Theo báo cáo Wealth Report 2016 của Knight Frank, năm 2016, thế giới có 193.490 người siêu giàu, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ, theo sau là châu Âu và ở vị trí số 3 là châu Á. Tuy nhiên, đến năm 2026, châu Á được dự đoán sẽ vượt qua châu Âu để vươn lên vị trí số 2 thế giới về số lượng người siêu giàu. Những quốc gia châu Á được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng người giàu cao trong 10 năm nữa là Việt Nam (170%) Ấn Độ (150%), Trung Quốc (140%)…
Từ trước đến nay, châu Á là nơi sở hữu nhiều gia tộc giàu có với mô hình đầu tư truyền thống trong lĩnh vực sản xuất, ngân hàng và bất động sản. Đó là Mukesh Ambani – Chủ tịch, Giám đốc điều hành và là cổ đông lớn nhất của Reliance Industries Limited (Ấn Độ) và có giá trị ròng là 40 tỷ USD; là Lý Gia Thành (Li Ka-Shing), Chủ tịch công ty Cheung Kong Property Holdings (Hồng Kông), sở hữu khối tài sản có giá trị ròng 34 tỷ USD; hay Wee Cho Yaw, cổ đông lớn nhất và là chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng United Overseas và có tổng tài sản trị giá 8 tỷ USD…
Chuyển hướng đầu tư từ sản xuất và bất động sản sang công nghệ
Trước sự chi phối mạnh mẽ của công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0, châu Á đang chứng kiến sự chuyển dịch của các nhà đầu tư sang lĩnh vực công nghệ. Có vẻ như thế hệ các nhà đầu tư trẻ tuổi đang viết lại lịch sử gia tộc bằng các thương vụ đầu tư quy mô vào nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ.
Theo các chuyên gia tại Capgemini, các triệu phú châu Á đã đẩy tài sản của các gia đình giàu có trong khu vực lên tới hơn 17 nghìn tỷ USD. Một phần lớn của khoản tiền đó đang được đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực cũng như ở nước ngoài khi thế hệ con cháu am hiểu kỹ thuật số lên nắm quyền kiểm soát tài sản. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều gia tộc ở châu Á đang đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong những giai đoạn đầu tiên, một cách khá tương phản so với cách tiếp cận truyền thống của các thế hệ trước – thế hệ những nhà đầu tư thích đổ tiền vào các lĩnh vực như bất động sản và sản xuất. Thế hệ thừa kế này hy vọng rằng những khoản đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ sẽ tạo ra lợi nhuận cao hơn và giúp gia tộc phát triển hơn nữa.
Cơn khát của các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc
Tại Trung Quốc, nhiều gia tộc giàu có đang có xu hướng đổ tiền bạc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, nơi được coi là vùng ẩn náu an toàn khi nền kinh tế trong tình trạng giảm tốc đang làm dập tắt niềm hy vọng thu lợi nhuận từ cách đầu tư truyền thống như cổ phiếu, bất động sản hoặc vàng.
Theo một khảo sát mới đây của Bain & China Merchants Bank, số người giàu tại Trung Quốc – những người sở hữu khối tài sản trên 1,6 triệu USD – đang tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Đồng thời, sự gia tăng nhanh chóng của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu, cộng với lời kêu gọi của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho “sự nghiệp khởi nghiệp toàn dân” với 6,5 tỷ đô la tài trợ, chính sách giảm thuế và các khu công nghiệp phụ trợ, đã dẫn đến sự bùng nổ của các công ty công nghệ.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước hoặc các ông lớn như Alibaba bảo trợ đã cung cấp nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp non trẻ. Nhưng cả hai nhóm không thực sự quan tâm đến việc phát triển công ty mới thành lập: trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm do nhà nước bảo trợ coi trọng kết qua kinh doanh, thì các quỹ đầu tư mạo hiểm do các ông lớn tư nhân bảo trợ lại quan tâm đến cơ hội cạnh tranh. Và chính vì thế mà lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc đang trở thành miếng mồi ngon đối với các nhà đầu tư thiên thần nước này. Mười lăm năm trước, những người như Jack Ma của Alibaba và Pony Ma của Tencent buộc phải tìm kiếm nguồn vốn ở nước ngoài để vận hành công ty của mình vì lúc đó không có nhà tài trợ nào của Trung Quốc muốn đặt cược vào các công ty mới trong giai đoạn trứng nước như vậy. Tuy nhiên, sự thành công của một số nhà đầu tư thiên thần Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư vào các công ty kỳ lân gần đây đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà đầu tư giàu có ở nước này. Những thương hiệu công nghệ tiềm năng như Didi Kuaidi, dịch vụ gọi xe tắc-xi được Cheng Wei khai sinh vào năm 2012 và được tư định giá tới 35 tỷ USD, đang trở thành niềm khát khao của nhiều nhà đầu tư giàu có. Mức tăng trưởng ổn định về lợi nhuận đầu tư tại các công ty khởi nghiệp công nghệ ở quốc gia đông dân này so với mức giảm 43% của chỉ số CSI 300 của các công ty niêm yết hàng đầu ở Thượng Hải và Thâm Quyến kể từ tháng 6/2016 đang cho thấy cơn khát của các nhà đầu tư đối với các công ty công nghệ cao.
