng này. Ở buổi làm việc đầu tiên cuối tuần trước, bà Bình đã từ chối nhận khoản tiền tạm ứng 14,8 tỷ đồng mà Eximbank đề nghị.
“Tôi không gửi cho Lê Nguyễn Hưng”
Trả lời chúng tôi hôm qua, bà Chu Thị Bình lý giải, việc bà từ chối nhận khoản tiền Eximbank tạm ứng 14,8 tỷ đồng vì ngân hàng (NH) này giải thích chưa rõ và đưa ra một số ràng buộc không hợp lý. “Tôi gửi tiền cho NH chứ không phải gửi tiền cho Lê Nguyễn Hưng (Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, người đã rút số tiền 245 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của bà Bình – PV). Sổ tiết kiệm tôi còn giữ thì NH trả tiền lại cho tôi chứ sao lại chối bỏ trách nhiệm của mình”, bà Bình bức xúc.
Sự việc khách hàng Chu Thị Bình bị “rút ruột” 245 tỷ đồng xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM được phát hiện từ cuối tháng 2/2017, khi khách hàng này khiếu nại số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm. Toàn bộ giao dịch của bà Bình với NH trước đó đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM đảm nhiệm. Ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình để làm giả văn bản người được ủy quyền rút tiền từ tài khoản, chiếm đoạt trót lọt hàng trăm tỷ đồng của bà này và đã bỏ trốn.
Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Phía Eximbank vẫn giữ quan điểm không chi trả số tiền này cho bà Bình khi đưa ra lý do trên chứng từ có chữ ký thật của bà Bình và sẽ trả tiền cho bà Bình sau khi tòa có phán quyết cuối cùng.
Đáng nói là theo quy định của chính Eximbank, trong trường hợp khách hàng ủy quyền rút tiền cho người khác thì người được ủy quyền phải có sổ tiết kiệm. Còn giấy ủy quyền phải được lập tại Eximbank hoặc phải có công chứng, chính quyền địa phương xác nhận. Trong khi hiện bà Chu Thị Bình đang giữ 3 cuốn sổ tiết kiệm gửi tiền vào Eximbank còn số tiền 245 tỷ đã bốc hơi. Vì thế việc Eximbank yêu cầu chờ phán quyết cuối cùng của tòa án rồi mới trả số tiền gửi tiết kiệm 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình bị dư luận lo ngại nguy cơ tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ tiền gửi giữa khách hàng và NH.
Ngân hàng phải hoàn trả tiền cho khách
Theo luật sư Bùi Quang Tín, chữ ký trên giấy ủy quyền của bà Bình là thật hay làm giả thì NH cũng phải tuân thủ đúng quy trình rút tiền là phải có sổ tiết kiệm của khách hàng. Hơn nữa, một phiếu rút tiền có chữ ký của kế toán, thủ quỹ, kiểm soát viên… chứ không thể qua một người là rút được. Nhân viên NH làm sai quy trình, cho rút tiền mà không có sổ tiết kiệm thì lỗi thuộc về NH. NH phải hoàn trả tiền lại cho khách hàng.
“Còn bất đắc dĩ bà Bình sẽ phải kiện Eximbank để đòi tiền. Đó là theo trình tự thủ tục nhưng ra tòa thì thời gian giải quyết kéo dài, có thể tính theo năm chứ không thể nhanh. Như vậy sẽ gây thiệt hại cho các bên. Khách hàng không nhận được tiền, NH mất uy tín, cổ đông NH chịu ảnh hưởng khi giá cổ phiếu biến động lên xuống từ sự việc này… Việc ra tòa giải quyết chỉ là một trong nhiều cách giải quyết hiện nay giữa bà Bình và Eximbank. Theo tôi NH có thể căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an xem lỗi nào thuộc về mình để từ đó giải quyết nhanh cho khách hàng”, luật sư Tín nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, khẳng định NH phải trả tiền cho khách hàng. Khách hàng gửi tiền vào NH chứ không phải gửi tiền cho nhân viên NH (ở đây là ông Lê Nguyễn Hưng). Trong trường hợp này, NH trả tiền cho khách hàng và đi tìm kẻ lừa đảo rút tiền NH để đòi. NH không chi trả tiền cho khách để xảy ra tranh chấp không hòa giải được thì ra tòa xét xử theo trình tự tố tụng dân sự, trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm hình sự thì phải chuyển qua cơ quan điều tra của công an, truy tố của Viện kiểm sát và xét xử theo thủ tục hình sự.
“Ở đây giấy ủy quyền không được xác lập tại NH, không được chứng thực của cơ quan có thẩm quyền thì dù NH chi tiền khi có chữ ký thật của chủ sổ tiết kiệm cũng vẫn phải chịu trách nhiệm. Với quy trình rút tiền nghiêm ngặt hiện nay, nhân viên NH làm đúng thì rất khó xảy ra việc mất tiền. Khi khách hàng gửi tiền vào NH rồi thì việc để xảy ra mất tiền NH mới là bên bị mất chứ không phải khách hàng”, luật sư Đức khẳng định.
Cũng theo luật sư Đức, quy định tại điều 464 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay” trong bộ luật Dân sự năm 2015, tiền khách hàng đã gửi vào NH là thuộc sở hữu của NH, khách hàng chỉ là người liên lụy. Tiền bị chiếm đoạt ở đây là tiền của NH, chứ không phải khách hàng. Việc cố tình hiểu lệch lạc dẫn đến sai lầm phân định trách nhiệm và áp dụng không đúng quy định. Để ngăn chặn tình trạng mất tiền, NH phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng thay vì đẩy trách nhiệm cho cá nhân sai phạm. Có như vậy, NH mới có những quy định nghiêm ngặt, an toàn trong việc kiểm soát, giảm thiểu rủi ro, sai phạm, cũng như lấy được lòng tin từ người gửi tiền.
Theo: Thanh Xuân/ Báo Thanh niên