Một người đàn bà từ chạy chợ, giờ chuyển sang chạy… bất động sản. Một người đàn ông đang yên lành với mấy sào măng tây, giờ thở hắt lo lắng từng ngày. Một gia đình, họ hàng đang yên ổn, bỗng chốc quay ra gai góc nhìn nhau. Tấc đất, tấc vàng. Mà vàng đó, đang gây ra những tiếng thở vắn than dài, những cuộc tranh chấp ở cái vùng đô thị đang chuyển mình sôi động như Điện Dương (Điện Bàn)…
Người dân Điện Dương bị cuốn vào cơn sốt đất. |
1. Chúng tôi lang thang bên dòng sông Cổ Cò từng mỹ miều mang tên “Lộ Cảnh Giang huyền thoại” ở vài thế kỷ trước nhưng nay chỉ còn là những đoạn lạch bị đứt quãng bởi lục bình che phủ. Riêng ở Điện Dương, có nhiều đoạn người ta không còn nhận ra đâu là ranh giới con nước với biền bãi nữa. Đã hơn 15 năm từ lúc người dân nơi đây phong thanh nghe tin dòng sông huyết mạch một thời nối liền Đà Nẵng với Hội An này sẽ được khơi thông nhưng rồi ngày qua ngày chỉ thấy con sông khánh kiệt dần. Những vạn chài ở khối Hà Quảng Tây (phường Điện Dương) cho biết, trước năm 2005 họ có thể quăng lưới, gõ cá hầu như quanh năm ở khúc sông này nhưng bây giờ thì treo ghe và họa hoằn lắm cả năm có một, hai đợt mưa rất lớn thì mới ra vớt vát được chút ít cá tôm. Người dân dọc hai bờ sông xác nhận, cách đây tầm 10 năm khu vực giữa sông vẫn còn sâu lút đầu người. Những chờ đợi, thấp thỏm của người dân về dòng sông được khơi thông cứ thế vơi dần sau bao chờ đợi.
Sông Cổ Cò nhiều lần bị trì hoãn nạo vét kéo theo nhiều dự án du lịch khác đầu tư vào phường Điện Dương dọc ven sông cũng “bất động”. Không ít chủ dự án trong số này không đủ tiềm lực đã “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng cũng có dự án long đong, xây dựng cầm chừng để chờ dòng Cổ Cò hết nghẽn. Ông Đặng Hiệp Lực – Phó phòng Quản lý đô thị Điện Bàn, thở hắt một tiếng rồi mới nói về tình hình các dự án đầu tư du lịch tại Điện Dương: “Năm mới này cũng như năm ngoái, năm kia và các năm trước nữa, vẫn rất ì ạch. Vì nhiều lẽ. Buồn lắm!”. Phần lớn doanh nghiệp du lịch khi “nhảy vào” đầu tư tại đây đã tính toán dự án sẽ thu hút khách nhờ vào dòng sông được khơi thông, một phần khách tham quan sẽ lựa chọn tuyến đường sông Cổ Cò để di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An ngang qua Điện Dương nhưng mọi toan tính đến nay vẫn chỉ nằm trên… giấy tờ. Qua thông tin cán bộ địa chính phường cung cấp, hiện tại phải có hơn chục dự án đầu tư du lịch với khoảng gần 500ha đã được giao cho các nhà đầu tư nhưng bị “treo” hoặc chậm tiến độ.
2. Trong khi các dự án du lịch “bất động” thì thị trường bất động sản tại Điện Dương sôi động như trẩy hội. Về Điện Dương bây giờ dễ dàng nhận thấy rao vặt bán đất “giăng” khắp mọi nơi. Ở phố chợ có, trên vệt cây xanh ven biển có, trụ điện có rồi cổng nhà cũng có. Một cơn “sốt” bất động sản đang được tạo ra khi đất chính là chủ đề được bàn tán hàng giờ hàng ngày của người dân địa phương. Ở quán café, ở hàng thịt hàng cá, hàng rau. Họ chỉ nhau mối này mối khác kiếm chênh lệch hơn cả một tháng trời chạy chợ. Tội gì không làm. Vậy là dân Điện Dương, cả dân vùng Điện Nam, Điện Ngọc, học “lỏi” nhau cái phương cách “cò”. Dẫu ngay cả cái gốc gác đất, các thủ tục giấy tờ ra sao, họ nói, không cần biết. Cách đây chưa đầy hai tháng, khi chúng tôi hỏi thăm đất nền tại khu đô thị Đ.D.X. (khối Hà My Trung, phường Điện Dương) thì được nhân viên bất động sản thông báo đã kết thúc mở bán giai đoạn 1 và cần chờ đợi một thời gian. Điều đáng nói là đất nền tại khu vực này bán “cháy” hàng khi mà dự án mới chỉ ở công đoạn san ủi đất và chưa thấy hình hài nào của một khu đô thị. Hỏi thăm anh P.N.T. (quê Nghệ An) thì được biết, hồi đầu năm nay anh cũng định mua một lô đất ở đây để đầu tư nhưng khi hỏi thì đến các nhân viên bất động sản của dự án cũng không biết chắc chắn đất của anh đặt mua nằm ở khu vực nào, đường sá ra sao nên anh T. cũng ngán ngẩm từ bỏ ý định.
