Đầu tháng 7/2017, HAR công bố mua 100% cổ phần của CTCP Khu du lịch Đảo San Hô – đơn vị đầu tư dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13,5 ha. Tới cuối tháng 7/2017, HAR tiếp tục công bố mua 51% vốn tại CTCP Cơ khí Ngân hàng – một doanh nghiệp sở hữu 2.300 m2 đất hai mặt tiền thuộc quận Phú Nhuận.
CTCP Cơ khí Ngân hàng được biết đến là một doanh nghiệp độc quyền được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước để xây kho chứa tiền, dịch vụ chở tiền. Về tay HAR, khu đất kể trên sẽ được phát triển thành khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với quy mô hơn 300 phòng nhằm đón lượng khách lưu trú từ sân bay Tân Sơn Nhất.
Tới tháng 10/2017, HAR tiếp tục công bố nghị quyết mua ít nhất 35% và được quyền mua thêm 20% vốn của CTCP Sản xuất thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba. Lý do có thể thấy nổi bật lên cả là Khu thương xá Kim Biên Phúc Lộc rộng 10.000 m2 hai mặt tiền Kim Biên – Gò Công mà Phương Đông đang sở hữu.
Thực hiện M&A hàng loạt các dự án lớn, HAR đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Diễn biến giao dịch của HAR trong thời gian gần đây
Được biết đến là cổ phiếu có tính đầu cơ cao nên HAR thường biến động không ngờ tới. Thời điểm đầu năm 2017, HAR chỉ có giá hơn 2.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tới cuối năm đã lên mức 8.000 đồng. Nhưng mức giá cao nhất được ghi nhận trong năm 2017 là 16.700 đồng, một con số “không tưởng”.
Tuần qua, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng 7,4% trở lại đường đua với giá 11.600 đồng/cổ phiếu. Hút dòng tiền, khối lượng trung bình của HAR đạt 2,8 triệu đơn vị/phiên, trong khi con số này chỉ là 1,6 triệu đơn vị trong ba tháng qua.
Về mặt kỹ thuật, HAR đã kết thúc xu hướng giảm khá rõ rệt, đường giá vượt lên trên vùng mây của chỉ báo Ichimoku. Cùng với đó, đường giá cũng vượt lên trên mốc kháng của của các đường MA dài ngày.
Điểm nổi bật nhất trong thời gian vừa qua là sự thay đổi lớn về mặt cơ cấu cổ đông. Trong bài viết gần nhất của chúng tôi về HAR, đã ghi nhận sự kiện ông Nguyễn Gia Bảo – Chủ tịch HĐQT của HAR đã liên tục đăng ký mua một lượng lớn cổ phiếu đưa số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 1,7 lên 11,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,6%.
Như vậy, hai anh em trong gia đình ông Bảo nắm giữ hơn 17% HAR. Tuy nhiên điểm đặc biệt và cũng là cơ sở cho niềm tin của nhà đầu tư nhỏ lẻ là sự kiện quỹ VinaCapital bất ngờ mua vào 11,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 11%. VinaCapital hiện là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như là một nhà đầu tư Bất động sản tên tuổi. Với sự hiện diện này, phần nào là cơ sở cho các nhà đầu tư nhỏ mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư.
Hợp tác chiến lược với người Thái
Đi kèm với việc VinaCapital mua một lượng lớn cổ phiếu HAR, trên thị trường bắt đầu xuất hiện những tin đồn liên quan tới việc một công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi là Frasers Centrepoint Limited (FCL) sẽ sở hữu phần lớn cổ phần của HAR. Tuy đây chỉ là tin đồn nhưng đang tạo sự hấp dẫn với rất nhiều nhà đầu tư.
Bắt đầu từ tháng 6/2016, HAR và các đối tác công bố sẽ thoái vốn có điều kiện 70% cổ phần của GHomes – đơn vị đang sở hữu dự án phức hợp nhà ở và thương mại trên diện tích 1ha tại khu Thảo Điền, Quận 2 cho đối tác Frasers Centrepoint Limited.
Chi tiết hơn, dự án bao gồm tòa nhà cao 32 tầng, diện tích 9642,5 m2 trong đó 315 căn căn hộ cao cấp; 15 căn căn hộ thương mại; 12 nhà phố và 6 biệt thự nhà ở thấp tầng; 156 căn hộ dịch vụ. Với tổng kinh phí xây dựng ước tính 85 triệu USD. Do chi phí đầu tư lớn nên HAR tiến hành kết hợp với một đối tác có tiền lực lớn như FCL được đánh giá hợp lý. Mới đây, dự án này đã được mở bán với giá bán xấp xỉ 75 triệu đồng/m2 (3.300 USD/m2) dự kiến sẽ đem lại doanh thu cho cả FCL và HAR trong thời gian tới. Báo cáo tài chính gần nhất, HAR chỉ còn sở hữu 5,6% tại dự án này thông qua Ghomes.
Nhờ hoạt động hợp tác với FCL, HAR tiến hành tái cơ cấu và có nguồn lực để tiến hành M&A để mở rộng quỹ đất phát triển bất động sản mới.
Theo: MAI HƯƠNG/ Diễn đàn Đầu tư (Bizlive)