Một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn, mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt giản dị và một chiếc quần sóc tiện lợi, mái tóc hoa râm và gương mặt điềm đạm hiền hoà, đi một đôi tông xách theo một chiếc túi vải. Người đàn ông này sinh năm 1953 sinh sống tại Hà Nội nhưng đã chuyển vào ở hẳn tại một khách sạn nhỏ tại Vạn Ninh được hai tháng nay. Vẻ bề ngoài không thể đánh giá được gì cho đến khi trí tuệ và bộ óc kiếm tiền nhanh nhạy phút chốc thay thế khi nói về đất ở đặc khu kinh tế (KKT) Vân Phong, Khánh Hoà. Bên trong chiếc túi vải ông xách lủng lẳng không có gì nhiều ngoài một tấm bản đồ khổ lớn của Vân Phong và gần 20 cuốn đỏ. Và như vậy, trong bức tranh nóng bỏng của thị trường bất động sản (BĐS) nơi vùng xa xôi heo hút này, chân dung một “siêu cò” thu nhập hai chục tỷ trong hai tháng đã dần lộ diện.
Hiểu sâu thị trường, kiên định với một cách làm
Chú tên là Bùi Thành Hệ. Cái lạ của chú là chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn chưa đầy 5 phút đã có thể làm cho người ta hiểu về quy hoạch Vân Phong gọn ghẽ như trong lòng bàn tay dù trước đó lang thang cả ngày tiếp xúc với hàng chục “cò đất” khác vẫn không hiểu gì về vùng đất hứa này. Đơn giản là Quy hoạch Vân Phong nó như một vòng khuỷu tay gấp khúc. Toàn bộ khu vực từ khuỷu tay đến bàn tay là đất giáp biển đã quy hoạch làm dự án resort, nghỉ dưỡng du lịch. Còn lại là đất thổ cư của người dân, đất rừng, đất trông cây lâu năm và đất khai hoang. Có đất tái định cư nhưng lượng giao dịch cực ít và giá đã bị đẩy lên rất cao và tiếp tục giao dịch. Quan điểm của chú Hệ là không tham gia mua bán gì ở khu vực này. Địa bàn của chú nằm ở Trung tâm hành chính huyện Vạn Ninh và phần còn lại của Vân Phong tại phần từ vai đến khuỷu tay.
Hiện chú Hệ đang sở hữu 50 lô đất có sổ đỏ gom được từ trong Tết, một số ít lô đó chú mua chung. Giá trị các lô đất dao động từ 800 triệu đến trên 10 tỷ đồng nhưng phân lớn là các lô trên dưới 2 tỷ đồng. Theo tính toán, khi chú mua cách đây 2 tháng mức giá hiện nay đã lên gấp đôi và mức lợi nhuận hiện hữu đã giao dịch ước khoảng 25 – 30 tỷ đồng.
Đất tại trung tâm huyện Vạn Ninh mỗi ngày nhảy một giá. Biển tại Vạn Ninh không đẹp vì hiện tại không có bãi tắm mà chỉ là bãi tĩnh có tàu thuyền của ngư dân neo đậu. Dù vậy, những lô mặt tiền hướng biển trên đường Trần Hưng Đạo tăng từ 30 triệu/m2 cuối năm 2017 lên 70 triệu/m2. Những lô bên trong dao động từ 30 – 43 triệu/m2 nhưng tất cả đều là chủ sở hữu của người Sài Gòn và Hà Nội.
Môt con đường xương sống huyết mạch chạy dọc KKT được cho là đường Nguyễn Huệ sẽ được mở rộng 19km đến Tu Bông thay vì con đường nhỏ hiện tại. Kinh nghiệm đã từng thắng lớn tại Phú Quốc và Vân Đồn (tại Vân Đồn chú Hệ đang sở hữu 18 lô đất tại khu đô thị trung tâm thị trấn Cái Rồng lợi nhuận tăng 10 giá sau 3 tháng) cho chú nhận định rằng, đây là tầm nhìn, là cơ hội của giới đầu tư. Trục đường chính có các lô đất đấu giá đã được san lấp mặt bằng có giá ban đầu vài năm trước từ 1 đến vài triệu đồng được ông mua nhanh với giá 6 triệu đồng/m2 nhân diện tích trung bình 100 – 150m2/lô nay được chú rao bán 13 triệu/m2. Còn các trục xương cá và đất trong dân có sổ đang giao dịch mức từ 6 – 8 -10 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.
Sổ đỏ cho khách xem và được hỗ trợ nhanh gọn về thủ tục.
