Bên cạnh việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu ô tô trên địa bàn, chính quyền TPHCM cũng đồng thời quan tâm đến vấn đề phát triển các bãi đậu xe để đáp ứng nhu cầu lưu đậu phương tiện của người dân.
Suốt nhiều năm qua, nhu cầu bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn TPHCM càng lúc càng bức bối. Còn nhớ cách đây vài năm, với mong muốn giải quyết tình trạng taxi đậu tràn lan trên đường phố, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị UBND TPHCM về việc thí điểm xây dựng bến taxi ở khu trung tâm quận 1 theo hình thức xã hội hóa. Có một thực tế là khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt nơi tập trung đông khách du lịch như tại các phường Bến Thành, Bến Nghé thuộc quận 1, luôn có tình trạng taxi dừng đậu không đúng nơi quy định. Du khách nước ngoài cần taxi và bản thân taxi cũng cần khách và mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có bến bãi cho taxi lưu đậu hợp pháp trong khu vực.
Nhưng taxi không phải là loại hình phương tiện vận tải đường bộ duy nhất bức xúc về bến bãi, bởi còn xe buýt và ô tô các loại cũng có nhu cầu như thế. Nói cách khác, nhu cầu bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn đô thị lớn nhất nước như TPHCM không phải bây giờ mới phát sinh và hơn nữa nhu cầu ấy càng lúc càng bức thiết, tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế – xã hội cùng với tốc độ bùng nổ phương tiện cơ giới các loại, đặc biệt phương tiện dùng vào mục đích vận tải đường bộ.
Ngay từ những năm cuối của thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, trên cơ sở danh sách các vị trí bến bãi chính trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, cơ quan chức năng đã rà soát, xác định chi tiết về quỹ đất, địa điểm cụ thể dành xây dựng hệ thống bến bãi vận tải. Kết quả đã thống kê được hơn 67,7ha là vị trí các bến bãi hiện có. Trong số này thực tế chủ yếu là đầu mối trung chuyển hành khách, chiếm 23,74ha; trung tâm tiếp chuyển hàng hóa với 27,7ha; bến kỹ thuật chuyên dụng xe buýt vỏn vẹn 9,77ha; trong khi bãi đậu ô tô và bến taxi gộp lại chưa đầy 6ha, còn bến xe liên tỉnh chỉ 0,9ha. Những số liệu này mặc nhiên giải thích vì sao bến bãi dành cho lưu đậu ô tô tại TPHCM luôn bức xúc. Một điểm đáng chú ý là không phải toàn bộ 67,7ha đang là vị trí bến bãi nêu trên đều thuộc quyền quản lý của Sở GTVT. Bởi thực ra sở này chỉ quản lý chưa đầy 10ha trong số đó và đa phần là các bến bãi xe buýt nhỏ lẻ. Tính ra các “bến bãi xe buýt nhỏ lẻ” ấy chỉ chiếm khoảng 11% so với các bến bãi hiện có và chỉ bằng 0,66% so với với tổng diện tích quy hoạch. Phần tỷ lệ 89% bến bãi hiện có còn lại thuộc quyền quản lý của các quận huyện, trường học và các doanh nghiệp…
Triển khai không theo kịp quy hoạch
Về phía thành phố, ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, vào năm 2005, UBND TPHCM đã ban hành văn bản số 5903/UBND-ĐT với nội dung chuẩn thuận gần 10 địa điểm có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm, tất cả đều thuộc địa bàn quận 1 và có vị trí đắc địa như công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Tao Đàn, công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công trường Lam Sơn, công viên Bách Tùng Diệp, khu vực số 116 Nguyễn Du và bờ sông Sài Gòn dọc theo bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ. Khi ấy cụm bãi đậu xe ngầm này được kỳ vọng sẽ cung cấp cho thành phố khoảng 150.000m² diện tích mặt bằng làm nơi lưu đậu cùng lúc cho khoảng 8.000 ô tô và hơn 6.500 xe máy.
