Nhiều cuộc gọi đến tòa soạn cũng như rất nhiều bình luận của độc giả trên Báo Người Lao Động bày tỏ thắc mắc xen lẫn âu lo: Liệu khi Chính phủ can thiệp vào hoạt động VFF, FIFA sẽ cấm vận bóng đá Việt Nam?
Chúng tôi xin khẳng định khi Chính phủ chỉ đạo thanh tra LĐBĐ Việt Nam (VFF) nhằm chống tiêu cực trong quá trình chuẩn bị tiến cử và bầu cử, LĐBĐ Thế giới (FIFA) không chỉ tán thành mà còn phải cám ơn vì đã giúp liên đoàn thành viên trở nên vững mạnh hơn, trong sạch hơn.
Cũng chính từ việc chống tham nhũng mà tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này đã buộc 2 nhân vật quyền lực là cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Âu Michel Platini phải từ bỏ cương vị do bị phát hiện đưa – nhận hối lộ. Thậm chí, ông Blatter còn bị cấm 8 năm không được tham gia điều hành bóng đá.
Ngoài Ủy ban Chống tham nhũng, FIFA còn có Ủy ban Đạo đức. Ông Michael Garcia – cựu kiểm sát liên bang, cựu Bộ trưởng Nhập cư và Hải quan Mỹ dưới thời Tổng thống Bush – đã được chỉ định làm Giám đốc Ban Điều tra nhằm làm sáng tỏ những vụ bê bối nhận hối lộ trong mua bán bản quyền truyền hình liên quan đến các quan chức FIFA.
Bên cạnh đó, thẩm phán người Đức Hans-Joachim Eckert được chỉ định làm Giám đốc Ban Xét xử. Ông Eckert từng là thẩm phán ở Tòa Hình sự Munich – Đức, tham gia nhiều phiên xét xử các vụ án tham nhũng, trong đó có vụ liên quan đến Tập đoàn Viễn thông Siemens. Thông điệp của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino, người vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, rất rõ ràng: “FIFA cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện, kỹ lưỡng để phát hiện và loại bỏ những cá nhân có hành vi sai phạm, những người tư lợi cá nhân và lạm dụng uy tín”.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (giữa) trong cuộc làm việc với VFF tại Hà Nội ngày 8-2 Ảnh: Hải Anh
Do vậy, những tuyên bố mạnh mẽ, công khai của 2 Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ nhằm vào nhóm người có biểu hiện đang khuynh đảo VFF là rất phù hợp với thông điệp chống tham nhũng của FIFA. Sau khi bầu Đức phản ánh sự bưng bít thông tin, lạm quyền và lật tẩy những sai trái của Tiểu ban Nhân sự chuẩn bị đại hội VFF khóa 8, đến lượt ông Gụ cung cấp thông tin chi tiết hơn về sự tính toán nhân sự tại Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) của các lãnh đạo còn lại ở VFF.
Theo ông Gụ, lúc đầu, 3 người đại diện vốn cho VFF là Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (15%), ông Trần Anh Tú (10%) và bà Đinh Thị Thu Trang – Phó Tổng Thư ký VFF (10%). Trong đó, ông Tuấn đang là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) nhiệm kỳ 2. Với sự đề cử này, nhiều khả năng ông Tuấn sẽ giữ luôn chức Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3. Do đó, ông Gụ góp ý với ông Tuấn không nên tham gia vì ông đang giữ quá nhiều chức vụ, vì vậy danh sách được đổi lại là: ông Tú (15%), bà Trang (10%) và Tổng Thư ký Lê Hoài Anh (10%).
Như chúng ta đã biết, ông Tú đã trở thành Chủ tịch HĐQT VPF nhiệm kỳ 3 (cũng là Tổng Giám đốc VPF và Trưởng Ban Điều hành V-League 2018), đồng thời là ứng viên duy nhất trong cuộc tranh cử chức phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa 8. Việc độc diễn của ông Tú có sự đóng góp từ sai sót của Tiểu ban Nhân sự, mở đường cho ông trở thành phó chủ tịch tài chính VFF khóa 8 đồng thời là chủ tịch HĐQT VPF. Lúc đó, với ông Trần Quốc Tuấn là Phó trưởng Ban Tiếp thị tài trợ và tạo nguồn tài chính VFF, tất cả những gì liên quan đến tài chính đều thuộc về 2 ông Tú – Tuấn.
