Thời điểm đó, chuỗi bán lẻ GS25 đã tuyên bố muốn dẫn đầu thị trường bán lẻ nước này là một câu chuyện khó tin. Thật bất ngờ, sau 5 năm, họ dần tăng doanh số và nhanh chóng chiếm 30% thị phần tại Hàn Quốc.
Tại sao là Sơn Kim?
Bước chân đầu tiên ra khỏi biên giới Hàn, họ đã đến Việt Nam với hy vọng tái hiện lại bước đột phá như đã làm tại xứ sở kim chi. Sau cửa hàng đầu tiên khai trương, GS25 hy vọng sẽ có lợi nhuận sau 3 năm đầu tư. Nếu thành công tại Việt Nam, người Hàn sẽ tiếp tục mang GS25 đến những nước khác trong khu vực. Điều gì đã khiến GS25 đặt nhiều hy vọng tại Việt Nam đến vậy?
Việt Nam là một trong những nước có dân số trẻ cao nhất trên thế giới nhưng các kênh bán lẻ chưa thu hút được giới trẻ, đại diện GS25 chia sẻ. Theo thông tin cung cấp từ Nielsen, trung bình mỗi cửa hàng tại Hàn Quốc sẽ thu hút 1.000 người tham gia, còn Việt Nam tỉ lệ là 69.000 người/cửa hàng. Cũng theo đại diện GS25, chia sẻ thực tế tại Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, cửa hàng tiện lợi là kênh bán lẻ phát triển nhanh nhất khi nền kinh tế phát triển và mức thu nhập tăng lên.
Theo ông Yun Ju Young, Giám đốc Điều hành của Công ty GS25 Việt Nam, tại Hàn Quốc cửa hàng tiện lợi chiếm 15% tổng thị trường bán lẻ, Việt Nam chỉ mới hơn 2% nên sẽ là một phân khúc đầy tiềm năng. Sự thành công trong lĩnh vực bán lẻ của Tập đoàn Lotte tại Việt Nam cũng là động lực để GS25 tự tin khi chọn thị trường Việt Nam.
Vào Việt Nam, chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim. Trong đó, GS Retail, công ty vận hành GS25 (thuộc Tập đoàn GS Group), sẽ nắm 30% cổ phần, Sơn Kim nắm 70%. GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu, kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đổi lại, liên doanh GS – Sơn Kim sẽ trả tiền bản quyền và phần lợi tức bán lẻ tương ứng với số cổ phần 30% cho GS Retail.
Sở dĩ GS25 chọn Sơn Kim là vì tập đoàn này hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, truyền thông và bán lẻ. Công ty này sở hữu chuỗi cửa hàng đồ lót lớn cùng nhiều cửa hàng thời trang. Công ty cũng đang hợp tác với GS Home Shopping trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. GS Home Shopping và GS Retail đều cùng thuộc hệ thống GS Group.
Như công bố của GS25 Việt Nam, trong năm 2018, GS25 dự kiến mở khoảng 50 cửa hàng, tập trung ở TP.HCM. Đến đầu năm 2020, sẽ bắt đầu tiến ra thị trường Hà Nội. Mục tiêu là sau 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam, GS25 sẽ có hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc. GS25 đã đầu tư một nhà máy sản xuất thực phẩm đặt tại Long An. Đây sẽ là nơi cung cấp thực phẩm tươi ngon cho chuỗi cửa hàng.
GS25 cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư của Hàn Quốc vào đầu tư tại Việt Nam để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Bước tiếp theo, GS Retail có kế hoạch xuất khẩu các sản phẩm từ Việt
Nam đi Hàn Quốc và ngược lại. Không chỉ có vậy, vào thị trường Việt Nam, GS25 còn mang trọng trách dẫn dắt thị trường cho những doanh nghiệp khác của Hàn Quốc thâm nhập vào Việt Nam.
Đại diện GS25 chia sẻ, hiện tại GS25 đang mang một trách nhiệm rất nặng nề với tư cách là doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất cũng như thống trị nhiều thị trường tại Hàn Quốc. “Điều này có nghĩa là việc chúng tôi khai phá thị trường nước ngoài không phải chỉ đơn thuần là vì Công ty GS25. Chúng tôi sẽ mang lại cơ hội khai phá thị trường cho rất nhiều doanh nghiệp khác liên quan. Vì thế, trong thời gian sắp tới, việc khai phá thị trường nước ngoài phải được thực hiện liên tục”.
Sức hút đối với người Hàn
Bước đi nước ngoài này của GS25 được đánh giá là rất phù hợp trong tình cảnh hiện nay. Hiện thị trường cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc đã bão hòa với rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Thêm nữa là Chính phủ Hàn Quốc vừa tăng mức lương tối thiểu lên 16,4%, khiến nhiều chuỗi cửa hàng buộc phải cắt bớt nhân sự và cải tổ nhiều mặt để duy trì lợi nhuận.
Một bất lợi nữa về chính sách mới của Hàn Quốc đang gây khó cho những doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), với chính sách mới của Hàn Quốc, doanh nghiệp Hàn muốn mở thêm cửa hàng bán lẻ thì phải tốc độ phát triển nhanh nhất. Doanh thu bán lẻ của Việt Nam năm 2017 là 129,5 tỉ USD, tăng 10,9% so với năm ngoái. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD.
Theo thông tin được Công ty tư vấn A.T. Kearney tại Mỹ đưa ra trên báo chí, Việt Nam đứng thứ 6 trên toàn thế giới về chỉ số phát triển thị trường bán lẻ và cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là 2 mảng đang phát triển rất mạnh. GS25 còn mong muốn mang điểm khác biệt lớn nhất của Hàn Quốc là văn hóa “làn sóng Hàn Quốc” Hallyu vào Việt Nam. Cũng từ làn sóng Hallyu đã giúp cho cả một nền công nghiệp Hàn Quốc nở rộ không chỉ ở Việt Nam mà còn lan tỏa ra khắp thế giới.
Chính Hallyu đã góp phần giúp Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo nhất châu Á trở thành một trong những thế lực kinh tế lớn của thế giới. Chiến lược “văn hóa đi trước, kinh tế theo sau” của người Hàn đã thành công một cách rực rỡ tại Việt Nam với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Từ những tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Lotte, CJ, Daewoo, Hyundai, LG, Tae Kwang… và nhiều công ty nhỏ của Hàn Quốc đã rất thành công tại thị trường Việt Nam. Vào Việt Nam từ năm 2007 với vài dự án nhỏ, Tập đoàn Hyosung dự kiến tăng đầu tư lên 6 tỉ USD vào các lĩnh vực công nghiệp hóa chất, công nghiệp nặng, các dự án điện…
Hiện Hàn Quốc đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong cuộc họp giữa Việt Nam và Hàn Quốc cuối năm ngoái, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cho biết ngoài khoản đầu tư 57 tỉ USD lũy kế từ năm 1992 đến nay, trong 4 năm trở lại đây mỗi năm Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam 8 tỉ USD.
Theo chia sẻ của đại diện GS25, thời gian tới, sẽ có một số doanh nghiệp khác của Hàn Quốc vào Việt Nam. Nhưng trước mắt, năm 2018 sẽ là một cuộc chạy đua đầu tư, tăng độ phủ của nhiều đối thủ như 7-Eleven, Circle K, Vinmart+, FamilyMart, GS25… tại thị trường hơn 90 triệu dân này.
Theo: Minh Anh/ Nhịp cầu Đầu tư