Bỏ ra cả đống tiền với niềm hy vọng về một mái ấm sớm được sở hữu, nhưng khi xảy ra tranh chấp, thái độ thiếu trách nhiệm của một số chủ đầu tư khiến khách hàng cảm giác như mình mua phải dự án “vô chủ” vì không biết tìm ai để đòi quyền lợi.
Có chủ không biết hỏi ai?
Một trong những sự việc mới nhất là lùm xùm tại Dự án Discovery Complex số 302 Cầu Giấy, Hà Nội khi mới đây, đại diện 150 khách hàng đã tụ tập trước cửa văn phòng Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy (công ty thành viên của Kinh Đô TCI Group) tại số 93 Lò Đúc.
Sau nhiều lần được hứa hẹn bởi một số người có trách nhiệm trong Công ty mà không thành, lần này, khách hàng yêu cầu gặp mặt trực tiếp Chủ tịch HĐQT Công ty là ông Trần Đức Minh nhằm làm rõ một số điều mà họ cho là khuất tất.
Được biết, ông Trần Đức Minh cũng chính là ông chủ Dự án 8B Lê Trực, từng bị phát hiện xây vượt giấy phép khoảng 16 m, tương đương 5 tầng nhà và đang phải cắt ngọn.
Một khách hàng cho biết, ông mua nhà cách đây gần 5 năm (2013) với lời hứa sẽ được bàn giao từ quý I/2016, nhưng không hiểu vì lý do gì, dự án trễ hẹn tới 18 tháng và đến nay vẫn ngổn ngang máy móc, vật liệu xây dựng. Không những vậy, chủ đầu tư còn liên tục gây sức ép và ra văn bản yêu cầu ông tiếp tục thanh toán theo tiến độ hợp đồng.
Trong khi những mâu thuẫn chung cưđang ngày một tăng, thì các chế tài xử lý vẫn nằm trên giấy hoặc chưa thực sự có hiệu lực như mong muốn. Đây là một bất cập rất lớn cần nhìn nhận lại để tháo gỡ
– Luật sư Trần Anh Tuần |
Trong số 150 khách hàng tại Discovery Complex, người đóng ít đã nộp 80%, có người còn nộp 100% tổng số tiền mua căn hộ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn không có lời giải thích rõ ràng nào về việc chưa thể bàn giao nhà. Không chỉ lỗi hẹn bàn giao và mập mờ khi giải thích, các khách hàng cho biết, chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế chung của dự án so với quảng cáo ban đầu, cũng như thay đổi thiết kế các căn hộ mà không có bất kỳ sự thông báo nào.
Đơn cử, chị Quỳnh Anh, đại diện các khách hàng cho biết, căn hộ thực tế chị được bàn giao bị “nhồi” thêm 14 m2 với số tiền phải “bù” khoảng 500 triệu đồng.
“Việc tăng diện tích như vậy không thể chấp nhận được, vì nhà tôi chỉ đủ tiền mua với diện tích ban đầu. Hơn nữa, phòng bé thì vẫn bé, phòng đã rộng lại rộng thêm cũng chẳng để làm gì, phía ban công còn không được vuông vức như thiết kế ban đầu”, chị Quỳnh Anh cho biết.
Trước tình hình thực tế của dự án, theo chia sẻ từ nhiều khách hàng, họ đã liên tục lên gặp chủ đầu tư để được làm rõ nhưng không thể, vì lúc thì chủ đầu tư tránh né gặp gỡ, lúc lại khất lần. Phản ứng trước thái độ của chủ đầu tư, khách hàng kiến nghị, kêu cứu tới nhiều nơi. Tuy nhiên, đến ngày 6/3 vừa qua, mọi chuyện vẫn ở trong ngõ cụt và chưa có lời giải thích thấu đáo từ chủ đầu tư, cũng như sự can thiệp của cơ quan có trách nhiệm.
Việc khách hàng gần như bị bỏ rơi cũng từng diễn ra tại Dự án Horizon Tower thuộc Khu ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm chủ đầu tư diễn ra hồi cuối năm 2017.
Phản ánh của khách hàng dự án này cho biết, theo hợp đồng, chủ đầu tư ban đầu hứa sẽ hoàn thành toàn bộ công trình (bao gồm cả căn hộ và hạ tầng kỹ thuật xung quanh), bàn giao cho khách hàng dự kiến vào ngày 31/3/2017. Việc bàn giao có thể sớm hoặc muộn hơn so với thời gian quy định, nhưng không được chậm quá 180 ngày, kể từ thời điểm đến hạn bàn giao căn hộ cho bên mua theo hợp đồng mua bán. Đồng thời, bên bán phải có văn bản thông báo cho bên mua biết lý do vì sao chậm tiến độ bàn giao.