Những biểu hiện mù mờ trong điều hành, thiếu minh bạch thông tin của lãnh đạo VFF khiến dư luận dậy sóng. Hơn bao giờ hết, người dân đang mong đợi Thanh tra Chính phủ vào cuộc.
Trưởng đoàn HAGL khiến bầu Đức trách nhầm VFF
Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức lên tiếng chỉ trích thường trực VFF về những khuất tất trong việc cử 3 thành viên đại diện vốn VFF sang ứng cử vào ghế HĐQT Công ty VPF mà không thông qua ông, chiều 26-3, CLB HAGL đã nhận được điện thoại của VFF yêu cầu làm rõ việc này.
Sau khi kiểm tra lại email ngày 30-10-2017, trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh xác nhận đúng là có thư của VFF gửi để thông tin về việc cử 3 đại diện vốn của VFF thay thế Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn tham dự đại hội cổ đông VPF vào ngày 3-12-2017.
Ông Tấn Anh giải thích: “Do bận công tác ở nước ngoài vào thời điểm đó nên tôi đã sơ suất không kiểm tra kỹ thông tin, báo cáo cho Chủ tịch CLB Đoàn Nguyên Đức. Tôi thành thật xin lỗi và nhận trách nhiệm trước VFF, ông Đoàn Nguyên Đức, người hâm mộ và giới truyền thông”.
Sơ suất của trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh đã được ông tự nhận và phản hồi lại ngay trong chiều cùng ngày với đại diện VFF.
A.Dũng
Tổng cục TDTT chưa can thiệp
Giữa rừng thông tin về VFF, thậm chí gây sốc dư luận từ những tuyên bố đanh thép của 2 vị phó chủ tịch đương nhiệm là Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ, chiều 26-3, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đã có ý kiến xung quanh sự việc.
“Theo ý kiến cá nhân và cả trên cương vị lãnh đạo cơ quan quản lý chuyên môn của VFF, tôi cho rằng mọi việc của VFF đến nay vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Những lời tuyên bố gay gắt, những chuyện hậu trường VFF như mọi người được nghe thời gian qua, tôi cho rằng cũng là điều bình thường ở một tổ chức xã hội hóa thể thao, nhất là trước thềm đại hội khi liên quan đến nhân sự, quyền lợi và cung cách làm việc. VFF sai sót, thiếu sót ở đâu thì sửa chữa, rút kinh nghiệm, bổ sung và mọi việc liên quan sẽ phải do ban chấp hành liên đoàn định đoạt. Đó là quyền được quy định theo luật pháp của tổ chức liên đoàn, hiệp hội thể thao” – ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, về nguyên tắc, Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước quản lý các hiệp hội, liên đoàn; còn Tổng cục TDTT chỉ quản lý về chuyên môn, quản lý ngành với VFF. Đến nay, Tổng cục TDTT chưa có ý định can thiệp chuyện nội bộ VFF mà chờ họ có văn bản báo cáo cụ thể mới có hướng giải quyết tiếp theo. Trong trường hợp cần thiết, Tổng cục TDTT không ngại chỉ đạo hoặc yêu cầu VFF phải thực hiện theo đúng thẩm quyền.
“Luật FIFA quy định các tổ chức LĐBĐ thành viên phải hoạt động độc lập, không có sự can thiệp của chính quyền. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Ủy ban TDTT quốc gia trước đây và Tổng cục TDTT sau này vẫn thực hiện tốt vai trò quản lý của mình thông qua việc biệt phái cán bộ làm việc ở VFF, sẵn sàng giải quyết các vấn đề tiêu cực để làm trong sạch bộ máy điều hành. Điều đó là cần thiết và tôi nghĩ FIFA đã, đang và sẽ tiếp tục ủng hộ việc làm này” – ông Thắng nhìn nhận.
Th.Phương/ NLĐ