“Các nhà đầu tư nên hiểu sâu về thị trường, kiên định với một cách làm bởi tính chất đô thị hai bên đường Nguyễn Huệ. Hiện nay có khoảng 30 “cò” hoạt động trên địa bàn, trong một năm nay đã ước tính có khoảng 3.000 giao dịch thành công và có khoảng 3 nghìn tỷ đổ vào Vân Phong. Vì tính chất vĩ mô của đặc khu với thế kiềng 3 chân của nền kinh tế với cảng nước sâu tôi không bàn đến, nhưng đất nền vẫn có dư địa giao dịch trong vòng 3 – 5 năm tới”, chú Hệ nhận định.
Nói không với đất chuyển đổi
Cái chắc chắn của chú Hệ là tính an toàn về mặt pháp lý. Mặt bằng chung giá của Vân Phong vẫn rẻ hơn ở Phú Quốc và Vân Đồn. Nói về đất giáp biển, chú Hệ cho rằng người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ đừng mơ đến đất giáp biển. Bởi quy hoạch chung của Vân Phong sẽ có đường bao biển và thường có tí đất giáp biển nào sẽ bị các doanh nghiệp lớn lấy hết hoặc mất vì dính quy hoạch.
“Tôi ủng hộ việc quy hoạch bờ biển, bởi như các đô thị khác, khu vực gần biển có thể bị san lấp hoặc xây kè đập như Vân Đồn hay Hải Phòng. Có quy hoạch thì đô thị mới mới không bị lôm nhôm và đẹp được”, chú Hệ nói.
Đất phân lô đấu giá đang được chào giá 13 triệu đồng/m2 dọc đường Nguyễn Huệ.
“Hiện nay, chủ trương của tỉnh Khánh Hoà và Ban Quản lý KKT Vân phong là dừng chuyển đổi đất rừng, đất trồng cây lâu năm sang thành đất ở lâu dài, siết chặt quản lý để nguyên hiện trạng xong xuôi mới mời nhà đầu tư tới làm việc”, chú Hệ phân tích.
Dọc theo các trục đường, thấp thoáng những tấm biển bán đất sơ sài được gắn lên tường hoặc lên cây hoặc cắm trên mặt đất, tôi có nói rằng gọi điện thử để kiểm tra thử thị trường xem “cò đất” nói thế nào thì chú cười cười bảo rằng: “số điện thoại của “cò” này đấy”.
Đối với chú, việc buôn bán đất cát là đu theo sóng, ở đâu có giao dịch là ở đó sôi động. Tuy nhiên, ngoài cái sộng động của thị trường là cái tĩnh của suy nghĩ tính toán. Chú tính toán vì sao có những bộ óc ở tận nước Mỹ, châu Âu chỉ đạo về phải mua để nhìn rộng hơn tầm nhìn. Chú theo dõi phân tích những kinh nghiệm và rút ra những bài học khi đã từng kinh qua các cơn địa chấn tại Mỹ Đình, Long Biên (Hà Nội) hay Dương Đông (Phú Quốc)… Và như thế, việc đầu tư đất so với công việc nhà nước trong ngành in ấn mà chú dứt áo ra đi, đến nay vốn dắt lưng của chú đã vượt xa rất nhiều so với các đồng nghiệp còn ở lại.
Cần mẫn, kiên trì với công việc hàng ngày tiếp khách tìm mua đất.
Đối với chú Hệ, việc Vân Phong có chính thức trở thành đặc KKT hay không và mô hình đặc khu có thực sự hiệu quả hay không, không quan trọng. Quan trọng nhất là nơi đây đang có cái “chợ BĐS” và chỉ cần đất cứ lên giá là “ok”. Quả là một triết lý khá đơn giản. Đơn giản đến bất ngờ nhưng không phải ai cũng có. Những người như chú Hệ, một thế hệ “cò” siêu đẳng không lo lỗ do mua tận gốc, bán tận ngọn như chú đã kịp tính toán đến một bước xa hơn là có thể lập sàn giao dịch trong thời gian tới. Đối với chú, người ta có thể mang theo gia đình, người thân và trẻ em để vào Vân Phong mua bán đất, mỗi ngày nhà đầu tư chậm đến Vân Phong là mỗi ngày có thể mất hàng trăm triệu đồng. Và như thế, đất Vân Phong vẫn tiếp tục những cơn sóng mới chưa có điểm dừng.
Mời bạn đọc đón đọc tiếp các kỳ sau:
Kỳ 2: Người dân đổi đời trong cơn sốt đất
Kỳ 3: Đánh bạc ở Vân Phong: lửa truyền tay chưa có người kết thúc
Kỳ 4: Điểm danh vị thế ngôi vương
Kỳ 5: Dọn tổ cho Đại bàng đến ở
Theo: Ninh Nhi/ Báo Xây dựng