Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu tháng 6/2017, từ thời điểm thành lập có 3 cá nhân là cổ đông sáng lập NBB, bao gồm: ông Đoàn Tường Triệu (nắm 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,69%); bà Nguyễn Thị Cát Tiên (nắm 250.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,39%); bà Võ Dư Ngọc Trân (nắm 199.850 cổ phiếu, tỷ lệ 0,31%).
Trong 3 cổ đông sáng lập nói trên, ông Đoàn Tường Triệu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy từ khi mới thành lập công ty đến thời điểm hiện nay. Bà Võ Dư Ngọc Trân giữ vị trí Thành viên HĐQT NBB từ 2005 – 4/2015. Tương tự, bà Nguyễn Thị Cát Tiên là thành viên HĐQT của công ty Năm Bảy Bảy từ 2005 – 4/2015.
Theo báo cáo tài chính, mức thù lao trung bình của thành viên HĐQT NBB hàng năm đều trên 100 triệu đồng/người.
Như vậy đến thời điểm xảy ra vụ cháy chung cư Carina Plaza do Công ty Hùng Thanh là công ty con của NBB làm chủ đầu tư thì doanh nghiệp này đã có hơn 13 năm thăng trầm. Vụ cháy thương tâm xảy ra đêm ngày 23/3 tại chung cư Carina Plaza đã làm 13 người tử vong và hàng chục người bị thương có thể xem là “vết đen” trong quá trình hình thành và phát triển của Năm Bảy Bảy. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sai phạm về phòng cháy chữa cháy của chủ đầu tư và Ban quản lý chung cư.
Vị trí dự án căn hộ Diamond Riverside của Năm Bảy Bảy |
Ngược thời gian, tiền thân của Năm Bảy Bảy là Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) tại Bình Thuận, được thành lập theo Quyết định số 4750/QĐ-TCCB ngày 1/11/2004 của HĐQT Cienco 5.
Ngày 4/7/2005, NBB được chính thức thành lập theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 0303885305 do Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM cấp. Trụ sở của công ty tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận, TP HCM. Sau khi thành lập 2 năm, đến ngày 17/9/2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận số 173/UBCK-GCN cho phép NBB chào bán ra công chúng 11,9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng.
Theo bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu năm 2008, NBB đã góp 95% vốn vào Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Dịch vụ – Sản xuất Hùng Thanh để công ty này đầu tư dự án Khu căn hộ cao tầng Carina Plaza và City Gate. Đồng thời thực hiện quản lý, bảo trì, sửa chữa các Khu căn hộ cao tầng của NBB; dịch vụ cho thuê các Trung tâm thương mại thuộc các dự án Khu căn hộ do NBB làm chủ đầu tư.
Năm 2013, Năm Bảy Bảy phát hành thành công 17,86 triệu cổ phần ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên 358,6 tỷ đồng.
Ngay từ khi mới thành lập, NBB đã sở hữu quỹ đất tương đối lớn, gần 370 ha, phân bổ trên 5 tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại TP.HCM, công ty sở hữu đến 58 ha đất (phần lớn là đất sạch), tập trung tại quận 8 và huyện Bình Chánh. Cùng với đó là những dự án khu dân cư, khu đô thị, khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái ở Quảng Ngãi, Bình Thuận, Hạ Long (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án của NBB gặp phải bế tắc trong một thời gian dài. Trước thời điểm lên sàn chứng khoán (năm 2009), NBB kinh doanh khá tốt và có dòng tiền lành mạnh nhờ hoạt động bán hàng tốt tại các dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Bắc Phan Thiết (Bình Thuận), khu dân cư phường 2 Bạc Liêu (Bạc Liêu) và khu căn hộ cao tầng Carina Plaza tại TP.HCM.
Sau khi lên sàn, NBB mạnh tay đầu tư vào các dự án lớn như City Gate Towers, NBB II, Dimond Plaza và Khu phức hợp Tân Kiên (NBB IV) tại TP.HCM. Tuy nhiên, tiến độ bán hàng tại các dự án của NBB khi đó chững lại trước tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của NBB từ 2010-2014 liên tục là con số âm.
