Trung Nam Group có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, là chủ dự án chống ngập ở TP.HCM với tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, song Trung Nam Group lại lọt danh sách nợ xấu ở ACV với số nợ bất ngờ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), tính đến 31/12/2017, doanh nghiệp này vẫn còn một khoản nợ xấu hơn 30 tỷ đồng.
Đây là những khoản thu đã quá hạn thanh toán, hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi.
Đứng đầu danh sách nợ xấu ở ACV là Công ty cổ phần hàng không Mê Kông gần 26 tỷ đồng. Nhưng hiện nay Mê Kông Air đã giải thể.
Đáng chú ý trong danh sách nợ xấu của ACV xuất hiện cái tên Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) với khoản nợ xấu 50 triệu đồng.
Trung Nam Group là một cái tên khá nổi tiếng gắn liền với nhiều dự án lớn hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án Golden Hills – Đà Nẵng; Nhà máy điện gió Trung Nam; Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế… và mới đây nhất là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM.
Trung Nam Group cũng được biết đến với vụ doanh nghiệp kiện đòi UBND TP. Đà Nẵng hơn 2.000 tỷ đồng. Xuất phát của vụ việc là do UBND TP. Đà Nẵng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ tiền thuế đất. Trong danh sách này, Trung Nam Group nợ gần 300 tỷ đồng tiền thuế của 2 dự án Khu đô thị Golden Hills và Dự án vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài.
Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, sau 14 năm hoạt động với các lĩnh vực thủy điện, xây dựng, bất động sản. Vốn điều lệ của công ty này hiện nay là 3.000 tỷ đồng do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm Chủ tịch HĐQT.
Theo thông tin công bố trên website của Tập đoàn này, hiện nay Trung Nam Group đang thực hiện rất nhiều dự án có mức đầu tư từ vài nghìn tỷ cho đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất trong các dự án của Trung Nam Group là dự án Golden Hills rộng 350ha có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD (khoảng 38.000 tỷ đồng). Để thực hiện được dự án này, vốn chủ đầu tư phải có ít nhất 5.700 tỷ đồng. Bởi, theo Luật đất đai quy định, chủ dự án phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha và không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên.
Thế nhưng, công ty Trung Nam (pháp nhân do Trung Nam Group lập ra để thực hiện dự án Golden Hills) chỉ có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thì việc thực hiện dự án trên có lẽ là giấc mơ xa xỉ. Ngay cả công ty mẹ là Trung Nam Group cũng khó có đủ tiềm lực để thực hiện dự án Golden Hills.
Trả lời Nhadautu.vn, Trung Nam Group cho biết, con số 1,67 tỷ USD chỉ là con số kỳ vọng ước tính sau khi dự án khu đô thị Golden Hills hoàn thành phần hạ tầng cơ sở và nhận thêm sự đầu tư từ các doanh nghiệp, công ty thứ cấp đầu tư vào các mảng như bất động sản, nhà hàng – khách sạn, tòa nhà văn phòng, khu nghỉ dưỡng… chứ không phải là tổng vốn đầu tư cho dự án này.
Có lẽ, dự án quá lớn ngoài sức của Trung Nam Group. Bởi vậy từ giữa năm 2017, Doanh nghiệp của ông Nguyễn Tâm Thịnh đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội.
Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội thành lập từ năm 1998, do ông Nguyễn Đình Tuấn làm giám đốc. Trước khi ký hợp đồng hợp tác với Trung Nam Group, công ty này có vốn điều lệ là 25 tỷ đồng. Tháng 7/2017, Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội đã tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng.
Sau sự hợp tác giữa Trung Nam Group và Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội, dự án Golden Hills đã có những bước biến chuyển mới.
Ngoài ra, Trung Nam Group còn là chủ đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.
Dự án này được UBND TP.HCM chỉ định cho Trung Nam Group thực hiện theo hình thức BT, trong thời gian 36 tháng. Nguồn vốn do nhà đầu tư tự thu xếp và huy động vốn hợp pháp để thực hiện.
Kết quả chỉ định nhà đầu tư đã được UBND TP.HCM và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM công bố tại Thông báo số 2133/TB-TTCN ngày 14/12/2015.
Dự án này được khởi công ngày 26/6/2016. Chiều dài toàn bộ hệ thống xây dựng các cống ngăn triều trên các kênh rạch để ngăn không cho triều xâm nhập vào trung tâm Thành phố là trên 60 km kè.
Sau khi hoàn thành, UBND TP.HCM sẽ thanh toán cho chủ đầu tư 84% giá trị dự án bằng tiền mặt, còn 16% bằng quỹ đất.
Theo: Nhà Đầu tư