Nhà Bè là cửa ngõ phía nam TP Hồ Chí Minh, với hệ thống giao thông đường thủy nối liền từ trung tâm thành phố ra huyện Cần Giờ và các tỉnh phía tây. Trước đây, kinh tế địa phương kém phát triển, người dân chủ yếu gắn với bưng biền, cù lao, giao thông đi lại khó khăn. Lúc đó, đây là khu vực có trình độ lao động chuyên môn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất thành phố.
Bưng biền trở thành phố thị
Gần 30 năm sau, từ một vùng đất đầm lầy, hoang vu, Nhà Bè nói riêng, khu nam TP Hồ Chí Minh nói chung đã chuyển mình mạnh mẽ. Nhà sát nhà, phố sát phố, ánh đèn đô thị đã và đang từng ngày lan tỏa đến từng ngõ ngách nông thôn. Các vùng bưng biền đang dần được thay thế bởi phố thị sầm uất, các khu biệt thự dần hình thành.
Sự đổi thay trên vùng đất này được đánh dấu vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi lãnh đạo thành phố quyết tâm đổi mới, phá thế bế tắc, phát triển mạnh thành phố về phía biển theo hướng đông và hướng nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đã được mời gọi vào đầu tư phát triển. Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu, Cảng SPCT… lần lượt ra đời, người dân tụ về, những khu dân cư mới hình thành, những công trình giao thông lớn kết nối khu nam với trung tâm thành phố lần lượt được xây dựng. Hàng trăm nghìn lao động ở khắp cả nước tập hợp về đây. Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm (Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng), khu nam thành phố hiện nay là KĐT tiêu biểu không chỉ ở thành phố mà còn của cả nước. Hiện nay, thành phố đã chính thức quy hoạch khu nam trở thành một trong bốn thành phố vệ tinh của đô thị TP Hồ Chí Minh đa cực với diện tích gần 3.000 ha, số dân 500 nghìn người, là trung tâm cho sự phát triển thành phố về hướng nam.Thành phố vệ tinh này gồm 20 khu chức năng thành phần với trung tâm là khu A của KĐT Phú Mỹ Hưng.
Sự thành hình KĐT Phú Mỹ Hưng là bước đột phá quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục. Ngoài đại lộ Nguyễn Văn Linh, gắn liền với KĐT Nam Sài Gòn là hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã, đang được xây dựng. Một trong những dự án hạ tầng quan trọng nhất là dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020, giúp giao thông liên vùng phía tây và Đông Nam Bộ không cần “quá cảnh” qua TP Hồ Chí Minh; nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn của khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải – Cái Mép và với sân bay quốc tế Long Thành. Dự án có “điểm giao” với TP Hồ Chí Minh tại khu vực huyện Nhà Bè sẽ là động lực mới, tạo đà cho khu vực này kết nối dễ dàng với các tỉnh miền tây và Đông Nam Bộ.
Cùng với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành giải quyết các điểm nóng về giao thông tại khu nam, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn cũng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư như: Dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng); dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục bắc – nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 6.744 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng cũng được dự kiến hoàn thành trong quý I-2018… Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc trước mắt, thành phố cũng lên phương án mở rộng đường Lê Văn Lương – tuyến đường huyết mạch kết nối khu nam thành phố và tỉnh Long An. Cùng với đó, tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang được kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
Cùng với sự phát triển của hạ tầng, thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở cùng các dự án phục vụ cộng đồng dân cư như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… cũng được đầu tư.
Sứ mệnh khu đô thị cảng
Không chỉ có Phú Mỹ Hưng, khu nam TP Hồ Chí Minh còn kỳ vọng vào KĐT cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) với sứ mệnh tiến ra Biển Đông. KĐT Hiệp Phước được thành phố phê duyệt quy hoạch hoàn chỉnh với diện tích 3.600 ha. Dự án này, thành phố muốn hướng tới xây dựng một KĐT ven cảng quốc tế quy mô lớn, gắn với khu công nghiệp (KCN) tập trung, đa ngành, hiện đại, đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường sống chất lượng cao.
Gắn liền với cảng Hiệp Phước là KĐT Hiệp Phước không những tạo thêm quỹ nhà ở, các công trình dân sinh thiết yếu, tạo ra không gian sống tốt nhằm phục vụ nhu cầu phát triển lao động cho các KCN, dịch vụ cảng tại khu vực Hiệp Phước và lân cận mà còn phục vụ cho nhu cầu giãn dân nội thành, chỉnh trang đô thị theo đúng Nghị quyết của Thành ủy và chỉ đạo của UBND thành phố. Bên cạnh đó, để hỗ trợ sự phát triển gắn kết của mô hình công nghiệp – đô thị – cảng, ngoài các tuyến đường bộ đang được đầu tư xây dựng, TP Hồ Chí Minh đã tập trung cải tạo tuyến luồng Soài Rạp dài 54 km đã được nghiên cứu lập dự án khả thi cải tạo và nâng cấp nạo vét, cho phép tàu có trọng tải lớn vào cụm cảng TP Hồ Chí Minh và KCN Hiệp Phước. Việc nạo vét luồng Soài Rạp đạt độ sâu – 11,5 m trong tương lai sẽ cho phép các tàu trọng tải lớn ra vào các cảng tại Hiệp Phước cũng như đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua của cụm cảng TP Hồ Chí Minh, đồng thời mở ra các tiềm năng về phát triển các cụm cảng biển lớn dọc hai bên bờ sông Soài Rạp.
Lãnh đạo huyện Nhà Bè rất kỳ vọng vào dự án KĐT cảng Hiệp Phước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của huyện là kết cấu giao thông chưa hoàn chỉnh, từ đường giao thông nối các huyện bạn đến đường giao thông liên xã. Các trục đông tây, nam bắc đều thiếu đường giao thông chính, cầu bắc qua sông và kênh, rạch. Chính điều này cũng đang kìm hãm sự phát triển của một địa phương nằm ở cửa ngõ phía nam TP Hồ Chí Minh.
THeo: Vũ Nguyên/ Nhân dân