Đang tạo nên một cuộc chạy đua rầm rộ trong các ngành công nghiệp chủ chốt, Blockchain được nghiên cứu và triển khai ứng dụng từ các tập đoàn lớn trên thế giới như JP Morgan, Citibank, Visa, Volkswagen, Airbus, Maersk…
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) còn nhận định: “Blockchain là công nghệ mang tính cách mạng vì có thể áp dụng cho bất kỳ loại giao dịch nào liên quan đến giá trị từ tiền tệ, hàng hóa đến bất động sản. Ứng dụng tiềm năng của công nghệ này gần như bất tận, từ thu thuế đến việc cho người di cư gửi tiền về quê nhà”. Năm 2017, có đến 90% ngân hàng lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu đang nghiên cứu và ứng dụng Blockchain; thị trường công nghệ Blockchain toàn cầu năm 2024 kỳ vọng sẽ tăng gấp 70 lần so với năm 2015 với giá trị lên lến 20 tỉ USD. Blockchain đã mở ra một ngành công nghiệp đang chờ đợi sự hợp thức hóa của pháp luật.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai các nhóm nghiên cứu hay dự án thử nghiệm về Blockchain có thể kể tới Viettel, Napas, TMA Solutions…
Tham dự một sự kiện Blockchain tại Việt Nam, ông Musheer Ahmed, Hiệp hội FinTech của Hồng Kông, thành viên của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hiệp Quốc về Mạng lưới Doanh nghiệp Bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương (ESBN), nhận định: “Tác động của Blockchain nằm trong ứng dụng vô cùng rộng rãi của nó trong các ngành. Blockchain có thể hoạt động hiệu quả qua biên giới, khả năng tiếp cận rất lớn do mạng internet và mạng lưới toàn cầu hỗ trợ nền tảng Blockchain”.
Với đội ngũ lập trình viên tốt, Việt Nam đang là một trong những điểm sáng trên bản đồ Blockchain thế giới. Vào đầu tháng 3, Vietnam Blockchain Week đã được tổ chức với sự tham gia của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành, trong đó có ông Charles Hoskinson, đồng sáng lập Ethereum, nền tảng Blockchain có mức vốn hóa lớn thứ hai thế giới và nhiều nhà đầu tư quốc tế từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. NCĐT đã có buổi trao đổi cùng ông Junya Yamamoto, Chủ tịch của Infinity Blockchain Labs (IBL) và là đơn vị tổ chức hội nghị Blockchain này, về các vấn đề nổi bật của Blockchain tại Việt Nam.
Quan điểm của ông về nhận định “Việt Nam có thể trở thành một trung tâm Blockchain”?
Khi IBL bắt đầu hoạt động vào năm 2015, rất ít người biết và quan tâm về Blockchain nhưng chúng tôi nhận ra Việt Nam có một hệ thống hạ tầng cơ sở công nghệ và đội ngũ kỹ sư rất tốt cả về số lượng lẫn chất lượng. Các trường đại học tại Việt Nam đào tạo ra khoảng 40.000 kỹ sư mỗi năm.
Tuy nhiên, Blockchain hay SmartContract là công nghệ khá mới mà hiếm khi được giảng dạy trên ghế nhà trường tại hầu hết mọi quốc gia. Vì vậy, để đào tạo ra các kỹ sư Blockchain, Việt Nam là một nơi lý tưởng vì các bạn có nhiều kỹ sư trình độ tốt. Thông qua sự kiện Vietnam Blockchain Week vừa qua, chúng tôi muốn gửi thông điệp về tiềm năng trở thành Blockchain Hub của Việt Nam. Sự kiện này là cơ hội để chúng tôi kết nối các nhân vật chủ chốt trong ngành công nghiệp Blockchain thế giới với Việt Nam.
Vậy điều gì là trở ngại trong việc phát triển Blockchain tại Việt Nam?
Trở ngại lớn nhất của Blockchain đã từng là nhận thức về Blockchain. Sự nhầm lẫn giữa phong trào đầu cơ và bản thân công nghệ tạo ra ấn tượng không tốt cho Blockchain. Tuy nhiên, vấn đề này đã thay đổi rất tích cực. Hiện nay, trở ngại còn lại là khung pháp lý. Các dự án nghiên cứu Blockchain đều đang chờ đợi có một chuẩn pháp lý để có thể tiếp cận thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang mong chờ điều này để chính thức đầu tư vào Việt Nam.
