Ở Samsung không có làm sai rồi xin lỗi, mọi sai lầm đều phải trả giá”. Đó là quy định đầu tiên khi chúng tôi bước vào khoá đào tạo công nhân mới. Giáo viên đào tạo nhiều lần nhấn mạnh: Khi xuống xưởng, chỉ một giây phút bất cẩn, các bạn có thể mất đi một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng.
Những bài học nhớ đời
Sau gần 3 ngày rèn luyện sự kiên nhẫn bằng việc ngồi chờ đợi, chúng tôi bắt đầu bước vào khoá đào tạo công nhân mới của Samsung. Chúng tôi được dạy cách lập kế hoạch cho tương lai bằng việc giáo viên yêu cầu từng người viết kế hoạch 10 năm của bản thân. “Ở Samsung, lương công nhân có thể cao gấp đôi nhiều nơi khác, nhưng nhiều bạn công nhân chỉ quẩn quanh “đi làm, ăn tối, về ký túc xá, lướt facebook, ngủ. Ngày hôm sau lặp lại chu trình. Với các bạn chỉ đi làm kiếm tiền rồi tiêu, cuộc đời không về đâu”, giảng viên Hoàng Thành An nói.
Chúng tôi lần lượt được học quy định của công ty như việc chào hỏi, hợp tác khi làm việc nhóm. Cắt móng tay, xếp hàng khi đi ăn, lên cầu thang…Ngay cả việc cột tóc cũng có hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
“Trong nhà máy có nhiều máy quay, tóc phải búi cẩn thận. Chỉ vài sợi tóc vương vào máy móc cũng có thể khiến các bạn trở về nhà trên “chiếc xe trang trí rồng phượng (ý nói xe tang)”. Tôi khuyến khích các bạn cột tóc đuôi gà hoặc búi củ tỏi”, câu nói giảng viên khiến chúng tôi lặng người.
Chúng tôi được học cách chào hỏi, khẩu lệnh đứng lên ngồi xuống và cách vỗ tay Samsung. Trong quá trình học, mọi lỗi từ việc đứng lên ngồi xuống, vỗ tay không đều sẽ bị gọi lên trước bục giảng. Đứng lên, ngồi xuống, hô to, chúng tôi lặp lại hàng chục lần đến khi cả lớp gần 300 người đều nhau.
Giảng viên nhấn mạnh, mọi sai phạm đều phải bị xử lý đích đáng. Ứng viên trong quá trình đào tạo ngay lập tức được nhận giấy bảo lãnh, ra khỏi công ty, không bao giờ có cơ hội quay trở lại. “Samsung không chọn người giỏi nhất mà tìm người phù hợp nhất với sự chăm chỉ, tuân thủ mọi nội quy công ty. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong suốt quá trình đào tạo để các bạn làm tốt từ điều nhỏ nhất, tạo nền móng tuân thủ kỷ luật để bảo vệ tính mạng các bạn”, thầy An nhấn mạnh.
13h kém, sau bài học đứng lên, ngồi xuống, vỗ tay, chúng tôi đói rã rời. Giáo viên gọi những thành viên đi vệ sinh vào muộn trong giờ giải lao vào lớp và chịu phạt.
– Có ai không đồng ý chịu phạt do các bạn vào muộn thì đứng ra bên ngoài.
Cả lớp im lặng. Cùng cảnh công nhân xin việc như nhau, chúng tôi không nỡ để bạn mình phải rời công ty vì một lần trót vào muộn.
– Ai đang mang thai hay nuôi con nhỏ giơ tay. Giọng thầy An tiếp tục.
Cả hội trường im lặng, hình phạt bắt đầu. Giáo viên đều đặn đếm 1,2,3,4… Theo nhịp đếm, chúng tôi khoác vai nhau, lần lượt đứng lên ngồi xuống. 20 lần đầu tiên chưa ai nói gì. Từ lần thứ 30 trở đi, chúng tôi khó nhọc đứng lên ngồi xuống nhưng không thể dừng lại bởi 2 bạn khoác vai hai bên dìu theo nhịp. Đến nhịp thứ 100, chúng tôi được dừng lại. Chân ai cũng run bần bật vì đói, vì mỏi và mệt. Lầm lũi, chúng tôi lết xuống nhà ăn để ăn trưa khi đồng hồ điểm 13h05.
