Hội An đã có những phát triển nổi trội trong quản lý, bảo tồn, xây dựng đô thị cổ trở thành di sản mang thương hiệu quốc tế, một trong những điểm đến được chọn lựa đối với du khách nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam. Hội An cũng là một nơi chốn đặc biệt làm tự hào bao người con sinh ra và lớn lên tại đây.
Con người là yếu tố quan trọng tạo nên linh hồn phố cổ Hội An, là hấp lực lớn níu chân du khách. Ảnh: V.VU |
Không lạ, nhưng không dễ tìm
Đến Hội An không chỉ là để đi quanh, xem phố cổ mà còn được tận hưởng niềm vui tinh thần khó nơi nào có thể mang lại. Đó là niềm vui trong những đối thoại đơn giản với bất kỳ ai gặp ở nơi này, từ người buôn gánh bán bưng đến những người làm chủ, làm công trong các gian hàng, cửa hiệu. Đó là niềm tin trong những sản phẩm bản địa như thời trang, đồ trang trí… được may đo, chế tác tại chỗ. Hay đơn giản là ngắm sự hồn nhiên, yêu đời trên gương mặt của người dân khu phố dù cuộc sống còn tần tảo… Tính cách dễ gần, sự hiếu khách nồng hậu trong các mối quan hệ xã hội của cư dân đô thị diễn ra và lan truyền rất tự nhiên như “không có gì lạ” nhưng lại không dễ tìm thấy ở những đô thị, hay địa điểm du lịch nào khác. Sự gần gũi và chia sẻ của cộng đồng tạo ra một hệ thống giáo dục đạo đức xã hội, hướng đến môi trường sống an toàn. Và du khách trở lại nhiều lần để tìm những điều đó, những cảm nhận không phương tiện nào truyền tải được, chỉ có thể trực tiếp đối mặt những hoạt động tinh thần vô giá đó, ngay tại miền đất Hội.
Tăng trưởng và bảo tồn là hai mặt song hành hỗ trợ, mâu thuẫn nhau trong tiến trình phát triển của nhiều đô thị nói chung. Với Đô thị cổ Hội An, việc đưa ra giải pháp thỏa đáng cho vấn đề nêu trên càng trở nên khó khăn, càng cần phải cân nhắc một cách sâu sắc dựa trên nhiều khía cạnh, từ nhiều nguồn ý kiến có chọn lọc, và nhiều lĩnh vực khác nhau về đô thị và xã hội học đô thị. Để sự phát triển của TP.Hội An là một chuỗi không ngừng với những kế hoạch bền vững, xứng tầm. |
Khi Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, du lịch – dịch vụ là ngành kinh tế trọng yếu mang lại nguồn thu chính cho thành phố. Du lịch và sự gia nhập với tần số lớn những người nhập cư, rồi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu và đặc tính cư dân tại các khu vực của TP.Hội An, nhất là khu phố cổ và ngoại vi phố cổ. Thị trường dịch vụ – du lịch ở Hội An ngày càng có nhiều ưu thế thu hút đầu tư từ bên ngoài, và xu hướng xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân tại đây cần liên tục nâng cao năng lực quốc tế hóa các sản phẩm dịch vụ, điều này tạo ra thách thức lớn cho người dân bản địa. Nguồn lợi bất động sản đô thị và lối sống đơn giản, ôn hòa của người Hội An đẩy họ lui về sau sự nhộn nhịp của phố cổ, để lại sân chơi đó cho người nhập cư và nhà đầu tư bên ngoài.
Giữ gìn bản sắc
Trong quá khứ của một trung tâm giao thương sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á từ những năm đầu thế kỷ XV, đô thị Hội An đã là nơi hội tụ của nhiều dân tộc như Chăm, Việt, Hoa, Nhật… Hội nhập, hợp tác giữa các cư dân đa quốc gia, đa vùng miền là một xu thế rất phù hợp với phát triển, sẽ là cơ hội đưa Hội An trở thành một đô thị thương mại có vị trí quan trọng trong khu vực. Tuy nhiên, đối với một đô thị có bề dày lịch sử với nhiều giá trị tinh thần như phố cổ Hội An, hội nhập hiện nay hay sự đào thải các hoạt động của cư dân bản địa trong khu phố cổ nói riêng và tại những cộng đồng cư dân cũ nói chung tạo nguy cơ làm phai mờ bản sắc, văn hóa tinh thần đô thị đã được gầy dựng qua nhiều thế kỷ. Lối sống con người bản địa – thành tố tạo nên những tình cảm đô thị – nền tảng để không gian đô thị Hội An không lẫn vào đâu được bị thay thế dần theo sự gia tăng người nhập cư ngay tại khu phố cổ. Cư dân mới với những tố chất năng động, cạnh tranh, có mục tiêu, quan điểm rõ ràng về kinh tế, rất ít những kết nối với cộng đồng như quan hệ làng xóm, bà con, đồng đạo… Giới hạn giao tiếp hình thành với những cảm xúc mang tính thực dụng đã làm suy giảm nghiêm trọng những giá trị tinh thần phi vật thể của khu phố cổ.
Tố chất con người bản địa là thành tố đặc biệt hình thành xúc cảm của môi trường Đô thị cổ Hội An; duy trì, tạo dựng các không gian giao tiếp có giá trị – là linh hồn của đô thị. Do đó, song song với giá trị vật thể của các di tích, giá trị con người với những hoạt động liên quan nên được đặt làm tâm điểm cơ sở vạch ra các tiêu chí cho những hoạch định về giữ gìn bản sắc đô thị của TP.Hội An. Nên có phương án kiểm soát các thay đổi về thành phần, cơ cấu dân cư tại những khu cư dân truyền thống; đồng thời tạo ra mạng lưới đô thị nối kết khoa học làm nền tảng cho sự du nhập, phát triển đa dạng các cộng đồng cư dân mới. Từ đó, lưu giữ và phát triển các hoạt động giao tiếp trong cộng đồng cư dân, nhân rộng các giá trị tốt đẹp của lối sống bản địa theo sự phát triển của đô thị.
Theo: HỨA LINH/ Báo Quảng Nam