Nhiều lái xe Uber tỏ ra thất vọng khi họ sắp phải chuyển sang Grab hoặc sẽ không còn việc làm. Hàng trăm tài xế có nguy cơ mất việc nếu trước đó đã vi phạm những điều khoản từ Grab. Rất nhiều người trong số này đã vay nợ hàng trăm triệu mua ô tô chạy taxi công nghệ nay lo phá sản vì gánh nặng quá lớn.
Lo bán xe trả nợ
Uber hiện đã đóng cửa sau thông báo chuyển toàn bộ qua nền tảng Grab, nhưng vẫn hoạt động Uber App cho đến ngày 8/4. Khi Uber gửi thông báo chính thức cũng là lúc tất cả văn phòng của Uber đóng cửa. Hiện Uber chưa có thêm bất kỳ thông báo nào hướng dẫn cho đối tác của mình về quy trình chuyển đổi sang ứng dụng mới.
Là một đối tác lái xe đã hơn 2 năm của Uber, ông Nguyễn Kế Thành cảm thấy buồn khi sắp tới không còn là đối tác của Uber. Ông Thành cho hay: “Từ khi nghe tin, anh em lái xe đều như tôi thấy buồn. Lại khổ cho lái xe. Thực tình thì làm việc cho Uber đã lâu, quen với khách, giờ có sự thay đổi lớn”. Mấy ngày trước đó, Uber đã trấn an lái xe bằng cách khẳng định những thông tin trên là không chính xác.
Trước đó, ông Thành từng là đối tác lái xe cho Grab, tuy nhiên do một số vướng mắc, ông đã chuyển sang Uber. “Nhiều lái xe trước bị khoá tài khoản Grap nhảy sang Uber giờ chắc bán xe”, ông Thành lo lắng. Nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng các tài xế không biết tìm ai để có lời đáp.
Đang vay trả góp ngân hàng mua xe, ông Đỗ Quốc Hiệp cũng hoang mang. Số tiền phải trả mỗi tháng lên tới 10 triệu đồng, trong khi đó nguồn thu nhập chính từ lái xe cho Uber. Lái xe Uber đang chịu chiết khấu cho hãng là 20% trong khi tài xế Grab phải chịu chiết khấu 25% hoặc hơn, chưa tính thuế. Khi chuyển sang Grab, họ sẽ phải nhận mức thu nhập giảm.
Không chỉ vậy, theo ông Hiệp, khi chuyển sang Grab, các lái xe sẽ phải cạnh tranh nhau nhiều hơn. “Từ đây đến cuối năm sẽ rất nhiều người bán xe. Giá xe dịch vụ sẽ càng ngày càng không ổn định. Thu nhập của lái xe cũng sẽ bấp bênh”, ông Hiệp phàn nàn.
Theo ông Hiệp, các lái xe sẽ không còn sự lựa chọn nào khác. Áp lực của họ để giữ được tài khoản ngày càng nhiều hơn, nếu không sẽ tự bị đào thải khỏi cuộc chơi. Grab và Uber chỉ dành cho tài xế có sẵn xe rồi chạy kiểu làm bán thời gian, chứ đầu tư mua xe mới không khéo sẽ vỡ nợ.
Chia sẻ trên diễn đàn, thành viên Minh Tuấn, là đối tác của Uber đánh giá, Uber có nhiều ưu đãi cho lái xe hơn. Nếu sau khi sáp nhập, Grab không thay đổi chính sách, anh sẽ ngừng chạy xe. “Áp lực ngày càng nhiều hơn vì họ độc quyền có thể áp những quy định mà nếu ai không đồng ý sẽ phải tự rời bỏ”, anh Tuấn nói.
Nhiều tài xế mất việc
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, thừa nhận, có khá nhiều suy đoán và băn khoăn xung quanh sự việc này. Khách hàng đang thắc mắc về ảnh hưởng của việc sáp nhập đối với họ. Các đối tác tài xế, đặc biệt là những người chỉ hoạt động trên nền tảng ứng dụng Uber, có thể đang lo lắng về sinh kế của mình.
“Khi hợp nhất 2 nền tảng, chúng tôi chắc rằng sẽ có nhiều khách hàng sử dụng Grab hơn, nghĩa là các anh em Đối tác sẽ nhận nhiều cuốc xe hơn, giảm thời gian chờ và cuối cùng là gia tăng thu nhập”, Grab cho hay.
Thông tin tài khoản Uber sẽ được chuyển sang Grab khi có sự đồng ý từ lái xe. Các lái xe sẽ được thông báo về cách thức đăng ký trở thành đối tác tài xế Grab.
Trước thắc mắc của nhiều lái xe, Grab cho hay, những tài khoản Grab trước đây đã rời bỏ để sang Uber vẫn có thể tiếp tục hoạt động cùng Grab, miễn là còn tài khoản đối tác hợp lệ. Tuy nhiên, nếu tài khoản bị khoá hoặc không còn trong hệ thống Grab do trước đây đã vi phạm Bộ nguyên tắc ứng xử của Grab trước đây, sẽ không thể đăng ký hoạt động lại với Grab. Điều này có nghĩa, nhiều lái xe sẽ không còn cơ hội để trở thành đối tác của ứng dụng đặt xe công nghệ.
Sau khi sáp nhập với Uber, Grab đang ngày càng gia tăng vị thế tại khu vực. Hiện, Grab là một trong những nền tảng di động được sử dụng thường xuyên nhất tại Đông Nam Á, với hơn 5 triệu người sử dụng và hơn 5 triệu đối tác là tài xế, đại lý. Grab đang cung cấp các dịch vụ xe tư nhân, xe máy hai bánh, xe taxi và dịch vụ đi chung xe ở khắp 8 quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á, bên cạnh dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm.
Sau khi sáp nhập hoạt động kinh doanh của Uber Eats, Grab sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood hiện có tại Indonesia và Thái Lan đến thêm 2 quốc gia nữa là Singapore và Malaysia. GrabFood sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018.
Dịch vụ GrabCycle vừa được triển khai nhằm chia sẻ xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân, cùng với GrabShuttle Plus để đặt xe buýt trên các tuyến đường cố định, là những thử nghiệm để hiện thực hóa tầm nhìn này.
Grab sẽ tiếp tục nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cho hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.
Theo VietnamNet