UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có buổi làm việc với Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP) về việc tìm hiểu nghiên cứu đầu tư khu phi thuế quan tại KKT Vân Đồn.
Với định hướng phát triển Vân Đồn sắp tới trở thành 1 trong 3 đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (đặc khu) có nhiều ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong ngoài nước, cũng như khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm…
Đón đầu xu thế này, IPP đề xuất được tham gia đầu tư xây dựng cửa hàng và siêu thị miễn thuế; xây dựng khu bán hàng thời trang outlet; xây dựng khu thương mại và ẩm thực phố đi bộ trong khu phi thuế quan tại Vân Đồn.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn được Chính phủ quy hoạch là Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt đang khiến nơi đây đón một làn sóng đầu tư vô cùng lớn, hầu hết các tập đoàn kinh tế mạnh đều đã xuất hiện tại Quảng Ninh với những dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong tương lai gần, khi sân bay tại đây được đưa vào khai thác, Quảng Ninh sẽ là điểm đến của rất nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế. Cơ bản tỉnh Quảng Ninh đồng tình với những đề xuất của phía IPP.
Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghị IPP và Tập đoàn SunGroup cùng nghiên cứu để quy hoạch lựa chọn địa điểm phù hợp cũng như đẩy nhanh tiến độ phối kết hợp để đi đến hợp tác, phát huy được thế mạnh của 2 bên, sớm hình thành được khu phi thuế quan với nhiều chính sách ưu đãi để tạo nên diện mạo mới cho Vân Đồn ngày càng phát triển.
Trước đó, chính IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất và mong muốn Bộ GTVT cho phép được đầu tư 2.000 tỷ đồng để xây dựng thêm 1 đường băng cất hạ cánh tại sân bay Phú Quốc.
Bên cạnh đó IPP cũng mong muốn được phối hợp cùng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế T2 với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 7.000 tỷ đồng. Dự kiến nhà ga có công suất đón 10 triệu khách/năm tại Phú Quốc.
Vào năm 2015, IPP cũng đã từng đề xuất với Bộ trưởng Giao thông Vận tải để mua lại hoặc được quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc.
Hệ thống các công ty con của IPP Group bao gồm: Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS),… Được biết, tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam của IPP đến nay hơn 500 triệu USD và đã tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động.
Theo: Gia Khang/ Nhịp sống kinh tế