Hà Nội có một thời gian dài, chính danh được gọi là Kẻ Chợ. Đám người phương Tây, lần đầu tiên tới đất Việt, thích cái chữ này lắm. Những biến âm của nó, thấy nhan nhản trong các sử liệu thời kỳ đầu thực dân “cachao, catchou, kacho, kichou…”. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng viết “cho đến thế kỷ 16, chỉ có Thăng Long mới được gọi là Kẻ Chợ, còn tất cả các vùng miền khác gọi là Kẻ Quê”. Ngày xưa, cũng chưa hẳn quá xưa, chợ thường họp ở cửa ô, cửa thành hay bến sông, thậm chí ngay trong lòng phố cổ. Và một đặc điểm dễ thấy của chợ ở Hà Nội là luôn chìm nổi cùng với phố. Có lẽ từ đó mà có chữ “chợ búa”. Bởi “búa” là một từ Việt gốc Hán, có nghĩa là phố là cửa hàng, là nơi buôn bán. Không phải ngẫu nhiên mà trong tính cách của từng thị dân Hà thành, kể cả những người kinh lịch dày dặn chữ nghĩa, cũng luôn đầm đậm một chất “chợ búa”.
Thực ra điều này cũng đâu phải ngẫu nhiên, bởi đơn giản nó đã được thời gian che chở. Theo sứ giả người Tàu là Trần Phu ghi trong “An Nam tức sự” thì ngay từ đời Trần, cả thành Thăng Long đã là một chợ lớn. “Cứ hai ngày họp một phiên, hàng hóa trăm thứ bầy la liệt”. Những thế kỷ tiếp sau, số lượng chợ trong phố luôn bạt ngàn tăng. Vào cuối thế kỷ 18, cảnh họp chợ Bạch Mã (tên gọi khác của chợ Cửa Đông, khoảng phố Hàng Buồm ngày nay) được coi là một trong “bát đại cảnh sinh hoạt”, Phạm Đình Hổ có ghi lại. “Là một chợ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta lấy hết cả”.
Như vậy có thể thấy, việc móc túi ở các chợ trong phố đã có hẳn một chiều dài lịch sử, nó sắc sảo tạo ra câu thành ngữ khét tiếng “nhanh như ăn cắp chợ Đồng Xuân”. Nạn nhân hầu hết là người ngoại tỉnh, cho dù thuộc lòng cái câu thành ngữ kia. Tay trái giữ túi trên, tay phải bịt túi dưới, nhưng chỉ cần hơi lơ đãng lập tức sẽ bị “thó”. Mà kẻ cắp chợ Đồng Xuân thì tài hoa thật, đủ ngón đủ nghề đủ loại. Xuất xứ của bọn họ đa phần đều đáng thương, chiếm số lượng không ít là phụ nữ. Hoặc cao ráo chân dài như mấy em người mẫu, hoặc lầm lỳ tinh quái vô cảm. Khi bị công an bắt phải lăn tay, hầu như các em đều có đủ hoa tay ở mười ngón.
Ở Hà Nội vài mươi năm lại đây, ngoài lừng lẫy cỡ như Đồng Xuân-Bắc Qua hay như chợ Hôm-Đức Viên thì còn vô số những chợ cóc, chợ tạm, chợ đuổi…(người ở Hà Nội ít dùng chữ chợ dù). Và tuy chẳng muốn, những chợ trong phố luôn lừng lững làm ra một kiểu văn hóa rất riêng biệt. Đương nhiên, chủ nhân của văn hóa chợ phải là những người mua bán ở đấy, đặc biệt là những người ngồi bán. Tất nhiên, phần lớn đều là các bà các cô tuổi khoảng từ băm nhăm đến sáu nhăm. Sắc sảo, tần tảo, nhu hoạt, thương chồng chiều con. Từ xưa đến nay đại loại họ vẫn thế thôi, bởi họ là đời thứ hai đời thứ ba. Thậm chí hiếm hoi như bên ngoại của kẻ viết bài này, nối nhau bốn đời chuyên ngồi chợ Đồng Xuân. Thật may mắn được là đứa con trai sinh ra từ một gia đình như thế.
Chợ trong phố bây giờ đã mất nhiều, có thể do ai đấy đã hiểu nhầm hai khái niệm “văn hóa” và “văn minh”. Ví dụ dễ thấy nhất là khi chợ Hàng Da hay Cửa Nam lên đời thành siêu thị, cả hai đều đang lay lắt ngắc ngoải. Văn minh chỉ là chuyện “cần”, văn hóa mới là chuyện “sinh tử”.
Theo: Robbreport