Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng con số nói trên được cộng dồn gần 20 năm. Lý do dẫn đến thực trạng này là vì chính sách có sự thay đổi liên tục.
Theo Sở Xây dựng, hiện TP.HCM còn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư để trống, TP giữ lại hơn 8.500 căn hộ, nền đất để bố trí tái định cư cho 460 dự án chỉnh trang đô thị, số còn lại 5.200 căn hộ sẽ được mang bán đấu giá.
Trong đó có 3.790 căn thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2); 1.000 căn tại khu tái định cư xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh); 200 căn hộ tại dự án tái định cư Phú Mỹ (Q.7)…
8.500 căn hộ và nền đất tái định cư còn lại, dự định sẽ bố trí cho các hộ dân trong 460 dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố. Dùng 1.000 căn tạm cư cho các trường hợp cấp bách, sạt lở, cháy nổ, di dời khẩn cấp các chung cư cũ, hư hỏng.
Giải thích nguyên nhân khiến dư thừa một lượng lớn nhà tái định cư, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng nguyên nhân do chính sách bồi thường, tái định cư thay đổi theo hướng ngày một thoáng hơn.
Nếu như trước đây, nhà nước bồi thường đất của người dân theo giá quy định, các hộ dân bị di dời có xu hướng nhận nhà tái định cư nhiều vì có lợi hơn phương án nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, hiện nay chính sách bồi thường thoáng hơn, giá bồi thường ngang bằng giá thị trường, giá nhà tái định cư cũng cao bằng giá thị trường nên người dân muốn nhận tiền để tự lựa chọn nơi ở.
Một nguyên nhân nữa là quy định lại yêu cầu phải có nhà tái định cư trước khi di dời người dân nên TP phải chuẩn bị quỹ nhà tái định cư lớn. Điều này khiến quỹ nhà do nhà nước chuẩn bị dư ra. Sở đã xin chủ trương và TP cho phép bán đấu giá để thu hồi vốn.
Ông Tuấn viện dẫn từ năm 1998 kéo dài đến năm 2007, việc đền bù giải toả thực hiệnTĐC theo Nghị định 22. Khi giải toả, nhà nước đền bù theo giá đền bù cho dân hoặc bố trí một căn hộ mới. Lúc đó, nhận nhà có lợi hơn nên người dân ào ào chọn phương án này và bán lại cho người khác để kiếm lời. “Thời đó, tôi còn là Phó chủ tịch UBND quận 4, rất vất vả chạy khắp dự án để mua từng căn hộ TĐC về bố trí cho dân vì thiếu trầm trọng”, ông Tuấn nêu.
Thấy vậy, lãnh đạo UBND TP HCM nhanh chóng đầu tư khu TĐC Vĩnh Lộc B và khu 12.500 căn tại Thủ Thiêm, quận 2 với mục đích xây dựng một khu TĐC với đầy đủ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi xây xong, dân không ở. Lý do là họ lâu nay ngụ quận 1, quận 6, bỗng dưng đưa về một nơi xa lạ không mấy thích nghi.
Ông Tuấn cho biết thêm theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ giữ lại hơn 8.500 căn, nền đất để bố trí tái định cư cho các dự án, số còn lại sẽ tổ chức đấu giá.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, trong quá trình tái định cư, thành phố cũng đã rút ra được nhiều bài học. Trong đó không thể cơ học bố trí người dân từ địa bàn này đến địa bàn xa, không thuận tiện cho sinh hoạt và công việc. Thay vào đó, cần phải tái định cư tại chỗ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người dân. Mặt khác sẽ phải điều tra xã hội học, dự báo nhu cầu hình thức tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội cho thuê