Anh Trần Thành Nam, sáng lập VIVU, cho rằng khoản hơn 2.000 tỷ mà Phương Trang đầu tư vào VIVU là để phát triển cả hệ sinh thái của Phương Trang như ví điện tử, thương mại điện tử, giao đồ ăn…, chứ không chỉ là riêng ứng dụng gọi xe.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với anh Trần Thành Nam, sáng lập VIVU, khi câu chuyện Phương Trang đầu tư hơn 2.000 tỷ vào ứng dụng đặt xe VIVU đang được dư luận quan tâm.
Lộ trình đầu tư sẽ tùy thuộc vào tình hình, VIVU sẽ đệ trình lên và được duyệt thì sẽ được rót vốn trong khoản tiền đã cam kết
Nói về khoản đầu tư mới nhận, anh Trần Thành Nam khẳng định, Phương Trang đã cam kết đầu tư 100 triệu USD (tương đương với hơn 2.000 tỷ đồng) vào ứng dụng VIVU mà anh Nam là người sáng lập. Thời gian “tìm hiểu” nhau giữa 2 bên vào khoảng 4 tháng với nhiều thử thách và cái gật đầu đến sau khi đã hiểu rõ và cảm nhận “thực sự cần nhau”.
Theo anh Nam, Phương Trang có vốn, có cơ sở hạ tầng rộng lớn ở miền Nam, đang phát triển ở miền Bắc, có nguồn tài chính, bất động sản… Phía VIVU có nền tảng công nghệ. Hai bên cùng chí hướng phát triển xây dựng thương hiệu, phát triển hệ sinh thái nên đã kết hợp với nhau. Phương Trang sẽ cung cấp tài chính và có những cơ sở sẵn có còn VIVU sẽ lo về mặt quản lý công nghệ.
Anh Nam cho biết, lộ trình đầu tư sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tiễn. Khi cần vốn, phía VIVU sẽ đệ trình đến nhà đầu tư, nếu được duyệt thì sẽ được đầu tư trong khoản tiền 100 triệu USD đã cam kết.
Trước mắt, các ứng dụng được triển khai gồm có gọi xe, giao hàng… Tiến tới là gọi điện thoại miễn phí, thương mại điện tử, ví điện tử, gọi đồ ăn…
Không khó để nhận ra những mảng kinh doanh mà Vivu hướng đến cũng chính là những lãnh địa mà Grab cũng đã và sẽ tung hoành trong thời gian tới.
Sau thương vụ này, Vivu sẽ đổi tên thành VATO theo yêu cầu mới. Theo giải thích của anh Nam, cái tên VATO nghĩa là Vận tải thông suốt, thể hiện mong muốn của cả 2 bên.
Grab đã “đốt” rất nhiều tiền tại Việt Nam, lỗ gần 1.000 tỷ sau 3 năm hoạt động, VATO có chịu chi?
Theo thông tin từ Tổng Cục Thuế, Grab có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng kể từ khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 2/2014 tới nay. Vậy Grab đã chi mạnh như vậy, liệu VATO có chịu chi?
Trả lời câu hỏi này, anh Nam cho rằng khuyến mãi chỉ là một phần rất nhỏ trong khoản lỗ đó. Khoản lỗ 1.000 tỷ của Grab chủ yếu đến từ những ngày đầu Grab vào thị trường Việt Nam.
Anh Nam cho biết, thời điểm đầu Grab vào Việt Nam, Grab tặng tài xế mỗi cuốc 60.000 đồng, thưởng cho tài xế 400.000 đồng/ngày… bởi họ hiểu rằng nếu không có xe thì không thể làm được. Vậy nên, Grab phải bỏ ra rất nhiều tiền để kéo tài xế từ đối thủ (thời điểm đó là Uber) sang với mình.
“Sau đó, có phong trào nhà nhà mua xe, tài xế taxi truyền thống bỏ việc, mua xe tự lái. Ai lái xe taxi công nghệ thời gian đầu trúng lớn. Đợt thưởng tài xế đó kéo dài khoảng 2 tháng, rồi 4 tháng tiếp theo thì thưởng theo kỳ.
Nhiều người sau đó đã đăng ký mua xe. Tuy nhiên, chẳng hạn như xe Innova thì phải đặt xe 6 tháng mới lấy được, lúc đó thì các chương trình thưởng của Grab đã giảm rất nhiều.
