Trả lời về vụ mất 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình tại Eximbank, lãnh đạo ngân hàng này nói việc bà Bình giữ các sổ tiết kiệm đã tất toán là theo thỏa thuận đã ký.
Vụ khách hàng bị mất 245 tỷ đồng tiết kiệm tại ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có khả năng kéo dài, khi cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ các nghi can liên quan là nhân viên của ngân hàng này. Ngày 26/3, trả lời PV về những vấn đề khách hàng Chu Thị Bình phản ứng thời gian qua, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, tiếp tục nói nhà băng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện yêu cầu.
“Nghi can chính chưa bị bắt giữ. Nhiều vấn đề phức tạp xung quanh vụ 245 tỷ đồng biến mất của bà Chu Thị Bình vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng”, vị này nói.
Thực hiện sai quy trình nhưng khách ký rút tiền
Nhiều lần bà Chu Thị Bình cho rằng phía ngân hàng đang làm sai quy trình về quản trị rủi ro tiền gửi, dẫn đến bị mất tiền. Vậy quy định gửi và rút tiết kiệm của ngân hàng như thế nào lại dẫn đến sự cố trên, thưa ông?
Quy trình giao dịch của Eximbank được xây dựng tuân theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Vụ việc xảy ra đúng là có khâu ông Hưng thực hiện sai quy trình. Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được xác định rõ trong quá trình tố tụng.
Nhưng vụ việc đáng tiếc khó có thể xảy ra nếu không có chữ ký và chứng từ do chính khách hàng ký. Chúng tôi xin lưu ý, 3 sổ tiết kiệm bà Bình đang giữ đều đã được rút theo lệnh, do bà Bình trực tiếp ký hoặc ủy quyền, có chữ ký của bà Bình.
Cụ thể: Chuyển khoản theo lệnh chi do bà B trực tiếp ký số tiền 198 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của bà Bình tại Ngân hàng BIDV và VCB.
Chuyển khoản theo lệnh do bà Bình trực tiếp ký số tiền 36,7 tỷ đồng vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Hồng Lê.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lê rút 25,2 tỷ đồng theo ủy quyền có chữ ký của bà Bình (theo thông báo của Cơ quan CSĐT – C44 thì chữ ký của bà Bình là thật).
Ngày 21/6/2017, bà Bình đã trực tiếp rút tại ngân hàng số tiền 59 tỷ đồng còn lại (bao gồm cả lãi phát sinh).
Như vậy, toàn bộ số tiền ở 3 sổ tiết kiệm trên đã được bà Bình rút trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền có chữ ký của bà Bình. Số dư hiện tại bằng “0”. Việc bà Bình tiếp tục giữ các sổ tiết kiệm là theo một thỏa thuận đã ký với ngân hàng tại lần trực tiếp tất toán cuối cùng.
Việc bà Bình cho rằng tất cả các lần rút trước đó bà không trực tiếp thực hiện/ủy quyền phải chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Quan hệ tín dụng ở đây là giữa bà Bình với ngân hàng chứ không phải với cá nhân ông Hưng. Như thế ngân hàng phải đảm bảo quyền lợi của khách, tại sao lại muốn chờ quyết định của tòa mới giải quyết?
Như chúng tôi đã đề cập, nếu vụ việc xảy ra hoàn toàn do lỗi của ngân hàng thì ngân hàng thực hiện ngay việc chi trả cho khách hàng mà không qua bất cứ thủ tục pháp lý nào.
Tuy nhiên, đây là vụ án hình sự phức tạp, nghi can chính chưa bị bắt giữ. Rất nhiều câu hỏi xung quanh vụ việc chưa được làm rõ. Do vậy, ngân hàng không thể thực hiện chi trả cho khách hàng theo yêu cầu.
Bà Bình chia sẻ, ngân hàng hứa khi có kết luận điều tra sẽ trả lại tiền. Đến nay đã có kết quả điều tra với nội dung ngân hàng phải chịu trách nhiệm về quyền lợi của khách hàng, vì sao ngân hàng vẫn chờ tòa?
Khi vụ việc được phát giác gần một năm trước, hai bên đã gặp gỡ và thống nhất chờ kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay, nghi can chính vẫn chưa bị bắt giữ, nhiều vấn đề phức tạp xung quanh vụ việc vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, do vậy Eximbank chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện yêu cầu của khách hàng.
Chúng tôi cũng xin làm rõ, văn bản mà C44 gửi cho bà Bình và ngân hàng là “thông báo kết quả điều tra”, chưa phải là kết luận điều tra.