Đất nông nghiệp và diện tích chuyên canh măng tây bị dự án nuốt dần. |
Cũng như các vùng đất khác đang “chuyển mình” của vùng đông Quảng Nam, giá đất tại Điện Dương đang “nhảy múa” qua từng ngày. Nếu dọc theo tuyến đường ven biển, giá đất đã đắt đỏ nhiều năm nay thì ở vùng nội đồng phía trong của phường thời gian qua cũng dần bắt đầu “sốt” giá. Như tại khu phố chợ Điện Dương, nhiều lô đất đã qua tay 3 – 4 chủ và mỗi lần chuyển nhượng ấy các chủ nhân lại dễ dàng “ẵm” vài trăm triệu đồng dù khu phố chợ chỉ mới chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Vì giá đất tăng chóng mặt, có doanh nghiệp đã sẵn sàng “đi tắt đón đầu” dù chưa đầu tư gì vào địa bàn phường. Trong cuộc họp về giải phóng mặt bằng với UBND thị xã Điện Bàn, ông Bí thư chi bộ kiêm trưởng khối Hà My Đông B than thở rằng: “Trước đây công tác dân vận để người dân giao đất cho dự án phát triển địa phương không gặp trục trặc gì nhưng gần đây thì vô cùng khó khăn”. Té ra, dù đang trong quá trình thương thảo đền bù với người dân nhưng doanh nghiệp đã công khai rao bán lại đất nền khi chưa lấy được mặt bằng sạch với giá cao gấp nhiều lần đã khiến người dân địa phương bức xúc không chịu chuyển giao đất cho dự án.
3. Chuyện đất đai nóng sốt không chỉ làm dải đất một thời chỉ có cát và nắng đến nỗi “gà đi dép” trở nên xôn xao mà cũng khiến nhiều nông dân chân chất ở đây cũng bị tác động mạnh. Theo Luật Đất đai mới có hiệu lực, những thửa đất nông nghiệp không có sổ đỏ được khai hoang, canh tác từ năm 2004 trở về trước sẽ được bồi thường theo quy định khiến nông dân nhập nhằng trong việc xác định. Theo một lãnh đạo UBND phường Điện Dương, chuyện một mảnh đất với vài sào ruộng bị bỏ hoang mấy mùa nhưng khi có dự án kiểm kê thì xuất hiện ba, bốn hộ dân đứng ra nhận chủ sở hữu là không hiếm. Có mảnh ruộng người này bỏ hoang cho dăm, ba người canh tác mấy chục năm nay, mỗi mùa một người luân phiên, bây giờ được bồi thường thì chẳng ai nhịn ai, thế là lại mất tình cảm xóm giềng. Tên người không đổi. Chỗ ở không thay. Vẫn anh Tư, chị Sáu, cô Bảy. Nhưng cuộc mưu sinh và cuộc xoay chuyển từ xã lên phường rồi những hứa hẹn về đô thị du lịch, đã nẩy ra những gương mặt vằn vện, gai góc. Cái nghèo khó khiến họ thương nhau. Nhưng rồi cũng cái nghèo khó đẩy họ vào một “cơn sốt” khiến họ chưa kịp chuẩn bị cho mình một năng lực tiếp nhận. Hồi trước, họ như những củ khoai vùi trong đất cát, lành hiền, vô hại. Bây giờ, họ gắt gỏng với từng người quen mặt.
Một bộ phận khác cũng đang thắc thỏm vì đất đai nhưng là vì sợ không còn đất để làm nông nghiệp. Một mai kia khi các dự án bao trùm toàn bộ địa bàn phường, những hộ dân này sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nhiều năm trước, một diện tích không nhỏ đất cát bạc màu tại đây không đem lại hiệu quả nhiều cho nông dân trong việc canh tác. Thế nhưng cây măng tây đã giúp mở lối đi mới triển vọng cho họ từ năm 2014. “Tổ hợp tác sản xuất măng tây an toàn Điện Dương” ra đời và vận hành hiệu quả, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ tham gia, giúp người dân yên tâm sản xuất. Nhưng các dự án cũng sắp lan tỏa đến đây.
Ông Phạm Ba (trú khối Tân Khai) hiện có khoảng 2 sào măng tây cho thu nhập ổn định. Tuy vậy, theo ông hiện toàn bộ diện tích này đều nằm trong vùng giải tỏa của một dự án du lịch. Ông Ba bộc bạch: “Chắc chắn khi đến khu tái định cư, diện tích bố trí sẽ thu hẹp hơn. Nhưng chính quyền và nhà đầu tư cần tính toán để những nông dân chúng tôi còn đất để sản xuất chứ đột ngột mất sinh kế thì rất chênh vênh”. Đó cũng là tâm tư của nhiều nông dân trung niên khác, bởi ở tuổi của họ, một khi xa rời nghề nông rất khó để có thể tìm kiếm một công việc nào khác. Được biết, hiện nay Điện Dương còn gần 400ha đất màu, đất lúa nhưng diện tích này đang bị thu hẹp nhanh chóng qua từng… mùa vụ. Ông Nguyễn Chánh Thiện – Phó trạm Khuyến nông – khuyến lâm Điện Bàn cho biết: “Hiện nay cây măng tây đã chứng minh sự phù hợp với vùng cát Điện Dương, tuy nhiên khả năng mở rộng là hầu như không có chứ chưa nói đến việc xây dựng vùng chuyên canh”. Quỹ đất nông nghiệp, nay đã giao cho tất cả dự án.
Điện Dương vẫn ngổn ngang, như năm ngoái, năm kia, năm tê – những năm các dự án du lịch rổn rảng kéo về… trên giấy, trong các bản quy hoạch…
Theo: QUỐC TUẤN – LÊ QUÂN/ Báo Quảng Nam