Lượng tiền và tương đương tiền của NBB từ 428 tỷ đồng năm 2009 xuống còn khoảng 8 tỷ đồng vào năm 2013. Tình thế khó khăn buộc NBB phải dừng thi công các dự án City Gate hay NBB II. Tiến độ phát triển các dự án mới gần như là ngừng hẳn.
Giai đoạn 2010-2013, trên bảng kết quả kinh doanh, chi phí lãi vay hàng năm của công ty dưới 30 tỷ đồng nhưng đó là chưa kể đến con số vốn hóa chi phí lãi vay vào các dự án hơn 120 tỷ đồng mỗi năm. Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCI) vào năm 2014, ước tính NBB phải thanh toán chi phí lãi vay trung bình 170 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2010-2013.
Năm 2014, NBB đã mạnh tay tái cơ cấu bằng cách thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi, như xây dựng theo hình thức BOT, khai thác đá granite, khai thác titan, thủy điện, phụ tùng ôtô…
Đối với tái cấu trúc tài chính, bên cạnh việc gia hạn thành công các khoản nợ vay, NBB cũng thực hiện huy động vốn thành công thông qua các đợt phát hành cổ phần ra công chúng (năm 2013 và 2014 phát hành thêm gần 36 triệu cp, tăng vốn từ 180 tỷ đồng lên 537 tỷ đồng).
Dự án Đồi thủy sản của Năm Bảy Bảy |
Sự xuất hiện của Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản có thể xem là chiếc phao cứu sinh dành cho NBB. Cụ thể, ngày 9/9/2014, NBB và Creed Group ký kết hợp tác đầu tư dự án City Gate Towers, bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án. Tổng lãi phải trả cho trái phiếu phát hành cho Creed Group là 80% lợi nhuận từ dự án này. Đồng thời, Creed Group mua 4,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ do NBB phát hành, mức giá đưa ra là 19.800 đồng/cổ phiếu và cam kết đầu tư vào 2 dự án NBB II, NBB III với tỷ lệ góp 50% vốn.
Từ khi có dòng vốn của Creed Group, NBB đã dần hồi sinh với việc triển khai xây dựng dự án City Gate trong hai năm 2015 và 2016. Từ quý II/2017, dự án City Gate bắt đầu bàn giao, giúp lãi ròng NBB đạt hơn 45 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ năm trước. Đến quý III/2017, dự án này tiếp tục giúp NBB có lãi hơn 9 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng gần 55 tỷ đồng, gấp gần 24 lần cùng kỳ, qua đó thực hiện được 76% kế hoạch về lợi nhuận đề ra cả năm.
Cùng với đó, dòng tiền kinh doanh của NBB bắt đầu chuyển sang trạng thái dương, lên đến 415 tỷ đồng. Công ty cũng đã thanh toán gần 437 tỷ đồng nợ vay trong 9 tháng đầu năm 2017.
Ngoài Creed Group, từ đầu năm 2017 đã rộ lên thông tin về việc Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) lên kế hoạch thành lập CII Land thông qua việc thâu tóm NBB. Theo dự kiến, CII sẽ đàm phán với NBB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 51% và theo Ban lãnh đạo CII thì mọi chuyện đang trong quá trình đàm phám và CII đang thực hiện đánh giá lại các dự án đầu tư của NBB, muốn quyết định đổ tiền vào dự án cụ thể chứ không đưa tiền cho NBB tự quyết.
Tính đến thời điểm hiện nay cổ phiếu NBB mà CII nắm giữ đã tăng từ 30,78 triệu cổ phiếu lên thành 31,64 triệu cổ phiếu NBB, chiếm tỷ lệ sở hữu 33,04% (trên tổng số 95,77 triệu cổ phiếu NBB đang lưu hành).
Theo: Duy Khánh/ Kinh tế & Tiêu dùng