Trong chuyến đi Paris đầu năm 2018, ông Phạm Thanh Hưng, phó chủ tịch CEN Group tình cờ gặp một số lưu học sinh Việt Nam tại Pháp. Nhận ra đây là một trong những “cá mập” trong chương trình Shark Tank đang phát sóng ở Việt Nam, một vài người xin chụp ảnh cùng ông Hưng. “Sau đó họ đăng dòng trạng thái trên Facebook ‘Hôm nay may quá gặp shark Phú’, thế là tôi yên tâm đi chơi ở Paris và cứ mang tên shark Phú ra thôi,” ông Hưng cười lớn khi nhớ lại. Ông Hưng và ông Nguyễn Xuân Phú, chủ tịch tập đoàn Sunhouse là hai trong số bảy nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Vietnam – Thương vụ bạc tỉ mùa đầu tiên.
Được phát sóng lần đầu tiên tại Mỹ năm 2009, Shark Tank, chương trình truyền hình thực tế về đầu tư khởi nghiệp, thuộc bản quyền của Sony Pictures, đã có mặt tại 40 quốc gia. Thông qua chương trình, các công ty khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được kết nối với giới đầu tư mạo hiểm mà gương mặt đại diện là các doanh nhân thành đạt (các cá mập). Đại diện các công ty khởi nghiệp có 15 phút để trình bày dự án, thuyết phục các nhà đầu tư và đàm phán hợp đồng ngay trên sân khấu nếu một trong số “cá mập” cảm thấy hứng thú. Khoản tiền đầu tư cho các dự án trong chương trình hoàn toàn là tiền của “cá mập.”
Là quốc gia thứ 41 phát sóng chương trình từ tháng 11.2017, Shark Tank Vietnam được ông Trần Anh Vương, tổng giám đốc công ty SAM Holding, cũng là một “cá mập” của chương trình mua bản quyền từ năm 2015, và đầu tư “tối đa 10 tỉ đồng” cùng công ty truyền thông Tv Hub bắt đầu thực hiện sản xuất từ tháng 9.2016. Sau mùa đầu tiên, ngoài phát sóng trên VTV3 thứ 7 hằng tuần, mỗi tập Shark Tank đều có hơn một triệu lượt xem trên kênh Youtube của Tv Hub, cùng hơn 160 ngàn lượt theo dõi trên Facebook. Người phụ nữ đứng đằng sau việc sản xuất chương trình này là Lê Thị Thúy Hạnh, sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tv Hub.
“Ông Vương chuyên về đầu tư tài chính nên không nắm về sản xuất chương trình. Tình cờ gặp, tôi thấy chương trình khá khó thực hiện, đặc biệt là trong mảng đầu tư, vì trong định dạng có điều kiện là nhà đầu tư phải quyết định đầu tư ngay từ lần gặp đầu tiên với startup. Tôi thấy điểm yếu của người này là điểm mạnh của người kia nên bắt tay nhau thực hiện chương trình,” bà Hạnh nói về quyết định tham gia sản xuất chương trình của mình. Đúng như bà Hạnh dự đoán, những khó khăn nảy sinh đã khiến chương trình chậm phát sóng tới tận tháng 11.2017.
“Bắt đầu thực hiện, những người làm mới nếm đầy đủ vị khó nuốt của chương trình. Khi tiếp xúc với 10 người gồm cả nhà đầu tư, đơn vị phát sóng, đài truyền hình thì chín người lắc đầu vì mọi người cho rằng chương trình thì hay nhưng không khả thi vì định dạng chương trình đi ngược lại thông lệ của mình,” bà Hạnh nhớ lại. Theo lý giải của bà Hạnh, có ba lý do khiến chương trình bị chậm trễ. Thứ nhất là người Việt Nam khi đứng trước công chúng hoặc truyền hình thường “tốt đẹp khoe ra xấu xa đậy lại, không ai dại gì vạch áo cho người xem lưng”. Thứ hai là các nhà đầu tư cho rằng rất khó để làm thật, vì tâm lý người Việt Nam phải thấy tận mắt thì mới “xuống tiền”, các nhà đầu tư không thể đưa ra quyết định ngay trong lần gặp đầu tiên, với khoản tiền lớn để đầu tư vào công ty. Thứ ba là sự hoài nghi về chất lượng các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam. “Nên dù cẩn trọng đến đâu thì Shark Tank vẫn ẩn chứa sự phiêu lưu và yếu tố bất ngờ, không ai đoán trước được, đó chính là sức hút của chương trình và sự hấp dẫn của đầu tư mạo hiểm,” bà Hạnh nói.