Thế nhưng, đến tận tháng 12/2017, đã quá thời hạn bàn giao theo hợp đồng gần 9 tháng, nhưng Dự án Horizon Tower vẫn còn rất nhiều hạng mục thi công dở dang, từ hạ tầng giao thông, đến phòng cháy chữa cháy… Trong khi chưa có giải thích thỏa đáng về việc thi công chậm tiến độ, thì ngày 29/11/2017, chủ đầu tư lại gửi cho khách hàng thông báo về kế hoạch… tiếp tục đóng tiền.
Việc làm này của chủ đầu tư khiến khách hàng bức xúc và 4 lần gửi văn bản tới Vinaenco đề nghị làm rõ những thông tin nêu trên. Tuy nhiên, điều mà họ nhận được chỉ là sự im lặng khó hiểu.
Đỉnh điểm của sự việc là sáng ngày 5/12/2017, rất nhiều khách hàng đã cùng nhau kéo lên tận trụ sở của Vinaenco để đề nghị được đối thoại với lãnh đạo cao nhất của Công ty. Sau hàng giờ đồng hồ chờ đợi, phía chủ đầu tư chỉ cử đại diện phòng hành chính của Công ty ra tiếp nhận ý kiến mà không hề giải đáp khiến mâu thuẫn bùng phát.
Trong khi đó, theo đoạn clip ghi nhận lại vụ việc, trong lúc khách hàng đang tụ tập tại Vinaenco, họ phát hiện thấy vị nữ Chủ tịch Công ty này lén ra khỏi phòng làm việc bằng cửa thoát hiểm. “Cuộc trốn tránh” bất thành khiến Chủ tịch Công ty phải quay lại đối chất với khách hàng, nhưng cũng không hề đưa ra những quyết định hay lời khẳng định nào cụ thể, rõ ràng.
Tại sao chủ đầu tư dễ “phủi trách nhiệm”?
Theo đánh giá của luật sư Trần Anh Tuấn, Văn phòng Luật sư Minh Bạch, trong “bài toán” giải quyết tranh chấp ở các khu chung cư, nhất là tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, cần phải nhìn nhận một thực tế là quy định hiện nay khiến chủ đầu tư rất dễ “phủi” trách nhiệm. Nguyên nhân gốc rễ là do các pháp luật hiện hành dường như vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh lĩnh vực này.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam có nhiều văn bản có thể điều chỉnh quan hệ giao dịch liên quan đến chung cư như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai… và những văn bản hướng dẫn luật này. Tuy nhiên, những văn bản này chưa đủ để giải quyết các tranh chấp đặc thù ở chung cư.
“Trong khi những mâu thuẫn chung cư đang ngày một tăng, thì các chế tài xử lý vẫn nằm trên giấy hoặc chưa thực sự có hiệu lực như mong muốn. Đây là một bất cập rất lớn cần nhìn nhận lại để tháo gỡ”, ông Tuấn cho biết.
Theo ghi nhận của Đầu tư Bất động sản, không chỉ tại các dự án nói trên mà nhiều chung cư cao cấp khác trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tranh chấp trong thời gian qua. Trước Discovery Complex, Horizon Tower, cư dân Capital Garden, Golden West Lê Văn Thiêm, Hồ Gươm Plaza, Keangnam, New Horizon, Vinaconex 3, Center Point…, cũng phải “vỡ mộng” với cuộc sống trong mơ, tiện ích đầy đủ, dịch vụ đẳng cấp…, mà các chủ đầu tư vẽ ra khi mở bán. Nhiều cư dân sau thời gian dài đấu tranh với chủ đầu tư, đã phải thốt lên rằng: “Mua chung cư cao cấp, nhưng sống khổ hơn cả khu tập thể cũ!”.
Tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở 2014 đã có quy định khá chi tiết về quản lý nhà chung cư, quản lý và bàn giao quỹ bảo trì chung cư. Tưởng rằng, khi nghị định này có hiệu lực, các tranh chấp chung cư sẽ giảm dần và chấm dứt, nhưng thực tế, những gì diễn ra trong năm 2017 lại hoàn toàn ngược lại do không đủ chế tài để các bên thực hiện nghiêm Nghị định 99…
Chính vì thế, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Trong đó, có quy định hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình có sai phạm với mức xử phạt nâng lên rất cao so với trước đó.
Dẫu vậy, theo đánh giá của ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mức phạt có tăng cao nhưng quan trọng người thực thi xử phạt sẽ như thế nào. Chế tài tốt mà không áp dụng hiệu quả thì sẽ rất khó răn đe được hành vi vi phạm.
Theo: Đầu tư Bất động sản