Hầu hết các vị trí quy hoạch phát triển bãi đậu xe ngầm ấy đều được giới đầu tư quan tâm. Bằng chứng thể hiện qua số lượng nhà đầu tư đổ về các dự án như tại công viên Chi Lăng thu hút 4 nhà đầu tư quan tâm đăng ký; địa điểm dọc bờ sông Sài Gòn có đến 9 nhà đầu tư muốn “nhảy” vào khai thác… Sau đó có thêm một ứng viên là Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) – trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tracodi đề xuất được phát triển bãi đậu xe nổi nhiều tầng tại một loạt vị trí trên địa bàn quận 1.
Thế nhưng vì nhiều lý do, tính ra đến nay mới chỉ có một số dự án bãi đậu xe ngầm trong danh mục quy hoạch 5903/UBND-ĐT được triển khai thực hiện, tiêu biểu là dự án bãi đậu xe ngầm tại công viên Chi Lăng, quận 1.
Cũng có thể nhắc đến công trình tòa nhà để xe của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco). Vào tháng 5-2014, Samco đã khai trương đưa vào hoạt động khu nhà để xe cao tầng tại số 326 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1. Đây được xem là khu nhà để xe cao tầng, hiện đại vào hàng bậc nhất thành phố. Khu nhà để xe gồm 2 khối; trong đó, khối nhà A có 8 tầng, còn khối nhà B cao 10 tầng. Tổng diện tích khai thác hơn 32.000m², có 5 thang chở xe, 3 thang chở người và có khả năng lưu giữ 1.000 ô tô. Toàn bộ khu nhà được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, có camera giám sát an ninh.
Thế nhưng, tiến độ xúc tiến đầu tư vào dịch vụ bãi đậu xe ngầm như thế là quá chậm. Phần lớn nguyên nhân do các nhà đầu tư chưa thỏa mãn về địa điểm định chọn. Bởi tâm lý của nhà đầu tư chỉ “khoái” những vị trí đắc địa ở trung tâm quận 1; nhưng đáng tiếc, nhiều nơi lại không “khớp” với định hướng quy hoạch tổng thể của thành phố. Trường hợp Tracodi là một dẫn chứng. Vị trí mà công ty này “kết” nhất là tại công viên 23-9, đoạn giáp với đường Nguyễn Thị Nghĩa, nhưng không được đáp ứng vì nơi đây đã có quy hoạch là mảng xanh và là đầu mối bãi metro sau này của thành phố.
Sắp có thêm nhiều bãi đậu xe ngầm
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố đã hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cũng như đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng 2 bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng.
Cụ thể, dự án xây dựng và khai thác tầng ngầm làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng tại công viên Lê Văn Tám có tổng vốn đầu tư 1.748 tỷ đồng, sẽ được thực hiện bởi nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Không Gian Ngầm. Hợp đồng BOT của dự án đã được ký kết vào năm 2009 và ký phụ lục hợp đồng từ tháng 3-2016. Theo đó, dự án có quy mô đầu tư 4 tầng ngầm với sức chứa khoảng 1.300 ô tô và 2.000 xe gắn máy. Chủ đầu tư dự án cho biết, hiện đang hoàn chỉnh phương án di dời cây xanh, lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, giải tỏa mặt bằng…
Trong khi đó, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương sẽ đầu tư vào dự án bãi đậu xe ngầm tại sân khấu Trống Đồng. Nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án theo hình thức thuê, giao đất có thu tiền sử dụng đất. Dự án xây dựng 7 tầng ngầm và 3 tầng nổi, đáp ứng nhu cầu lưu đậu của 890 ô tô và 400 xe máy, với tổng vốn đầu tư 740 tỷ đồng; dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020.
Ngoài ra, còn có 2 dự án bãi đậu xe ngầm khác cũng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đó là dự án bãi đậu xe ngầm tại sân vận động Hoa Lư và công viên Văn hóa Tao Đàn. Liên doanh Tập đoàn Vingroup, Công ty TNHH Đầu tư văn hóa và thể thao Sài Gòn sẽ cùng lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi. Các nhà đầu tư này sẽ hoàn thành và nộp báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 6-2018. Sau đó việc lựa chọn nhà đầu tư dự kiến kết thúc trong năm nay và nhanh chóng triển khai dự án để kịp hoàn thành vào năm 2020.