Ngay cả Lý Gia Thành, một ông trùm bán lẻ và bất động sản, cũng không thể đứng ngoài cuộc. Vào năm 2007, Lí Gia Thành đã rót 60 triệu USD vào Facebook, và đây được xem là một trong những thương vụ đầu tư sớm nhất của đại gia này trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ. Kể từ thời điểm này, Lý Gia Thành đã đầu tư vào khoảng 25 công ty khởi nghiệp công nghệ thông qua Quỹ đầu tư Horizons Ventures. Hiện nay, Horizons Ventures đầu tư vào khoảng 75 công ty khởi nghiệp công nghệ như Deep Mind, Waze, Spotify, Slack, và Siri.
Guo Guangchang, còn được mệnh danh là Warren Buffett của Trung Quốc, vốn nổi tiếng với Fosun International, một công ty đầu tư quốc tế, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh thép, bất động sản, cho đến y tế và dược phẩm, cũng không đứng ngoài cuộc. Đại gia này đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ như uSens, một công ty chuyên về thực tế ảo (virtual reality), và Sure, ứng dụng bảo hiểm cá nhân.
Day Day Up là một chuỗi không gian văn phòng dành cho các startup công nghệ trên toàn cầu với trụ sở chính là một căn penthouse đầy phong cách tại Sanlitun, Bắc Kinh (Trung Quốc). Và kể cả khi Yiqun Bo và Jerome Scola đã hoàn tất vòng gọi vốn đầu tiên trị giá 2 triệu USD cho Day Day Up, nhiều nhà đầu tư thiên thần Trung Quốc vẫn muốn đổ tiền vào đây. Các nhà đầu tư của Day Day Up đang khuyến khích Liqun và Scola mở rộng phạm vi hoạt động sang Thâm Quyến, Bangalore, Jerusalem và dĩ nhiên là Thung lũng Silicon.
Jeneration Capital – một công ty có trụ sở tại Hồng Kông đã thu hút được nguồn đầu tư từ các giám đốc điều hành công nghệ cao của Trung Quốc cũng như các nhà tài trợ khác – đã từng đầu tư vào Meituan-Dianping, dịch vụ đánh giá nhà hàng ở Trung Quốc từ năm 2015. Năm 2016, công ty này đã rót thêm tiền đầu tư vào Uxin Ltd., một trang web chuyên mua và bán xe ô-tô đã qua sử dụng ở Trung Quốc, và Grab.
Vào quý 4 2016, Composite Capital Management do David Ma thành lập ở Hồng Kông đã đầu tư 50 triệu USD vào Zoox Inc., một công ty mới thành lập ở California hoạt động trong lĩnh vực ô-tô tự lái.
Tại Hồng Kông, doanh nhân trẻ tuổi Matthew Tai chuyển một phần tài sản của gia tộc do cha mình gầy dựng trong lĩnh vực bất động sản vào một chuỗi các công ty khởi nghiệp trong mảng số hoá như FundHive, nhà sản xuất màn hình LCD siêu mỏng có tên gọi Organo-Circuit, và trang web tuyển dụng Freeboh. 15% trong số 70 triệu USD của gia tộc được Matthew đầu tư vào công nghệ, một con số ấn tượng so với 2 năm trước. Có thể thấy, mối quan tâm của thế hệ cha ông là bất động sản truyền thống, còn bây giờ, mối quan tâm của những nhà đầu tư trẻ tuổi như Matthew Tai là thế giới số.
Những nhà đầu tư trẻ tuổi ở Malaysia và Singapore
Tại Mã Lai, có lẽ ai cũng biết đến cái tên Jo Jo Kong, ái nữ của một trong những đại gia giàu nhất nước phất lên từ dịch vụ tang lễ trong những năm 80 và sau đó mở rộng sang bất động sản. Và giờ đây, thay vì tiếp tục nối nghiệp cha trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, cô con gái 26 tuổi của vị đại gia này đang dấn thân vào mảng công nghệ. Kong hiện là cổ đông của RHL Ventures, một hãng đầu tư thuộc sở hữu của hội con nhà giàu ở Malaysia, bao gồm Sidestep với ứng dụng cho phép người hâm mộ mua các lưu vật âm nhạc trực tuyến, và GameOn, một ứng dụng thể thao.
Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư châu Á vẫn đang tìm kiếm các lĩnh vực chưa được khai thác, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, và đang say sưa tìm kiếm “con mồi” cho cuộc đi săn của mình. Tại Singapore, Satveer Singh Thakral đang chuyển hướng đầu tư từ mô hình kinh doanh gia đình với bề dày lịch sử 112 năm tuổi sang lĩnh vực công nghệ. Bắt đầu khởi nghiệp ở Thái Lan với tư cách là một công ty kinh doanh hàng dệt may vào năm 1905, doanh nghiệp gia đình của Thakral hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, bất động sản, cho đến vận tải và khách sạn. Thakral bắt đầu thành lập Singapore Angel Network với thân phụ mình để đầu tư vào khoảng 100 công ty khởi nghiệp công nghệ.
Theo: Robbreport Viêt Nam