Xếp hàng niêm yết
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát vừa ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn đăng ký công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên HOSE với Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC). Theo đó, HSC sẽ tư vấn cho Hải Phát các thủ tục, hồ sơ để niêm yết chứng khoán trên HOSE. Dự kiến, Hải Phát sẽ niêm yết toàn bộ cổ phần trên HOSE vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm nay.
Qua đó, Hải Phát sẽ có cơ hội nâng cao khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư trong ngoài nước, tăng giá trị cổ phiếu, quảng bá hình ảnh và thương hiệu của Hải Phát đến nhà đầu tư, nâng cao tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính.
Hải Phát là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn tại Hà Nội, TP.HCM… |
Được thành lập năm 2003, Hải Phát có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.000 tỷ đồng. Đến nay, Hải Phát ghi dấu ấn với nhiều dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình…
Một thương vụ gây xôn xao làng bất động sản TP.HCM gần đây là Công ty Cổ phần Bất động sản NetLand đã mua lại 95% cổ phần Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi. Điều đáng nói, NetLand mới gia nhập thị trường năm 2014 và chỉ có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kết nối thông tin thị trường giữa các đơn vị môi giới địa ốc và chủ đầu tư.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Bất động sản Danh Khôi là một trong những đơn vị có hệ thống phân phối nhà đất lớn mạnh nhất trên thị trường bất động sản phía Nam.
Sau khi thâu tóm Danh Khôi, NetLand tăng vốn lên 120 tỷ đồng và nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Ngày 5/3 vừa qua, HNX đã có quyết định về việc chấp thuận niêm yết vào tháng 4 tới.
Đại diện của NetLand cho biết, với động thái chuẩn bị niêm yết và nắm trong tay quỹ dự án dồi dào, hệ thống phân phối lớn mạnh nên doanh nghiệp này nhận được sự quan tâm của hàng loạt quỹ đầu tư đến từ Nhật, Singapore và Hong Kong.
Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào các dự án ở khu Đông TP.HCM với vai trò đối tác chiến lược. Riêng nhà đầu tư Nhật Bản là Sanei Architecture Planning còn đặt cọc giữ chỗ trước bằng cách cho NetLand vay tiền và chờ đến đợt doanh nghiệp tăng vốn, niêm yết để hoán đổi thành cổ phiếu.
Dự kiến, NetLand sẽ niêm yết trên HNX vào ngày 5/4/2018 với mã chứng khoán NRC. Giá chào sàn chưa chính thức được công bố nhưng dự kiến không dưới 20.000 đồng một cổ phần.
Còn đại hội cổ đông năm 2018 Hưng Thịnh Incons, một công ty con của Hưng Thịnh Corp sẽ chủ yếu bàn về việc niêm yết cổ phiếu lên HOSE. Tại đại hội cổ đông bất thường năm 2017, cổ đông đã thông qua tờ trình của Hội đồng quản trị về việc niêm yết 25 triệu cổ phiếu trên HOSE.
Hiện tại, Hưng Thịnh Incons đã chuẩn bị các hồ sơ cần thiết để thực hiện các thủ tục liên quan gửi các cơ quan chức năng. Trong năm 2017, tổng doanh thu của Hưng Thịnh Incons ước đạt 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng, tương ứng EPS vào khoảng 4.800 đồng một cổ phần.
Hưng Thịnh Incons sẽ niêm yết lên sàn lấn sân qua lĩnh vực đầu tư dự án. |
Dựa trên các hợp đồng đã ký năm 2017, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2018 dự báo tăng 1,5 lần so với năm trước. Với chiến lược mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản được triển khai từ đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của công ty được dự báo sẽ tăng trưởng 20% mỗi năm, từ 2019-2021.
Dự kiến vào ngày 17/4 tới, Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Vạn Tường sẽ bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 9,47 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Sau đó, Vạn Tường sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Công ty Đầu tư Xây dựng Vạn Tường hoạt động kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp, cầu đường… Vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa của Vạn Tường là 158 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ 36% vốn tại Vạn Tường, bán cho người lao động tương ứng 4,03% vốn điều lệ, còn IPO chiếm 59,97% vốn điều lệ.
Tương tự, vào ngày 18/4 tới, Công ty TNHH MTV Lũng Lô 3 sẽ tiến IPO gần 2 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Dự kiến vốn điều lệ của Lũng Lô 3 sau cổ phần hóa là 30 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà các loại, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng khác, khảo sát, dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ theo giấy phép của Bộ Quốc phòng.
Lũng Lô 3 được thành lập năm 2010 là công ty trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, danh sách các công ty chuẩn bị niêm yết lên sàn còn có có City Land thuộc CT Group, Phúc Khang, CENLand thuộc CENGroup, MBLand, BIDGroup…
Để huy động vốn
Nói về việc các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đua nhau niêm yết lên sàn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đây là xu thế tất yếu.
Hồi đầu năm 2018, trong báo cáo gửi đến doanh nghiệp thành viên, HoREA khuyến nghị lãnh đạo các công ty bất động sản xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Ông Châu lý giải, tại Nghị quyết 01 của Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo đó, các ngân hàng chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn tỷ lệ tối đa theo lộ trình. Cụ thể, từ ngày 1/1-31/12/2018 là 45% và từ ngày 1/1/2019 là 40%.
“Việc niêm yết lên sàn sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng. Đây cũng là cơ hội để các công ty tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp và thị trường bất động sản ngày càng minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Châu nói.
Còn chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM thống kê, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào khoảng 22-23 tỷ USD thì tổng dư nợ đã lên đến hơn 18 tỷ USD, chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản sẽ thêm sôi động nhờ việc các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. |
Hiện tại, các quy định của Thông tư 19 sẽ khiến van tín dụng vào bất động sản sẽ hẹp hơn. Ngoài ra, trước áp lực về nợ xấu, các ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh cho chủ đầu tư bất động sản vay.
“Do đó, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đang có xu hướng tìm vốn từ các nguồn khác như các quỹ đầu tư và huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Việc trở thành công ty đại chúng không chỉ giúp tăng cường khả năng huy động nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh làn sóng đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản, xây dựng đang nở rộ mà còn giúp vị thế và thương hiệu của doanh nghiệp thay đổi theo hướng tích cực hơn”, ông Tín nói.
Chuyên gia tài chính này cho biết thêm, năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển ngoài mong đợi khi Vn-Index tăng hơn 48% và Hnx-Index tăng gần 46%. Đà tăng của thị trường chứng khoán năm qua nhận được sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, SAB, GAS, nhóm ngân hàng, dầu khí…
Tuy nhiên, không thể không nhắc tới nhóm cổ phiếu bất động sản khi nhiều mã tăng vượt trội so với bình quân thị trường. Cụ thể, VIC tăng 84%, DXG tăng hơn 100%, LDG tăng gần 250%, NLG 50%, FLC 30%, PDR hơn 170%, ROS 58%, LGL 44%…
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cảnh báo, việc các công ty bất động sản, xây dựng ồ ạt niêm yết là điều tốt. Tuy nhiên, niêm yết lên sàn chỉ với mục đích là huy động vốn thì phải cân nhắc. Bởi hiện tại, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán khó hơn nhiều so với trước đây.
“Để cổ phiếu, trái phiếu có người mua thì doanh nghiệp bất động sản phải có uy tín trên thị trường. Việc quá nhiều doanh nghiệp niêm yết đồng loạt gọi vốn không những gây lo ngại cho những nhà đầu tư mới mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu”, ông Hoàng nói.
Theo: Nguyễn Duy/ Phụ nữ mới