Chu Lai được gì sau 15 năm và làm gì để xứng đáng tầm vóc khi thực hiện sứ mệnh khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam?. Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến của các chuyên gia kinh tế và đại diện chính quyền, nhà quản lý, doanh nghiệp đã theo đuổi Chu Lai kể từ ngày khởi động đến hôm nay xung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Biến lợi thế tĩnh thành lợi thế động”
Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung. Không khó để nhận ra những tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam. Một trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước đang được định hình, tiềm năng du lịch được khai thác tốt. Đây là một trong số ít địa phương có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển và giao thông thủy nội địa… đang có bước phát triển đột phá.
Với viễn cảnh phát triển các dự án phái sinh từ việc khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, Quảng Nam đang đứng trước vận hội lớn để tiến nhanh về phía trước, chuyển mình thành công về chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên chính tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương. Quảng Nam đã lựa chọn đúng mô hình chiến lược và dựa vào 2 trụ cột: công nghiệp chế tạo và du lịch – dịch vụ. Khu kinh tế mở Chu Lai và mạng lưới các khu, cụm công nghiệp… đang mang lại cơ hội lớn để Quảng Nam mở rộng không gian phát triển công nghiệp. Chu Lai chắc chắn sẽ xây được tổ lớn để đón những con chim đại bàng cho nền kinh tế.
Đã đến lúc, Chu Lai, Quảng Nam phải tự đổi mới, không vì lợi ích cục bộ, cá nhân, thể hiện vai trò vị trí chiến lược. Đó là khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh và quốc gia khu vực Đông Nam Á. Quảng Nam cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc hoạch định các định hướng và chính sách phát triển kinh tế – xã hội của vùng và từng địa phương, gắn với liên kết vùng và quy hoạch phát triển tích hợp, mang tính hiện đại của vùng, biến lợi thế “tĩnh” thành lợi thế “động”. Tăng cường sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, dần dần tạo nên thương hiệu mạnh, một địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ sạch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nhanh, bền vững hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: “Cần thêm cơ chế, chính sách đặc biệt nổi trội và đột phá”
Sau 15 năm Khu kinh tế mở Chu Lai được gì, thì cần có kiểm nghiệm, đánh giá nhưng thành công ban đầu có thể nhận thấy là Chu Lai đã giúp Quảng Nam đứng vị trí tốt trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khởi điểm chỉ chiếm 15 – 16% giá trị sản xuất công nghiệp, thua xa tỷ lệ 33% của Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, nhưng hiện tại Chu Lai đã “soán ngôi” khi chiếm đến hơn 35% so với 13 – 14% của Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc. Tổng số 32.000ha theo quyết định điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai không thay đổi, nhưng cơ cấu giảm khu vực khác và thay vào Nam Hội An để được hưởng một số cơ chế của khu kinh tế mở.
Quảng Nam hướng đến năm 2020 sẽ đón gần 8 triệu lượt khách du lịch, tỷ trọng công nghiệp chiếm 92%. Hiện có đến 4/6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông ưu tiên đầu tư nằm trong ranh giới quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai. Các dự án phía nam Hội An gắn sắp xếp dân cư, đầu tư dự án du lịch lớn. Chính quyền quản lý quy hoạch, nhà đầu tư quản lý dự án. Sẽ tránh những sai lầm như đầu tư du lịch phía bắc Hội An (cắt xén, quy mô nhỏ…), khu vực này sẽ giao diện tích lớn cho nhà đầu tư quy hoạch mang ý tưởng chiến lược. Họ sẽ trở thành những nhà đầu tư chính và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy diện tích. Thăng Bình, Tam Kỳ phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn đô thị.
Công nghiệp cơ khí ô tô tiếp tục là ngành mũi nhọn – Trường Hải đang thành công theo hướng đi này. Mỏ Cá Voi Xanh đã xong quy hoạch và đang xúc tiến đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng phát triển công nghiệp điện khí. Chắc chắn không còn lợi thế nào hơn với các nhà đầu tư khi có trung tâm điện khí này. Năm 2018 sẽ đưa nước về vùng đông, Quảng Nam sẽ trở thành “hậu cứ” cho đô thị Đà Nẵng về nông nghiệp sạch. Khi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường 129 nối Tam Kỳ – Chu Lai hoàn thành, sẽ rút ngắn thời gian đến Chu Lai và vùng động lực này nằm giữa hai sân bay đầy triển vọng trong phát triển kinh tế vùng. Những sân bay khác sẽ tốn hàng nghìn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, còn sân bay Chu Lai diện tích lớn nhất Việt Nam có lợi thế về độ tĩnh không tốt, sát biển và không tốn tiền giải phóng mặt bằng.
