Với những dự báo khá lạc quan về ngành bất động sản (BĐS) trong năm nay, CP BĐS vẫn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền đầu tư trên TTCK.
Tuy nhiên,“cuộc chơi” chỉ dành cho những doanh nghiệp có tầm nhìn rõ ràng trong ngắn hạn và năng lực mở rộng quỹ đất trong dài hạn.
Những dự báo sáng sủa
Thị trường BĐS năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và giữ được ổn định nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào BĐS tiếp tục xu hướng tăng. Đặc biệt, tín dụng BĐS không tăng quá nóng như các năm trước, chính là yếu tố ủng hộ cho những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận cao như thị trường BĐS.
Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tỷ trọng dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh BĐS chiếm khoảng 5,9%. Theo thống kê, lãi suất vay dài hạn của các chủ đầu tư BĐS chỉ dao động trong khoảng 10-11%/năm trong nhiều năm qua; lãi suất cho vay mua nhà chỉ ở mức 9%/năm trong 2 năm đầu và bình quân 12-13%/năm trong các năm tiếp theo.
Trong năm 2018, Hiệp hội BĐS TPHCM tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các gói hỗ trợ lãi suất cho dự án nhà ở xã hội (hỗ trợ cả chủ đầu tư và người mua nhà). Môi trường lãi suất thấp là cơ hội để các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ dự án.
Năm 2017, thị trường BĐS đã có bước tăng trưởng đầy ấn tượng, thu hút hơn 3 tỷ USD từ dòng vốn FDI. Chỉ riêng thị trường Hà Nội và TPHCM, đã có hơn 55.000 sản phẩm giao dịch thành công. |
Với những điều kiện thuận lợi trên, dự báo lượng cầu hiện nay có thể hấp thụ hết lượng cung trong các năm 2018-2019, mặc dù nguồn cầu cho phân khúc cao cấp có thể giảm sút so với cung vào cuối 2019. Riêng năm 2018, theo dự báo của giới phân tích, lĩnh vực BĐS dự báo tăng trưởng lợi nhuận 22% nhờ nhu cầu và giá BĐS tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, lợi thế đang nằm trong tay của những “ông lớn” vào phân khúc trung cấp và bình dân. Theo đó, những dự án có vị trí thuận lợi, đáp ứng đúng khẩu vị thị trường và có pháp lý rõ ràng sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Thông qua số liệu thống kê BCTC của các doanh nghiệp BĐS, có thể thấy tình hình bán hàng của các doanh nghiệp BĐS rất tốt trong giai đoạn 2015-2017, với tỷ lệ người mua nhà trả tiền trước so với hàng tồn kho đã tăng khá mạnh, nhưng giai đoạn 2018-2019 mới là thời điểm bàn giao dự án và ghi nhận kết quả kinh doanh của doanh nghiệp BĐS.
Doanh nghiệp lãi lớn
Thực tế, các doanh nghiệp BĐS sở hữu các dự án như trên đều ghi nhận được kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2017. Theo thống kê, trong số khoảng 60 doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên TTCK, có tới 36 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017, và 1/3 trong số đó có mức lợi nhuận tăng trưởng trên 100%.
Đơn cử là CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) với doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 57% (đạt 90.355 tỷ đồng) và 55% (đạt 5.440 tỷ đồng). 2 ông lớn trong lĩnh vực BĐS khác là CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL) và CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) cũng ghi nhận được kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm vừa qua. Cụ thể, NVL đạt 11.632 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 58%), lợi nhuận sau thuế đạt 2.062 tỷ đồng (tăng 24%); NLG đạt 3.161 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25%), lợi nhuận ròng đạt hơn 535 tỷ đồng (tăng 55%).
Ấn tượng không kém là CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG). Theo BCTC năm 2017, doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ đạt lần lượt là 2.879 tỷ đồng (tăng 14%) và 751 tỷ đồng (tăng 40%). Đặc biệt, tổng tài sản của DXG tính đến thời điểm cuối năm 2017 vượt mốc 10.000 tỷ đồng (tăng hơn 85%). Trong đó, tài sản ngắn hạn đã tăng 91% (chiếm 86% tổng tài sản) và tài sản dài hạn tăng 52% (chiếm 14% tổng tài sản).
Từ kết quả này, HĐQT của DXG mạnh dạn lên kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh cho năm 2018 với doanh thu đạt hơn 5.000 tỷ đồng (tăng 73,6%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.068 tỷ đồng (tăng 42,2%), phát triển quỹ đất lên 2.000 ha.
Hiện tại, DXG sở hữu quỹ đất hơn 1.000 ha, đảm bảo cho kế hoạch phát triển dự án cũng như chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận trong 5 năm tới. Việc sở hữu quỹ đất lớn với giá vốn thấp, nên khi chuyển hóa thành sản phẩm sẽ giúp công ty có được biên lợi nhuận tốt, mang lại dòng tiền cho DXG trong các năm tiếp theo.
Quần thể khu căn hộ cao cấp của Vinhome Central Park đang hoàn thiện.
CP bứt phá mạnh
Kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2017 chính là yếu tố giúp cho nhóm CP BĐS bứt phá mạnh mẽ trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Theo thống kê, nhóm CP BĐS trong năm 2017 tăng 52% (cao hơn mức tăng trung bình của thị trường chung là 48%). Đơn cử VIC lần đầu tiên vượt mốc kỷ lục 100.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 8-3. Như vậy, nếu tính từ thời điểm đầu năm 2017 đến nay, VIC đã ghi nhận mức tăng hơn 150%.
Đạt mức tăng trên 100% còn có CTCP Đầu tư LDG (LDG) tăng 320%, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) tăng 300%, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) tăng 200%, DXG tăng 109%. Nhóm CP còn lại, dù không bứt phá mạnh nhưng luôn nằm trong nhóm CP thu hút dòng tiền mạnh trên TTCK như: CTCP Tập đoàn FLC (FLC), Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG), CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Đầu tư thương mại BĐS An Dương Thảo Điền (HAR), Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG).
Sức nóng của nhóm CP BĐS còn lan tỏa tới những doanh nghiệp đang có kế hoạch niêm yết CP trên TTCK. Đơn cử là CTCP BĐS Netland (NRC). Theo kế hoạch, NRC sẽ niêm yết 12 triệu CP trên sàn HNX trong tháng 4, nhưng từ trước đó CP NRC đã được giới đầu tư săn tìm ráo riết. Một trong những lý do khiến cho NĐT dành sự quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp này do kết quả kinh doanh đầy bất ngờ.
Năm 2018, NRC đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2017 là 33,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong dự báo kết quả kinh doanh vừa được công bố, tính đến thời điểm hiện nay, NRC đã gần như hoàn thành kế hoạch. Như vậy, từ đây đến hết năm 2018, NRC chỉ tập trung triển khai dự án để tìm kiếm lợi nhuận cho năm 2019 và những năm tiếp theo.
Theo: Hải Hồ/ Sài Gòn Đầu tư Tài chính