“Một con ngựa làm sai, cả tàu phải chịu phạt. Bữa ăn ấy, tôi ăn ngấu nghiến cho kịp giờ chiều lên lớp kẻo cả lớp phải chịu phạt cùng”, chị Tuyết, ứng viên mới như tôi vừa thở hổn hển, vừa nói. Dù còn 10 phút mới tới giờ tập trung, chúng tôi ngồi im lặng, chờ giáo viên lên lớp.
Những hôm trước ở giai đoạn ngồi trật tự trong lớp, nếu ai ngủ gục trên bàn hoặc ngồi nói chuyện, quản lý lớp học sẽ phạt 4 người xung quanh, người gây ra lỗi không phải chịu phạt.
“Bò đến lớp bằng 4 chân”
Hơn 3 ngày sau hình phạt đứng lên ngồi xuống, chân chúng tôi căng cứng, đau nhừ. Mỗi lần bước lên xuống cầu thang bộ phải vịn tay vào lan can. Thấy chúng tôi phàn nàn, chị Nguyễn Thị Thu – một công nhân làm việc ở Samsung hơn 3 năm động viên: “Các em như vậy là sướng lắm rồi. Hồi trước chị vào, còn phải tập thể dục dưới sân vào cả ban đêm, vất vả hơn nhiều”.
Nhớ lại những ngày training như chúng tôi, giọng chị Thuỷ đều đều kể. Khi ấy, còn training ban đêm. Nhân viên khoác tay nhau, bật ếch suốt mấy tiếng đồng hồ. Chân ai cũng rã rượi, những người đỡ mệt dìu người mệt hơn. “Lúc ấy có người ngất vì mệt quá. Nhưng sau bài tập, tinh thần đoàn kết cao lên”, chị Thủy kể.
Là người vào công ty trước, trong lần giảng, chị Mai Tuyết Hải, giảng viên bộ phận an ninh kể cho chúng tôi nghe về hình phạt kỷ lục lớp chị phải chịu là 800 lần khoác vai nhau đứng lên ngồi xuống. “Hôm sau, chúng tôi bò đến lớp bằng 4 chân”, chị Hải kể.
Là người vào công ty trước, trong lần giảng, chị Mai Tuyết Hải, giảng viên bộ phận an ninh kể cho chúng tôi nghe về hình phạt kỷ lục lớp chị phải chịu là 800 lần khoác vai nhau đứng lên ngồi xuống. “Hôm sau, chúng tôi bò đến lớp bằng 4 chân”, chị Hải kể.
Ngày hôm sau, trong bài học khởi động đầu ngày đào tạo bằng việc hô to khẩu hiệu Samsung và đứng lên ngồi xuống, chúng tôi không đạt yêu cầu thầy giáo đề ra và phải chịu phạt. Thầy yêu cầu chúng tôi ngậm bút vào miệng, dùng hai hàm răng cắn chặt bút rồi hô to: “Samsung Ya”. Ai để rơi bút hoặc dùng tay chỉnh bút đều bị phạt. Một lần hô, hai lần hô…nhưng chưa đạt yêu cầu, hình phạt tiếp tục.
Chúng tôi giữ nguyên bút bằng hai hàm răng, hai tay vòng trên đầu hình trái tim và tiếp tục hô to khẩu lệnh: “Samsung Ya” cùng đó đứng lên ngồi xuống theo hiệu lệnh giáo viên. Nước dãi trong miệng bắt đầu tứa ra. Hô to thì phun nước dãi vào người phía trước. Nhưng tất cả động viên nhau lí nhí: “Cố lên để không phải chịu phạt”. Nhưng chưa đạt yêu cầu, chúng tôi tiếp tục phải vòng tay thêm một hình trái tim nhỏ nữa trên đầu. Hai tay rã rời, nước dãi đầy trong miệng, chân đau cứng.
“Chưa bao giờ em bị hành xác thế này”, một nữ ứng viên thốt lên trong giờ giải lao khi nhắc lại hình phạt vừa qua.
Những ngày sau, câu đầu tiên chúng tôi hỏi nhau vào mỗi buổi sáng hay giờ ăn trưa: chân đỡ đau chưa? Câu trả lời là những cái lắc đầu.
Sau đó, chúng tôi được học bài hát: Hành khúc Samsung. Để tạo hứng thú cho học viên chăm chỉ, thầy giáo dặn: Trưa nay có 1 nhóm phải đi ăn muộn lúc 13h30, lớp chia thành 2 nhóm để hát. Nhóm nào hát kém hơn, sai nhạc, không đúng lời phải đi ăn muộn. Cả hội trường râm ran tiếng động viên nhau hát to nhé. Cũng may, hình phạt này không phải thực hiện.