Trong một năm đầu đổ tiền rất nhiều, sau đó Grab giảm từ từ. Tiền lỗ phần nhiều là bắt nguồn từ năm đầu Grab vào Việt Nam”, anh Nam cho biết.
Điều quan trọng hơn, đó là việc VATO xác định các mảng kinh doanh của mình không chỉ có gọi xe. “Phần ứng dụng gọi xe có thể lỗ triền miên hoặc hòa vốn, đó không phải là mảng kinh doanh chính của chúng tôi. Nếu phần này lỗ, tôi đang tạm tính là 7 tỷ đồng/tháng, thì một năm khoản lỗ này cũng chỉ là 100 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng tôi là hệ sinh thái quanh ứng dụng gọi xe”, anh Nam nói.
“Tài xế taxi giờ nhiều lắm, nhờ Uber và Grab trước đây đã kéo họ mua xe, nên đó là thuận lợi của chúng tôi”
Theo anh Nam, Uber và Grab khi bước vào thị trường Việt Nam, họ đã đốt tiền để kéo tài xế về phía họ vì phải có tài xế thì mới có thể phát triển được. Cũng nhờ vậy, mà VATO đang được hưởng lợi từ điều này. Nói cách khác, Uber và Grab đã “educate” thị trường, công việc mà các đối thủ đến sau gần như không phải làm nữa.
Khi Uber vào Việt Nam, tài xế rất ít, họ đã phải chi rất nhiều tiền để tài xế đến với họ chẳng hạn như tài xế không có khách thì Uber vẫn trả tiền cho lái xe… Và hiện nay, tài xế lái xe công nghệ rất nhiều, xe rất nhiều.
Sau khi Uber Đông Nam Á sáp nhập với Grab, các tài xế sẽ tìm đến thêm các lựa chọn khác. Người sáng lập VIVU cho rằng “tài xế vẫn có thể chạy Grab, nhưng họ cũng có thể cài ứng dụng của VATO, khi nào có khách thì chạy”.
“Ai có chiến lược lâu dài sẽ giữ được tài xế, ai tạo được sự ổn định thì tài xế sẽ theo”, anh Nam khẳng định.
“Chúng tôi sẽ có chính sách cuốc tối thiểu là 45.000 đồng để hỗ trợ tài xế chạy những cuốc ngắn. Ví dụ, cuốc đó giá chỉ 30.000 đồng thì chúng tôi sẽ bù 15.000 đồng vào cho tài xế. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Hay sắp tới, chúng tôi sẽ có phần gọi điện miễn phí cho tài xế và cho cả khách hàng”, anh Nam nói thêm.
Đi tìm sự khác biệt
Anh Nam cho rằng, VATO sẽ có những điểm riêng để dành làm hài lòng tài xế và khách hàng. Một trong số đó là việc khách hàng có thể mặc cả với tài xế trong giờ cao điểm. Anh đưa ra ví dụ rằng trong giờ cao điểm, taxi công nghệ khác tăng cao nhưng VATO vẫn giữ giá. Lúc đó, khách có thể trao đổi riêng với tài xế để họ nhận cuốc nhanh nhất. Đơn cử như, cuốc giờ cao điểm giá bên VATO là 100.000 đồng, thấp hơn so với các hãng khác, thì khách có thể trả thêm tài xế 20.000 đồng, tài xế thấy ổn thì nhận cuốc. Khi đó, giá vẫn thấp hơn so với các hãng khác.
Hoặc VATO sẽ có chính sách chia tiền cho các khách sạn để họ hỗ trợ kéo khách về giùm…
Một điểm nữa đó là VATO sẽ tận dụng hệ thống sẵn có của Phương Trang để làm vé điện tử, thay vì vé online như bây giờ đối với xe khách đường dài. Và phía VATO cũng thuê điểm đỗ như taxi truyền thống nhưng sẽ quản lý bằng công nghệ.
“Khó khăn của chúng tôi là đối thủ đã có khách, có tài xế. Vấn đề của chúng tôi là phải mở rộng quy mô, tăng lượng tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, khó nhưng làm được. Trong 1 tuần vừa rồi, lượng tài xế qua VATO tăng chóng mặt, tới 2.000 tài xế. Chúng tôi tin sẽ thành công. Chúng tôi xây công ty này không phải để bán mà để phát triển lên. Chúng tôi tin vào nhà đầu tư và tin vào khả năng quản lý công nghệ của chính mình”, anh Nam khẳng định.
Theo: Trường Giang/ Trí thức trẻ