Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trên diện rộng sẽ “tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu”.
Làn sóng đầu tiên
Mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trên diện rộng sẽ “tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu”. Tổng Giám đốc Roberto Azevedo của WTO khuyến cáo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ “giảm tốc rất nhanh”.
Ông Azevedo đã đưa ra khuyến cáo này ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố áp các mức thuế quan lẫn nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp mức thuế quan đối với 60 tỉ USD trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh phản ứng lại bằng việc tuyên bố Trung Quốc không ngại một chiến tranh thương mại dù rằng để ngỏ ý “hai bên vẫn có thể đàm phán”. Nhưng mối quan hệ càng trở nên căng thẳng khi Thứ Năm tuần qua, ông Trump cho biết đã chỉ đạo các quan chức thương mại Mỹ cân nhắc đánh thuế thêm 100 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc.
Theo quan sát của ông Azevedo, mặc dù chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu chưa bắt đầu nhưng thế giới đang chứng kiến những làn sóng đầu tiên của cuộc chiến tranh này. Vài tuần trước, Mỹ tuyên bố mở rộng áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm, vốn tác động đến nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phản ứng bằng việc đề xuất áp các mức thuế quan của riêng mình.
Quy mô thiệt hại xảy ra cho nền kinh tế toàn cầu và tốc độ, phạm vi thiệt hại sẽ phụ thuộc vào những gì cuộc chiến tranh thương mại cuốn vào, theo Azevedo. “Nếu chỉ giới hạn ở thép và nhôm là một chuyện. Nếu bạn nói về hàng trăm và hàng ngàn sản phẩm, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Mức độ tác động sẽ khác nhau rất nhiều”. “Chắc chắn rằng xung đột thương mại là một vấn đề lớn. Tôi nghĩ không ai tin rằng đó là điều nhỏ nhặt, thậm chí là chính quyền Mỹ”, ông khẳng định. Azevedo cũng tiết lộ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nằm trong số những xung đột mà WTO cảm thấy “khó nhằn” nhất trong 23 năm thành lập của mình.
Những kịch bản xấu nhất
Chắc chắn doanh nghiệp cả hai bên đều sẽ bị thiệt hại do tác động của cuộc chiến thương mại. Lấy ví dụ, hai hãng xe Mỹ là Ford và GM có thể bị mất khoảng 1 tỉ USD (mỗi doanh nghiệp), tương đương 12% và 7% lợi nhuận hoạt động mỗi hãng xe trong năm 2017 nếu mức thuế áp lên thép là 25% được triển khai và giá cả tăng ở mức tương tự, các chuyên gia phân tích Goldman Sachs ước tính trong một báo cáo gần đây.
Nhưng cũng cần lưu ý 30% giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ lại có xuất xứ từ những nơi khác. Nếu tranh chấp thương mại leo thang, những quốc gia góp mặt trong các chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ không tránh khỏi tai bay vạ gió.
Các nhà cung ứng của Nhật sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhật là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang các công ty tại Trung Quốc mà sau đó xuất sang Mỹ. Những nhà cung cấp như vậy là một phần lớn hơn của nhiều nền kinh tế nhỏ và mở cửa của châu Á. Khoảng từ 1-2% trong tổng sản lượng của một vài quốc gia được xuất đầu tiên sang Trung Quốc và sau đó mới sang Mỹ. Nếu xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm 10% – một kịch bản rất xấu nhưng không phải là không có khả năng xảy ra, thì nó có thể lấy đi 0,1-0,2 điểm phần trăm khỏi tăng trưởng kinh tế của những nước này.
Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong các ngành đã bị đe dọa bởi các mức thuế quan như máy móc và công nghệ thông tin thì lại hưởng lợi. Có rất nhiều công ty dạng này ở Mexico, Đức và Nhật. Các hàng rào thuế quan cũng “khuyến khích” các doanh nghiệp thay đổi kế hoạch đầu tư của mình.
Khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan buộc Nhật phải hạn chế xuất khẩu ô tô sang Mỹ vào năm 1981, ông đã vô tình thúc đẩy hoạt động đầu tư của Nhật vào ngành ô tô còn non trẻ của Thái Lan. Hiện tại, hoạt động sản xuất đã bắt đầu chuyển hướng từ Trung Quốc sang các quốc gia rẻ hơn trong khu vực. Thuế quan áp lên các hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc sẽ càng đẩy nhanh tốc độ này.
Nếu Trung Quốc phản kháng và trả đũa, một mục tiêu dễ bị nhắm đến là hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Brazil, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về đậu nành chỉ sau Mỹ, sẽ rất phấn khởi kiêm nhiệm thêm phần việc này. Nhưng các đối thủ của Trung Quốc và Mỹ sẽ không hào hứng gì, vì một cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại cho 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm ảnh hưởng đến cả tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều đó không phải là tin tốt lànhcho tất cả mọi người và đó cũng là điều mà WTO đã khuyến cáo.
Các nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của châu Á như Malaysia chắc chắn sẽ bị tác động nếu một cuộc chiến thương mại bùng nổ trên diện rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Julia Goh thuộc United Overseas Bank (Malaysia) Bhd. “Đối với Malaysia và bất kỳ quốc gia xuất khẩu nào, họ đều bị mắc kẹt ngay chính giữa nếu căng thẳng thương mại leo thang.
Không ai có thể tránh khỏi bị thương, đặc biệt là những nước châu Á có nền kinh tế mở cửa hơn với hoạt động giao thương rộng rãi”, bà nói. Trong trường hợp của Malaysia thì Mỹ và Trung Quốc đóng góp tới 25% tổng giao thương của nền kinh tế Đông Nam Á này.
Tổng thống Donald Trump không chỉ tuyên bố áp mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn dựng lên những rào cản nhằm ngăn chặn các công ty và quỹ do Trung Quốc kiểm soát trong việc thâu tóm những doanh nghiệp Mỹ mà có sở hữu các công nghệ nhạy cảm.
Giống như vị Tổng Giám đốc WTO, bà Goh cũng đồng quan điểm cho rằng tác động của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chỉ gói gọn ở khu vực châu Á vì việc Mỹ áp các mức thuế quan và khả năng triển khai mạnh hơn nữa các chính sách bảo hộ thương mại có thể ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu toàn cầu và các hoạt động giao thương.
“Nếu các mối quan hệ thương mại toàn cầu xấu đi một cách trầm trọng, kết quả sẽ là đồng USD mạnh lên khi các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn”, bà nói thêm.
Theo: Nhịp cầu Đầu tư