Sau hàng loạt sự cố cháy nổ chung cư ở Hà Nội và TPHCM, nhiều người đang tìm mua nhà thì đắn đo lựa chọn, còn những người khác thì ‘bán tháo’ xuống ‘mặt đất’ ở hoặc lựa chọn dự án đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều chuyên gia lo ngại phân khúc căn hộ chung cư sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn.
Chị Hà Thu Hằng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa phải bỏ cọc 50 triệu đồng đặt mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội). Mặc dù dự án đang trong quá trình xây dựng và đóng tiền theo tiến độ nhưng chị Hằng đành bỏ cọc để mua đất thổ cư.
Chị Hằng cho biết, thà mất 50 triệu còn hơn ‘găm’ cả tỷ đồng vào dự án nếu như sau này về ở lại gặp vấn đề gì về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thậm chí cả bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ đều khuyên vợ chồng chị mua đất làm nhà. Không riêng chị Hằng, có nhiều khách đang trong quá trình mua nhà, được nhân viên tư vấn nhiệt tình cũng ‘quay ngoắt’ vì lo sợ sự cố cháy nổ.
Một nhân viên môi giới ở sàn Cengroup cho biết, sau vụ cháy tại chung cư ở TP.HCM, thị trường căn hộ ở Hà Nội chắc chắn ít nhiều bị ảnh hưởng do tâm lý người dân. Đặc biệt là với những dự án chuẩn bị bàn giao nhà. ‘Khách hàng do dự xuống tiền vì đợi kiểm tra xong công tác PCCC thì mới quyết định’, nhân viên này chia sẻ.
Theo anh Phạm Hà Trung, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), hiện người mua nhà ‘khó tính’ hơn trước và họ rất cân nhắc kỹ khi mua một căn hộ. ‘Trước đây, hầu như khách hàng chỉ quan tâm về giá, hướng căn hộ và tầng thì bây giờ lại tìm hiểu kỹ về ‘nhân thân’ chủ đầu tư cũng như hạ tầng PCCC.
‘Lâu nay các căn hộ ở tầng cao (từ 15 trở lên đến 25 – PV) tòa nhà chung cư thường bán chạy nhất vì thoáng đãng, ít bụi bặm và ồn ào thì nay lại chọn tầng thấp tâm lý lo sợ cháy nổ’, anh Trung chia sẻ. Tuy nhiên, anh Trung cũng cho rằng, sự cố cháy nổ thì khó tránh khỏi nhưng với nếu dự án được đầu tư tốt về hệ thống PCCC thì người dân phần nào tạm yên tâm.
Anh Lê Hùng Thắng ở chung cư 102 Trường Chinh, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang rao bán căn hộ gần 100m2 mà gia đình đang ở. ‘Tôi bán bằng giá mua và khuyến mại thêm nội thất gia đình đã đầu tư hơn 200 triệu đồng’, anh Thắng nói. Lý do anh Thắng muốn bán nhà bởi đã nhiều lần đấu tranh với chủ đầu tư về PCCC nhưng đến nay tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu. ‘Gia đình tôi đã quá chán với cảnh chủ đầu tư không lắng nghe ý kiến của dân. Vì vậy, để bảo vệ gia đình tôi quyết định bán lỗ căn hộ”, anh Thắng nói.
Cùng với tâm lý lo ngại cháy nổ, chị Lê Thị Dung, ở tòa CT2 chung cư Văn Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) đang rao bán căn hộ hơn 100m2 cho biết, dù căn hộ gia đình đầu tư nội thất khá nhiều nhưng vẫn chấp nhận ‘cắt lỗ’ hơn 100 triệu. Theo chị Dung, chị vẫn sẽ ở chung cư nhưng chọn dự án đảm bảo an toàn PCCC.
‘Gia đình đã chọn mua được căn hộ trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân cũng khá ưng ý bởi dự án đảm bảo PCCC, lại gần cơ quan làm việc’, chị Dung chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), nhiều tòa nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế theo hướng tiết kiệm mặt bằng, tăng diện tích căn hộ để bán và giảm diện tích phục vụ tiện ích công cộng, chủ đầu tư thu lợi lớn nhưng lại đe dọa tính mạng cư dân nếu xảy ra cháy, nổ. Mặc dù quy trình thiết kế, thẩm định, lắp đặt, kiểm tra hệ thống PCCC tại các chung cư, tòa nhà cao tầng trên thực tế được tổ chức, thực hiện rất chặt chẽ nhưng vẫn chưa đủ để bảo đảm cho một chung cư thật sự an toàn.
Có thể nhận diện các loại thiết kế không an toàn như khép kín, căn hộ bao vây toàn bộ các hành lang sảnh tầng nên khi cháy, khói len lỏi vào các sảnh tầng, người dân sẽ không thấy đường đi và dễ bị chết ngạt do quá kín.
Loại thiết kế thứ hai, sảnh tầng có giếng trời ở giữa để lấy một phần gió và ánh sáng từ trên cao xuống, như trường hợp của chung cư Carina; hậu quả sẽ rất lớn nếu đám cháy xảy ra từ tầng thấp, bởi giếng trời lại là ống dẫn khói lên và các tầng trên cao sẽ gặp thảm họa vì ngạt khói.
Nhìn chung có rất nhiều quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật PCCC nhưng quy định về thiết kế mặt bằng chung cư lại không mang tính bắt buộc. Đây là kẽ hở rất lớn, vì mặt bằng thiết kế căn hộ chính là yếu tố quyết định tới sự sống còn của cư dân.
“Bên cạnh nhiều giải pháp thực hiện thì Bộ Xây dựng cần sớm tổ chức hội thảo để tìm được tiếng nói chung trong thiết kế, nhằm tối ưu hóa để giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn gây ra”, ông Đực đề xuất.
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, xe thang chữa cháy chỉ có thể vươn tới tầng 14, 15 của tòa nhà. Trong khi đó, hệ thống PCCC tại chỗ như: Cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… thì hoạt động phập phù, nơi có nơi không. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy.
Theo: NGỌC MAI/ Tiền phong