Giờ giải lao ngày đào tạo thứ 2 (thứ 4, ngày 13/12), sau khi ăn ngấu nghiến suất cơm trưa, tôi trở về lớp học còn 15 phút nữa mới tới giờ lên lớp, tôi ngủ gục xuống bàn vì quá mệt. Bỗng bên tai vang đến tiếng gọi thảng thốt: “Gọi chị ấy dậy đi, thầy đang vào rồi”. Ngay lập tức, tôi ngồi bật dậy, xung quanh, học viên đã ngồi đúng tư thế Samsung (thẳng lưng, hai chân song song với sàn nhà, tay đặt trên bàn, mắt nhìn thẳng lên hội trường).
Hình phạt buổi sáng vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi. Bởi gần trưa hôm ấy, trong vài phút giải lao giữa 2 bài giảng, có 4 bạn ngủ gục trên bàn. Thầy giáo vào lớp bằng cửa sau đã phát cho mỗi người biên bản dừng đào tạo, yêu cầu ghi thông tin cá nhân. Một bạn trong đó bị ốm.
– “Thưa thầy, bạn bị ốm, mệt từ nãy. Bạn chỉ vừa gục xuống. Xin thầy bỏ qua cho bạn”, ứng viên ngồi bên cạnh bạn bị ốm lên tiếng.
– Samsung không có phòng y tế à? Ốm xin vào phòng y tế nghỉ ngơi, còn ngồi trong lớp học phải tuân thủ nội quy, không được ngủ gục trên bàn. 4 bạn này vô ý thức, đem biên bản dừng đào tạo lên đây, trở về kí túc xá thu xếp đồ đạc, sau giờ ăn trưa ra về.
Dứt câu nói, tiếng dấu đóng vào biên bản vang lên lạnh khốc, cả lớp im lặng xót xa.
Ăn trưa xong, thầy thông báo, do có người bảo lãnh, 4 bạn này tạm thời không phải dừng đào tạo nhưng biên bản đã ký, đã có con dấu, nếu lớp có bất cứ vi phạm gì, 4 bạn phải rời lớp học.
Kết thúc ngày hôm ấy, chân chúng tôi ê ẩm, cặm cụi đi bộ về ký túc xá.
(Còn nữa)
____
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Mỗi khoá Samsung đào tạo khoảng trên 1.000 học viên. Đến cuối tháng 12/2017, Samsung đào tạo trên 10.000 công nhân mới, chờ nhận việc vào đầu năm 2018.
Tổ chức Quốc tế gửi kháng thư về điều kiện làm việc tại Samsung Việt Nam
Theo thông tin riêng của Tiền Phong, Bộ LĐ-TB&XH vừa họp với các bộ ngành, đơn vị liên quan để có trả lời các tổ chức quốc tế về điều kiện lao động tại các nhà máy của Cty Samsung Việt Nam.
Cuộc họp trên được tổ chức sau khi Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sỹ) nhận được kháng thư của các tổ chức quốc tế yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện lao động tại các nhà máy của Công ty Samsung Việt Nam, gồm: Nhóm làm việc về nhân quyền, các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp; Báo cáo viên đặc biệt về bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận; Báo cáo viên đặc biệt về quyền con người và rác thải độc hại.
Trong nội dung của kháng thư trên, có phần liên quan tới báo cáo về điều kiện làm việc của lao động nữ tại các nhà máy Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên, do tổ chức IPEN (Thụy Điển) và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) công bố hồi tháng 11/2017. Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu đã trực tiếp phỏng vấn một số lao động đang làm việc cho Samsung Việt Nam một số vấn đề như: người lao động làm việc cho Samsung được ký hợp đồng lao động, nhưng họ không được công ty cho giữ bản hợp đồng; Hay phải làm thêm giờ, tăng ca thường xuyên, bất kể ngày hay đêm, kể cả cuối tuần. Môi trường làm việc khá ồn ào, nên người lao động nói họ gặp các triệu chứng phổ biến như giảm thị lực, chảy máu mũi, phù chân, biến đổi sắc mặt, đau bụng, xương và khớp… Đặc biệt, lao động có thai cũng phải đứng trong suốt thời gian làm việc, ít người dám nghỉ vì sợ Samsung xử phạt nghỉ quá thời gian cho phép… Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ LĐ-TB&XH hồi đầu tháng 3/2018, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật
Việt Nam.LÊ HỮU VIỆT