Việc bắt ông Lê Nguyễn Hưng (nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM) khó khả quan và mất nhiều thời gian thì ngân hàng sẽ thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào với khách hàng?
Việc giải quyết của ngân hàng không phụ thuộc vào việc bắt Hưng hay không. Bắt Hưng là buộc Hưng phải chịu trách nhiệm của mình và làm rõ hơn các vấn đề liên quan.
Việc giải quyết vụ việc dứt điểm tùy thuôc vào các cơ quan pháp luật làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, các chữ ký liên quan, truy nguyên dòng tiền đã chuyển và trách nhiệm của các bên. Trong đó có trách nhiệm của ngân hàng theo phán quyết có hiệu lực pháp luật.
Về phía ngân hàng, Eximbank đã có văn bản báo cáo ngân hàng nhà nước và đề nghị các cơ quan chức năng điều tra và làm rõ, để cơ quan pháp luật có phán quyết khách quan.
“Không có chuyện cứ mất tiền là thông qua quá trình phán quyết”
Ngân hàng từng đưa ra phương án tạm ứng một khoản cho khách hàng. Vậy khoản tiền 14,8 tỷ đồng tạm ứng cho bà Bình thực chất là tiền gì?
Ông Lê Văn Quyết, CEO Eximbank, cho rằng có nhiều vấn đề phức tạp xung quanh vụ 245 tỷ đồng biến mất của bà Chu Thị Bình, nên nhà băng chưa có cơ sở pháp lý thực hiện yêu cầu của khách.
Eximbank đề xuất tạm chi 14,8 tỷ đồng và yêu cầu hai bên không công bố thỏa thuận này là xuất phát từ thiện chí của ngân hàng, dựa trên những hồ sơ cụ thể còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Do vậy, ngân hàng không muốn tiết lộ các chi tiết liên quan đến các giao dịch của khách hàng.
Hơn nữa, số tiền tạm chi này được rút từ những sổ tiết kiệm đã được tất toán, bản chính khách hàng đã giao cho ngân hàng lưu giữ theo đúng quy định. Điều này lý giải vì sao số tiền này không được coi là chi trả tiết kiệm thông thường, mà được ghi nhận là tạm chi. Tôi khẳng định một lần nữa việc xử lý cuối cùng phụ thuộc vào phán quyết của tòa.
Bà Bình nói suốt thời gian dài, ngân hàng xác định bà là khách VIP, cũng không bao giờ rút các khoản tiền gửi của mình bất thường vì luôn gửi kỳ hạn dài 12-15 tháng. Tại sao có những giao dịch rút tiền trước hạn bất thường như thế ngân hàng lại không thông báo, cũng không xác minh với khách?
Chúng tôi xác định bà Bình là khách hàng quan trọng của ngân hàng trong suốt thời gian qua.Đây cũng là lý do ông Hưng, một phó giám đốc chi nhánh, được phân công trực tiếp chăm sóc, quản lý theo yêu cầu của khách hàng.
Việc khách gửi tiền dài hạn, nhưng do nhu cầu đột xuất đề nghị rút một phần trước hạn là phù hợp với quy định, và cũng không phải là trường hợp cá biệt. Ngoài ra, những giao dịch này được thực hiện trên cơ sở các ủy quyền/lệnh chi do bà Bình ký. Việc có hay không các xác nhận thông báo, chúng tôi chưa có được câu trả lời cuối cùng, khi quá trình điều tra vẫn chưa kết thúc.
Ngân hàng có thể nói rõ hơn câu chuyện quản lý tín dụng với các khách hàng VIP như bà Bình, có điều khoản đặc biệt nào khác khách thường không?
Eximbank áp dụng một nguyên tắc, quy trình giao dịch chung cho mọi khách hàng. Tuy nhiên, những khách hàng lớn, quan trọng, các ngân hàng thường có những quan tâm hỗ trợ nhiều hơn, nhằm tạo sự gắn bó lâu dài với ngân hàng.
Nếu ngân hàng vẫn bảo lưu quan điểm chờ quyết định của tòa mới tiếp tục xử lý, thì việc nhà băng làm mất tiền của khách lại phải ra tòa sẽ tạo tiền lệ xấu cho quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách?
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định nếu vụ việc xảy ra do lỗi hoàn toàn từ phía ngân hàng, ngân hàng chúng tôi sẽ thực hiện chi trả ngay mà không qua bất cứ một thủ tục pháp lý nào. Còn không có chuyện cứ mất tiền là thông qua quá trình phán quyết.
Theo: Zing News