Khung pháp lý dành cho Blockchain của Việt Nam đã được thảo luận từ tháng 8.2017. Ông hy vọng một khung pháp lý như thế nào?
Có một điểm khác biệt giữa các nước Đông Nam Á so với các nước phương Tây về khung pháp lý. Theo luật các nước phương Tây, các hoạt động không vi phạm pháp luật có nghĩa là hợp pháp. Nhưng pháp luật các nước Đông Nam Á là ngược lại, không có khung pháp lý nghĩa là không thể thực hiện.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã nhận ra sức ảnh hưởng của Blockchain. Với những động thái lạc quan hiện nay, tôi tin rằng khung pháp ly dành cho Blockchain sẽ sớm thành hiện thực trong tháng 8 năm nay và sẽ trở thành một cú hích lớn không chỉ trong các ngành liên quan mà còn lan tỏa ra nhiều ngành khác vì tính ứng dụng rộng rãi của Blockchain.
Luật cần phải sáng tạo và linh động để các công nghệ mới có thể được hợp pháp hóa. Một khung pháp lý đơn giản là điều nhiều người đang chờ đợi. Một bộ luật hấp dẫn các nhà đầu tư chỉ nên có các điểm chính cần thiết để hợp pháp hóa một ý tưởng công nghệ, thay vì ngược lại là một bộ luật đóng khung các ý tưởng Blockchain trong những điều được cho phép làm.
Ông có thể chia sẻ về hướng đi của Vietnam Blockchain Club (VBC) trong việc phát triển Blockchain tại Việt Nam?
Với mục tiêu phi lợi nhuận, VBC là câu nối giữa các nhà làm luật, nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ tạo ra môi trường để chia sẻ kiến thức, thử nghiệm các ý tưởng và phát triển những ứng dụng có liên quan đến Blockchain. VBC đang phối hợp với Đại học Bách Khoa TP.HCM để tổ chức các khóa đào tạo về Blockchain.
Có 3 điểm chính mà chúng tôi đang thực hiện. Đầu tiên việc kết nối các nhà làm luật với những công ty chủ chốt trong ngành tại Việt Nam và quốc tế, để họ hiểu hơn rõ hơn về môi trường kinh doanh và luật pháp tại Việt Nam. Chúng tôi muốn trở thành cầu nối mang các tổ chức Blockchain thế giới đến với Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi muốn giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam đến với thế giới. Tiềm năng không chỉ là về mảng lập trình, mà còn là ở các mảng kinh doanh trên công nghệ Blockchain.
Tiếp theo, chúng tôi muốn hướng tới phát triển các sản phẩm mang chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Cuối cùng, chúng tôi muốn Việt Nam tiến xa hơn việc chỉ là một hub lập trình bằng việc tăng cường phát triển các sản phẩm ứng dụng Blockchain.
Là một công ty phát triển các sản phẩm Regtech Blockchain ứng dụng, IBL đang nghiên cứu những dự án nào?
IBL chủ yếu tập trung vào nghiên cứu và phát triển các dự án trên nền tảng công nghệ Blockchain. Nền tảng công nghệ mới sẽ có ảnh hưởng sâu sắc tới phương thức hoạt động của các ngành nghề trong xã hội. Bản thân Blockchain sẽ không có ý nghĩa nếu không được ứng dụng. Mục tiêu của chúng tôi là ứng dụng Blockchain vào trong các ngành dịch vụ mới để tạo ra những giá trị xã hội cụ thể.
IBL đã hoàn thành ứng dụng Ví Infinito vào đầu năm nay. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận ra tầm quan trong của quy định pháp luật đối với công nghệ còn quá mới này. Và chúng tôi đang tập trung nghiên cứu các dự án về RegTech (công nghệ giúp nhà cung cấp chủ động tuân thủ các quy định pháp luật) như BlockPass và KYC trên nền tảng blockchain. Công nghệ nhận diện thông tin cá nhân BlockPass (dành cho người sử dụng) kết hợp với KYC (dành cho các nhà cung cấp), sẽ giúp cả hai phía kết hợp dữ liệu theo phương cách phù hợp với luật định
Theo: Nhịp cầu Đầu tư