Khu kinh tế mở Chu Lai hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một đặc khu kinh tế nhưng đang bị chựng lại. So với các khu kinh tế khác không có gì ngoài từ MỞ! Chính phủ cần dựa vào thực tiễn sau 15 năm làm khu kinh tế để chọn mô hình đầu tư, để đưa ra cơ chế, chính sách khác biệt, đột phá mới mong đủ lực đẩy phát triển. Quảng Nam quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ ngành may và ô tô, nhưng cần hành lang pháp lý về luật công nghiệp hỗ trợ. Không có cơ chế hỗ trợ, chắc chắn không thể làm được, nói gì đến thành công. Thiếu sức cạnh tranh làm sao vươn nổi trên thị trường thế giới nên cần có chính sách hỗ trợ ban đầu, phù hợp.
TS.Dương Đình Giám – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp: “Chỉ nên phát triển ngành mới khi có hạt nhân động lực”
Nếu không có sản xuất trong nước, hoàn toàn phải nhập khẩu thì sẽ là gánh nặng rất lớn về cân đối ngoại tệ. Nếu ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, sẽ giảm nhập khẩu, tạo thêm hệ thống công nghiệp hỗ trợ đi kèm và hàng chục vạn công ăn việc làm… Không thể vì khó khăn trước mắt mà từ bỏ ngành công nghiệp quan trọng, có tác động rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Thí điểm hình thành khu công nghiệp hỗ trợ cơ khí theo chuỗi cung ứng không bị cắt đoạn, làm động lực cho cả miền Trung tại Chu Lai hay các khu công nghiệp chuyên đề về công nghiệp hỗ trợ dệt may… có lẽ là chọn lựa chuẩn xác để tạo ra sự khác biệt của tiến trình phát triển Quảng Nam.
Khi mở Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu chức năng ban đầu được kỳ vọng là cảng và khu phi thuế quan. Có thể hợp nhất cảng Kỳ Hà và Tam Hiệp hình thành một cảng lớn cho khu phi thuế quan hay không? Nếu không thực hiện được điều này sẽ khó có một khu phi thuế quan như quy hoạch. Mô hình Chu Lai được đánh giá tốt. Trung tâm hỗ trợ cơ khí ô tô đã được xác định. Thaco đã vận hành tốt, từ ô tô, xe tải thêm cơ khí nông nghiệp là đúng bài bản cho sự phát triển. Một đề xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để có thể đón đầu sự dịch chuyển công nghiệp là lựa chọn mới, hợp lý. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật hiện tại có đáp ứng với sự thay đổi không và sự liên kết như thế nào giữa các địa phương liên vùng? Không thể phát triển ngành mới mà chưa có hạt nhân làm động lực phát triển.
TS.Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ: “Đô thị sân bay gắn với logisticS hàng không chính là cơ hội”
Chọn Chu Lai thí điểm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí bởi khu vực phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm, kết hợp phát triển công nghiệp phụ trợ điện tử hoặc công nghiệp có kỹ thuật cao. Đó là sự đầu tư hợp lý. Trường Hải đã đi đúng hướng với cơ khí ô tô và chuyển sang cơ khí ngư, nông nghiệp thành công, nhưng là thương hiệu nước ngoài. Chính phủ cần một ô tô made in Việt Nam. Không nhất thiết phải lấy dòng xe con mà xe bus, tải… đang chiếm lĩnh thị phần, tại sao Trường Hải không xây dựng một thương hiệu quốc gia cho dòng xe này?
Một trong những vấn đề thuyết phục khi chọn Chu Lai làm khu kinh tế mở là sân bay Chu Lai. Đây là sân bay đáng giá. Rất tiếc, nó chưa hề phát huy tác dụng sau 15 năm. Nếu tận dụng được thì khả năng phát triển sẽ rõ. Đó là sự thật. Sân bay Đà Nẵng đã hết vai trò lịch sử, không thể mở rộng được nữa. Hình dung vùng này từ nam Hải Vân về Quảng Ngãi giống như vùng Tokyo và Kansai (Nhật Bản). Hai sân bay này sẽ đóng vai trò khác nhau. Chu Lai tương lai chắc chắn sẽ là một sân bay vùng lớn. Nhưng thời điểm nào để đầu tư thì phải tính đến chiến lược. Đô thị sân bay gắn với logistics hàng không chính là cơ hội cho Chu Lai.
