Thị trường chăm sóc sức khỏe với quy mô hơn 90 triệu dân của Việt Nam đang trở thành đích đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điển hình như bên cạnh sự phát triển rầm rộ của các mô hình kinh doanh offline như chuỗi nhà thuốc, chuỗi bệnh viện và phòng khám…, một xu thế mới chớm nở trong thời gian gần đây là mô hình chăm sóc sức khỏe trực tuyến (online medical). Không chỉ đi kèm với những ứng dụng công nghệ mới nhất trong y tế, đó còn là sân chơi để kết nối hữu hiệu giữa giới y bác sĩ và người dân, giúp tiết giảm các chi phí trung gian.
Hãng công nghệ nổi tiếng Microsoft cũng kết hợp với đối tác trong nước là CLAS Healthcare cung cấp các dịch vụ y tế thông minh như Basic24x7. Đây là một ứng dụng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép nhân viên y tế kết nối và tư vấn trực tuyến với người bệnh. Hệ thống còn ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), giúp các chuyên gia y tế đưa ra những lời chẩn đoán chính xác, nhanh chóng nhất cho bệnh nhân.
Basic24x7 bước đầu đã được thử nghiệm tương đối khả quan ở Huế và đang được nhân rộng ra cả nước.Có thể kể đến một số tên tuổi đang nỗ lực đầu tư vào mô hình này như mClinica (Singapore) sở hữu nền tảng SwipeRx với hơn 60.000 thành viên ở Việt Nam, Philippines và Indonesia, hay như các hệ thống HelloBacsi.com, CancerCare.vn cũng là những nền tảng chia sẻ đáng chú ý. Trên thị trường chăm sóc sắc đẹp, Epomi cũng là một tên tuổi nổi lên gần đây với ý tưởng vừa tư vấn vừa cung cấp các sản phẩm làm đẹp có chất lượng cao dành cho giới nữ.
Còn hệ thống y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay là Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng xây dựng riêng ứng dụng tư vấn trực tuyến VieVie Healthcare, hướng tới hoàn thiện chuỗi kinh doanh từ offline đến online, tạo sự thu hút, dễ tiếp cận cho người bệnh cũng như giúp cải thiện vị thế cạnh tranh so với các đối thủ… “Tôi tin rằng các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể kinh doanh trực tuyến, nhưng giống như bán lẻ và giáo dục, một mô hình nhiều hứa hẹn nhất sẽ là tích hợp được giữa online và offline”, ông Will Greene, Giám đốc của công ty tư vấn y tế TigerMine, nhận định.
Được xếp vào nhóm những nước có ngành dược đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới, tổng số tiền chi thuốc của Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình năm 2011-2016 lên đến 12%. Tiêu dùng thuốc bình quân theo đầu người tăng 1,7 lần từ con số 27,1 USD/người/năm vào năm 2011 lên 45,8 USD vào năm 2016. “Tuy nhiên, con số này chỉ mới bằng một nửa so với mức trung bình của các thị trường dược phẩm mới nổi, mang lại cơ hội tăng trưởng khả quan trong các năm tới do nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cũng như nhiều vấn đề phát sinh như dân số lớn, ô nhiễm môi trường…”, Công ty Chứng khoán ACBS đánh giá.
Một động lực tăng trưởng khác cho thị trường chăm sóc sức khỏe còn đến từ tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vốn đang diễn ra rầm rộ. Theo kỳ vọng của các chuyên gia y tế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây, ngành y tế sẽ được hưởng lợi khi tận dụng được các công nghệ mới nhất mà cuộc cách mạng này mang lại.
Có thể kể đến các trường hợp tiêu biểu như bệnh ung thư sẽ được phát hiện sớm hơn so với trước đây nhờ những thiết bị theo dõi sức khỏe gắn trên cơ thể, máy tính sẽ giúp phát hiện các tổn thương mà trước đây rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, các ca phẫu thuật sẽ được tiến hành dễ dàng hơn nhờ sự trợ giúp của robot. Ngày càng có nhiều ứng dụng giúp người dùng nói chuyện trực tiếp với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu, hình thành các bác sĩ 24/7.
Hay như sinh mệnh của hàng triệu người sẽ được cứu nhờ thế hệ xe cứu thương thông minh hơn khi phân tích dữ liệu về các tai nạn đã được số hóa trước đó, cũng như tự xác định con đường nào nhanh nhất đi đến bệnh viện. Trong khi đó, những phát kiến về phát hiện và can thiệp sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm chi phí điều trị bệnh cho người dân.
BCC Research, chuyên nghiên cứu các thị trường dựa trên nền tảng công nghệ, dự báo doanh thu toàn cầu của ngành y tế di động (m-health) sẽ đạt 21,5 tỉ USD vào năm 2018, trong đó châu Âu là thị trường lớn nhất.
Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, nhưng theo ông Will Greene, Việt Nam vẫn là thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh và ngày càng nhiều các công ty, tổ chức tham gia khai phá thị trường với hơn một nửa dân số đang sử dụng internet. “Tôi kỳ vọng sẽ nhìn thấy nhiều hơn các sáng kiến về HealthTech trong các năm tới”, ông Will Greene nhận định.
Năm 2017, tổ chức y tế phi lợi nhuận PATH đã thực hiện một vài chương trình y tế mang tính thử nghiệm tại Việt Nam, trong đó ứng dụng công nghệ mới nhất để tìm ra các giải pháp tối ưu cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam. Hai trong số các chương trình này được Bộ Y tế chính thức chấp thuận để trở thành chương trình y tế mang tầm quốc gia. Qua đó, Việt Nam hy vọng sẽ đạt những thành tựu mới trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo: Nhịp cầu đầu tư