Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TPHCM) xảy ra trong đêm 23-3 đã khiến 13 người chết, 91 người bị thương, gây thiệt hại nhiều tài sản có thể nói là hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng phòng chống cháy nổ tại các chung cư, cũng như xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư để xảy ra sự đau lòng tương tự.
Nhiều chung cư lơ là công tác PCCC
Trên địa bàn TP thời gian đã xảy ra hàng loạt vụ cháy, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Cụ thể, ngày 12-10-2017, chung cư Nhất Lan (khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) do CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư đã xảy ra vụ cháy hết sức nghiêm trọng. Lửa đã thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng tại căn hộ ở tầng 11, làm hàng trăm cư dân hoảng loạn.
Ngày 17-4-2017, chung cư Topaz 2 cao 37 tầng (khu dân cư phức hợp Saigon Pearl, quận Bình Thạnh) cũng xảy ra vụ cháy khiến hơn 1.000 người dân sống tại 296 căn hộ trong chung cư náo loạn. Và nay là chung cư Carina Plaza. Nguyên nhân chính được được chỉ ra là công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhiều chung cư đang bị bỏ ngỏ.
Hiện trường vụ cháy chung cư Carina và cư dân tự thoát thân bằng cách cột chăn màn thả xuống.
Tại dự án căn hộ The Park Residence (Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè), nhiều hộ dân cho biết khi chủ đầu tư bàn giao căn hộ, dự án vẫn đang thi công dở dang, chưa được nghiệm thu bàn giao công trình, nghiệm thu PCCC. Thế nhưng Thanh tra Sở Xây dựng TP chỉ xử phạt chủ đầu tư Phú Hoàng Anh… 750.000 đồng với lỗi vi phạm “không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng”. Ngoài mức phạt tiền này, không có hình thức xử phạt bổ sung, tức buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả, chờ công trình nghiệm thu xong mới đưa dân vào ở.
Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, trong năm 2017 cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại trên địa bàn. Qua kiểm tra đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC với 116 lỗi vi phạm.
Trong đó, một số chung cư cao tầng dù chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa người dân vào sinh sống (chung cư cao tầng Viên Ngọc Phương Nam, số 125/20 đường Âu Dương Lân, phường 2, quận 8; block B1 chung cư cao tầng Hưng Ngân, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12). Một số chung cư chưa trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ; công tác tự tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC tại các chung cư cao tầng còn hạn chế, chưa tổ chức thường xuyên.
Nhiều chung cư cao tầng chưa thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động. Một số chung cư cao tầng chưa có ban quản trị hoặc chủ đầu tư vẫn sở hữu một phần công trình, tranh chấp với ban quản trị chung cư, dẫn đến chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ thiết kế, phí bảo trì công trình cho ban quản trị; gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình.
Hàng loạt ô tô, xe máy bị cháy rụi dưới hầm chung cư Carina.
Bên cạnh đó, nhiều ban quản lý chung cư còn né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của Cảnh sát PCCC, nhất là tại các chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý, dẫn đến tình trạng các vi phạm về an toàn PCCC vẫn tiếp tục kéo dài.
Tại chung cư Nhất Lan, dù đã bị cháy nhưng khi kiểm tra Ban quản trị chung cư này vẫn không tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện chữa cháy với lý do… hết kinh phí. Cũng với lý do trên, Ban quản trị chung cư Tân Tạo (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) không sửa chữa hệ thống báo cháy, máy bơm…
Tại chung cư Carina Plaza, dù Cảnh sát PCCC quận 8 khẳng định kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ định kỳ, thường xuyên. Thế nhưng nhiều cư dân sống ở block B1 (block xảy ra cháy), cho rằng khi chung cư xảy ra cháy người dân không hề hay biết gì, vì hệ thống báo cháy tại chung cư không hoạt động, đèn exit (lối thoát) không bật sáng, hệ thống chuông báo cháy không hoạt động, hệ thống nước chữa cháy không tự bật.
Cần xử lý nghiêm
Theo quy định hiện hành, các chung cư dù là bình dân hay cao cấp đều phải đáp ứng các chuẩn mực khắt khe về an toàn từ 4 bên: cơ quan quản lý (duyệt thiết kế, PCCC, cấp phép xây dựng, giám sát quá trình vận hành và sử dụng); chủ đầu tư xây cất tòa nhà; người quản lý vận hành (ban quản trị chung cư) và cư dân sống trong chung cư. Không ai được quyền vi phạm những chuẩn mực đó, bởi bước qua chuẩn mực là có thể gây tai họa cho cộng đồng.
Thế nhưng trên thực tế, ở nhiều chung cư các vi phạm từ nhiều phía diễn ra khá phổ biến. Có chung cư hệ thống báo cháy liên tục báo động giả, khiến cư dân hình thành thói quen bình thản khi nghe báo cháy, hoặc có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy cho khỏi bị làm phiền… Rồi ở rất nhiều chung cư các lối thoát hiểm đã bị vô hiệu hóa và trở thành không gian riêng của một số người nhưng vẫn không bị nhắc nhở, chấn chỉnh.
Về vụ cháy chung cư Carina Plaza, dư luận cho rằng cần chấn chỉnh, xử lý không khoan nhượng những hành vi xâm phạm sự an toàn của cư dân sống ở chung cư, bất kể đó là nhà quản lý, chủ đầu tư, ban quản trị hay cư dân ở chung cư. Thậm chí có thể quy trách nhiệm hình sự về việc vi phạm PCCC, trong đó có chủ đầu tư và người được ủy quyền hay giao trách nhiệm sử dụng, quản lý. Ngoài ra, cần xem xét thêm hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của người liên quan, trong đó trách nhiệm của đơn vị cấp phép, quản lý về PCCC.
Nguy cơ cháy nổ ở các chung cư cao tầng ở TPHCM đang rất báo động, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý, kiểm tra PCCC từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có vụ án nào truy trách nhiệm của đơn vị này. Vì vậy cần thiết phải có một vụ án xem xét trách nhiệm hình sự một cách toàn diện, nhằm phòng ngừa chung.
Theo LS Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TPHCM, để xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hậu quả của vụ cháy, cần phải chờ kết quả xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy. Nguyên nhân có thể là khách quan hay chủ quan.
Tuy nhiên, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng, nên trong mọi trường hợp cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân người liên quan. Nếu kết quả điều tra xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy là do hệ thống PCCC không đảm bảo an toàn, kỹ thuật và quy chuẩn theo quy định của pháp luật; hoặc quá trình thẩm định, bảo trì, bảo dưỡng có tắc trách, thiếu trách nhiệm phải kiên quyết xử lý theo pháp luật.
Để xảy ra tình trạng cháy nổ thường xuyên tại các chung cư do chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chưa nghiêm, chủ yếu xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Nhiều chủ đầu tư vì lợi nhuận trước mắt đã cố tình lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cần phải xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lý bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà chung cư khi chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC.
LS Thái Văn Chung,
Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp
|
Theo: Minh Tuấn/ SGĐT