Thay đổi của Quảng Nam đã vượt trên điều tôi suy nghĩ. Sáu nhóm dự án vùng đông là lựa chọn đúng. Sự khác biệt của Chu Lai với các khu kinh tế khác là chữ MỞ, nhưng sao không thể phát triển được phân khu chức năng nào? Chính phủ sẽ đánh giá lại tính hiệu quả của các khu kinh tế, xem xét, bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ của các ban quản lý, các quy hoạch phát triển để định hướng thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo sự liên kết phát triển liên hoàn cho cả vùng duyên hải miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Chúng – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai: “Có động lực sẽ tiếp tục phát triển”
Nhà đầu tư tìm đến Chu Lai vì cơ chế ưu đãi đầu tư, lao động, nhất là những ngành nghề thâm dụng lao động. Tuy nhiên lao động giá rẻ không còn là lợi thế, chỉ còn lợi thế đất đai. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tràn, Quảng Nam đã bộc lộ sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động khi chưa thể tìm đâu ra nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao nên các chuyên gia về tin học, ngoại ngữ và quản lý giỏi phải thuê từ nơi khác đến. Có thể nói, mở ra khu kinh tế mở để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhưng thực tế chưa như kỳ vọng. Số nhiều vẫn là những dự án nhỏ với mong muốn đầu tiên là giải quyết lao động cho dân địa phương. Chu Lai sẽ vẫn tiếp tục thu hút đầu tư, nhưng nhận thức và tư duy đã thay đổi bằng việc từ chối những dự án nhỏ lẻ, cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư. Không chỉ chính quyền mà cả chủ đầu tư hạ tầng cũng vậy.
Một quyết định mới điều chỉnh quy hoạch Chu Lai mang theo hy vọng về tái khởi động cho khu thương mại tự do, nhưng không quy định cơ chế cụ thể sẽ khó. Chu Lai đầy cơ hội nhưng không thể phát triển đúng như kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, không có Chu Lai thì Quảng Nam đâu có được như hôm nay dù nó chỉ mới thành công trong vai trò của một khu công nghiệp “hạng sang”. Khi đọc đề án ban đầu về Chu Lai, tôi nghĩ nó sẽ thành công hơn nhiều chứ không phải như bây giờ. Nhưng trong điều kiện thể chế kinh tế, chính sách không như kỳ vọng, Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội Quảng Nam là đã thành công lắm rồi. Khu vực này đã có đà, có động lực, dự báo sẽ tiếp tục phát triển, nhưng phát triển đúng tầm vóc thì thực sự phải được bổ sung thể chế kinh tế và những ưu đãi vượt trội đặc biệt, phải được điều chỉnh bằng luật, bởi hiện tại những cơ chế ưu đãi cho khu kinh tế này còn kém hấp dẫn.
Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng Giám đốc Thường trực Thaco: “Sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng hội nhập”
Khi đặt chân đến Chu Lai những ngày đầu, tôi không nghĩ sẽ có ngày giữa vùng gió cát hoang vu này hình thành một trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam. Sự phát triển của Thaco, sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đất Chu Lai – Quảng Nam là một sự thay đổi kỳ diệu. Song nhìn ra khu vực và thế giới thì vẫn còn khiêm tốn. Nếu chính sách cởi mở hơn, thông thoáng hơn, chúng tôi tin hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp sẽ phát triển hơn nữa.
Khó khăn chỉ là tạm thời. Thaco tiếp tục đầu tư, chủ động sản xuất, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ít nhất 40%, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh để xuất khẩu ô tô (không chỉ xe bus). Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam hồi tháng 3.2017, Thaco cam kết sẽ đầu tư giai đoạn 2017 – 2021 gần 3 tỷ USD, phát triển khu công nghiệp cơ khí ô tô mở rộng. Đến năm 2021 khu vực này như một bức tranh toàn cảnh khởi sắc, có thể đón nhận luồng đầu tư chuyển hướng vào Quảng Nam.
Với kế hoạch mở rộng, đầu tư, xuất xưởng các mẫu xe mới, gia tăng vốn đầu tư, Thaco khẳng định đã chọn đúng con đường để hoạch định cho khu phức hợp thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa dạng mang tầm khu vực ASEAN. Chiến lược này, chính là câu trả lời cụ thể nhất cho câu hỏi đầy nghi ngờ của thị trường: liệu ngành ô tô Việt Nam có đủ thời gian cạnh tranh hay trở thành nơi nhập khẩu ô tô có xuất xứ Thái Lan và Indonesia? Trường Hải đầu tư đến giai đoạn này không còn là của chính mình nữa mà thực hiện sứ mệnh trở thành thương hiệu của đất nước để có thể tạo dựng hình ảnh ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ, rất cần lực nâng của chính sách. Nhà nước cũng nên xem xét chính sách thuế, phí ô tô để tạo ra một thị trường sôi động, thay thế dần phương tiện cá nhân ở các đô thị lớn để thúc đẩy nền kinh tế, thay đổi bộ mặt giao thông quốc gia.
Theo: TRỊNH DŨNG/ Báo Quảng Nam