Sau 16 tập phát sóng với 48 vụ thương thuyết, Shark Tank Vietnam mùa đầu tiên có 22 dự án nhận được đầu tư với 116,7 tỉ đồng cam kết, thương vụ lớn nhất trị giá 23 tỉ đồng của bà Thái Vân Linh, giám đốc chiến lược và vận hành của quỹ đầu tư Vina Capital. Nhà đầu tư lớn nhất là ông Nguyễn Xuân Phú với hơn 28 tỉ đồng cam kết đầu tư vào tám dự án. Tuy nhiên, nhận được cam kết đầu tư mới chỉ là bước ban đầu trước khi vốn được giải ngân.
“Sau khi nhận đầu tư thì chúng tôi có một ban chuyên về đầu tư của doanh nghiệp để tìm hiểu các góc độ về pháp lý, thị trường, tài chính kế toán trước khi tôi ra quyết định ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các bạn. Đó là bước mất khá nhiều thời gian,” ông Phạm Thanh Hưng cho biết. Ông Hưng chia quyết định đầu tư của mình thành ba nhóm. Nhóm đầu loại bỏ ngay vì dự án không lôgíc, hoàn toàn khác cả về ý tưởng, thậm chí còn không có sản phẩm. “Loại này thống kê các nước khoảng 3 – 4% không thể triển khai tiếp,” ông Hưng cho biết.
Nhóm thứ hai nhận được đầu tư nhưng thiên về ý thích cá nhân, hoặc số tiền nhỏ và mang tính chất giúp các dự án ở bước khởi đầu về mặt tài chính, hoặc tư vấn về mặt chiến lược, định hướng. “Nhóm thứ ba là gần sát nhất với những gì chúng tôi mong đợi, đầu tư số tiền lớn, tham gia tỉ lệ từ 36% trở lên, và tôi tham gia vào công tác quản trị. Đó là doanh nghiệp tôi rất kỳ vọng có sự thay đổi tổng thể toàn diện,” ông Hưng nói thêm. Và tất cả những “cá mập” trong chương trình đều là những doanh nhân thế hệ 7X trở đi.
“Giai đoạn đầu tiên chương trình cũng đi tiếp cận các doanh nhân thành đạt thế hệ 5X hoặc 6X, nhưng sau khi tiếp cận thì nhận ra là mọi người không có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư mạo hiểm,” bà Hạnh chia sẻ. Do vậy, bà Hạnh và chương trình quyết định tiếp cận nhóm doanh nhân 7X. Theo lý giải của bà Hạnh, doanh nhân 7X còn khát vọng, đã thành công và mong muốn đầu tư vào các doanh nghiệp trẻ có tiềm năng tăng trưởng. “Bản thân các nhà đầu tư của Shark Tank còn ‘đói’ và muốn săn mồi. Họ muốn tìm kiếm các startup để bổ sung vào hệ sinh thái, hoặc là cơ hội đầu tư thực sự,” bà Hạnh nói thêm.
Lý do không có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp trong chương trình, theo bà Hạnh, do “họ thực sự có rất nhiều sự lựa chọn.” “Như shark Thái Vân Linh của Vina Capital, nổi tiếng với câu ‘Tôi không đầu tư,’ là do điều kiện đầu tư đòi hỏi nhiều tiêu chí, khắt khe hơn,” bà Hạnh chia sẻ.
Và Shark Tank không chỉ đem lại cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được các doanh nghiệp đã thành công, mà còn giúp các nhà đầu tư “mua được tất cả những gì mình không có,” như cách của ông Nguyễn Xuân Phú, hay ông Hưng và ông Vương có thể tìm được những sản phẩm có thể gắn vào hệ sinh thái của công ty. Không chia sẻ doanh số mùa đầu tiên, bà Hạnh chỉ cho biết “không đặt kỳ vọng doanh thu của chương trình, nên cũng khiêm tốn thôi, và chia sẻ 50% doanh số quảng cáo với đơn vị phát sóng”.
Mặc dù Tv Hub mới thành lập được 16 tháng, nhưng Shark Tank không phải chương trình truyền hình đầu tiên bà Lê Thị Thúy Hạnh tham gia sản xuất trong 20 năm làm truyền thông và nội dung truyền hình. Tóc cắt ngang vai cùng gương mặt tròn ưa nhìn, vẻ ngoài nhỏ nhắn, bà Hạnh là mẫu phụ nữ năng động.
Không chọn truyền hình khi bắt đầu sự nghiệp, bà Hạnh làm tiếp thị cho tập đoàn Samsung năm 1997 sau khi tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ, vì “chỉ có mong muốn tự chủ kinh tế, không phải dựa dẫm vào người đàn ông hoặc gia đình”. Năm 1999 bà Hạnh chuyển sang ngành truyền thông và làm giám đốc truyền thông công ty quảng cáo Goldsun, rồi làm phó tổng giám đốc công ty Phát triển Bóng đá Việt Nam (VFD). Năm 2005, khi có chính sách xã hội hóa truyền hình, bà Hạnh đồng sáng lập và làm giám đốc điều hành công ty TVPlus và bắt đầu sản xuất chương trình cho đài truyền hình TP.HCM và đài truyền hình Việt Nam.
Đến năm 2008, bà Hạnh cùng cộng sự tham gia cùng đài truyền hình Việt Nam thành lập kênh truyền hình StyleTV chuyên về phong cách và giải trí cho phụ nữ. Thời gian này bà Hạnh làm giám đốc sản xuất nhiều chương trình truyền hình như Siêu đầu bếp – Iron Chef, Top Chef, và các phim truyền hình như Vừa đi vừa khóc, Ly hôn. Đến năm 2016, bà quyết định rời khỏi TVPlus, công ty do bà đồng sáng lập và gắn bó 11 năm để thành lập công ty truyền thông và giải trí Tv Hub, một quyết định mà bà Hạnh nhận xét là “lên bờ xuống ruộng khi phải làm lại những việc cách đây 11 năm không phải làm.” Lý do, theo bà Hạnh, là “chưa tìm thấy lời giải về chìa khóa cho việc vận hành một kênh truyền hình thành công nên phải để đó.”
“Đến tuổi 40 thì tôi phải lựa chọn vì giới hạn quỹ thời gian của mình, và nhu cầu tiền bạc không quá bức bách với mình nữa, lúc này tôi mới có thời gian để thực hiện giấc mơ của mình, và trong những gì đã trải qua thì tôi chọn lấy điều mình yêu nhất để thực hiện,” bà Hạnh chia sẻ. Tự nhận là người “mơ mộng và có nhiều giấc mơ”, bà Hạnh lý giải chặng đường của mình gắn liền với các giấc mơ, lúc còn trẻ thì mơ thành công, kiếm tiền, làm giàu, lúc có gia đình thì mơ trở thành người nấu ăn ngon, nên đi mua các chương trình về nấu ăn. Khi nhận thấy tâm lý, nhu cầu học hỏi về làm giàu trong xã hội ngày càng lớn, bà sản xuất Shark Tank để giúp người trẻ biết cách thuyết trình sản phẩm, định vị, quản trị, marketing, gọi vốn, định giá công ty.
Gắn bó với công việc sản xuất chương trình truyền hình gần 20 năm, một lĩnh vực mà bà Hạnh đánh giá phải “sẵn sàng hi sinh, trả giá vì khi ghi hình có thể phải làm suốt ngày suốt đêm, không có ngày lễ, ngày nghỉ, những chuyến đi xa dài và vất vả”, nên thời gian riêng của bà Hạnh được coi là thứ xa xỉ. Không đặt nặng mục tiêu kinh doanh, hay mở rộng quy mô công ty, bà Hạnh đang muốn sản xuất những nội dung giúp “thỏa mãn giấc mơ của mình và những người có cùng giấc mơ giống mình”.
“Khi làm TV Hub tôi muốn nó nhỏ nhưng chuyên nghiệp. Kế hoạch của tôi là làm những chương trình truyền hình, sản phẩm thực sự có giá trị, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Khi mình đặt giá trị trước con số, sẽ không vội vàng lớn thật nhanh bằng mọi giá. Đặt mục tiêu khác đi, hành động của mình sẽ khác đi,” bà Hạnh nói.
Theo: Cưởng Nghiêm/ FV