Hiện nay “bão” giá đất đang “quét” qua huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với tần suất rất mạnh. Tất cả từ người dân, người lao động, kinh doanh dịch vụ, đến khách vãng lai, du khách đều bị ảnh hưởng nặng. Ngoài ra “bão ”còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương…
Rao bán đất qua mạng
Gia đình của chị H.M.N, ngụ xã Dương Tơ, hiện đang sở hữu rất nhiếu đất ở huyện đảo Phú Quốc từ nguồn khai thác rất lâu. Chị N và gia đình đang lo lắng khi huyện đảo chuẩn bị có sự thay đổi lớn về chính sách đất đai khi trở thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, nên quyết định bán bớt phần đất đang sở hữu. Trên trang facebook cá nhân của mình, chị N rao bán gần 12.000 m2 đất tại xã Dương Tơ, với giá 12 tỷ đồng/công (1.000 m2). Nhưng chưa đầy 24 giờ sau, chị N đã điều chỉnh giá tăng lên 14 tỷ đồng/công.
Chị N cho biết: Vừa đăng thông tin trên facebook đã có một cò đất quen dẫn người của một tập đoàn kinh tế đang đầu tư nhiều dự án tại Phú Quốc đến mua, đồng ý giá và đặt cọc 50 tỷ đồng. “Em biết giá mình đưa ra bị hố, nên hoãn lại để nâng giá lên 14 tỷ đồng/công. Người của tập đoàn đó nói mình làm ăn không giữ lời nên rút. Mấy hôm nay cũng có nhiều người trả giá 13,5 tỷ đồng/công, nhưng “cò lái” đòi hoa hồng cao quá, em chưa bán”, chị N nói.
Lần theo thông tin trên trang cá nhân facebook của chị N, tôi nhắn tin hình ảnh qua Zalo và gọi điện thoại cho một cò đất đang hành nghề ở Phú Quốc. Chỉ năm phút sau, anh này gọi điện lại thông tin: “Khu đất chỉ cách trục đường chính (Dương Đông đi Hàm Ninh) khoảng 200m, nhưng đường vào nhỏ, con đường chủ đất mở ngang khu đất chỉ khoảng 4m, nên giá này hơi cao. 14 tỷ/công có thể ra được nhưng hơi khó!”.
Một nhóm khách đến từ Hà Nội tìm mua đất tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ.
Cách đây vài hôm, chính phóng viên cũng được một tay cò đất lạ hoắc mời mua đất ở Phú Quốc. Tay cò này gửi hình “sổ đỏ” của một khu đất rộng gần 7.800 m2, tọa lạc tại xã Dương Tơ, kèm mức giá 60 tỷ đồng/công và lời giới thiệu: “Đây là đất của ông anh rất tin tưởng, chỉ giao cho em bán lô đất này, anh yên tâm” vào messenger của phóng viên. Ngày hôm sau, có người gọi điện đến số máy của phóng viên xưng là người đã gửi thông tin lô đất ở xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc. “Em biết anh có nhu cầu nên dành cho anh. Anh quyết nhanh đi, không chờ lâu được đâu”. Tôi rất bất ngờ, bởi chưa từng có ý định mua đất ở Phú Quốc, nhưng cũng trả lời “Ừ, để tôi xem lại” cho qua chuyện.
Giao dịch tại quán cà-phê
Đồng hành với “bão” giá đất là số lượng cò lái tại Phú Quốc cũng tăng lên. Ngoài những dịch vụ bất động sản đã có tên tuổi làm ăn lâu ngày ở Phú Quốc, nay hàng loạt dịch vụ giao dịch đất đai mới mọc lên như nấm sau mưa. Anh Dương, chủ nhiều đại lý xe gắn máy ở Kiên Giang có văn phòng giao dịch bất động sản tại Phú Quốc cho biết: Dịch vụ bất động sản ở Phú Quốc có trụ sở văn phòng đàng hoàng cũng có nhiều, nhưng nhiều hơn là đăng bảng hiệu ở nhà trọ, quán cà-phê, ngã ba, ngã tư, cột đèn, cột điện… Chủ yếu người đăng bảng để lại số điện thoại để người có nhu cầu giao dịch liên lạc, chẳng khác “dịch” quảng cáo “khoan cắt bê-tông”, hay “hút hầm cầu” ở các thành phố, thị xã. Tuy nhiên, mọi giao dịch thỏa thuận, ngã giá, cò kè, có khi chồng tiền mặt giữa người mua, cò lái và người bán đều diễn ra tại các quán cà-phê.
“Tôi có văn phòng đàng hoàng, nhưng mọi giao dịch đều ở quán cà-phê hết. Muốn biết giá đất Phú Quốc sôi động ra sao anh cứ ra quán cà-phê Nón Lá trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông sẽ rõ”, anh Dương nói.
Theo anh Dương, giá đất ở Phú Quốc chưa bao giờ nóng hơn lúc này, nên có rất nhiều người, nhiều “đại gia” trong ngành bất động sản ở TP Rạch Giá đã ra đảo mở văn phòng giao dịch, làm cò đất, hoặc “lướt sóng” mua bán đất.
“Khoảng sáu tháng nay, mỗi tháng văn phòng tui giao dịch từ 5-10 hợp đồng. Nhưng mình dạng cò con nên các hợp đồng cũng nhỏ, khoảng chục tỷ đồng trở lại”, Dương nói. Cũng theo Dương, hai doanh nghiêp bất động sản lớn nhất ở Kiên Giang cũng đã ra Phú Quốc thu gom được nhiều khu đất, lập dự án, nếu áp vào mức giá đất hiện tại ở Phú Quốc thì hai đại gia bất động sản này đã lời được một số tiền khủng.
Qua trao đổi với Dương, cách đây một tuần, so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá đất ở thị trấn Dương Đông tăng từ 100% – 200% theo từng vị trí, khu vực bắc đảo và một số vị trí khác giá tăng từ 70-100%. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại thì đã khác xa, có những nơi giá đất đã tăng vọt đến vài lần thậm chí đến chục lần. Hiện, đất ở thị trấn Dương Đông có giá hơn 100 tỷ đồng/công, riêng đường Trần Hưng Đạo là 150 tỷ đồng/công. Giá đất tại Cửa Lấp, xã Dương Tơ khoảng 40-50 tỷ đồng/công; tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ khoảng 20 tỷ đồng/công; tại Rạch Tràm, xã Hàm Ninh có giá khoảng 10 tỷ đồng/công; đất ở những nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên đảo giá cũng đã dao động khoảng 2 tỷ đồng/công.
Nhiều vấn đề phát sinh
Vì sao giá đất Phú Quốc lại gây “bão”? Câu hỏi này khó có thể trả lời hài lòng tất cả, khi có quá nhiều nguyên nhân chưa thể kiểm chứng. Nguyên nhân đầu tiên khá rõ, Phú Quốc được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển trình độ cao, được ưu tiên đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách Nhà nước và đang trên đường trở thành một trong ba đơn vị kinh tế-hành chính đặc biệt của nước ta.
Thứ hai, quỹ đất ở Phú Quốc thì có hạn nhưng làn sóng đầu tư vào Phú Quốc thì vô hạn, các nhà đầu tư không muốn đứng ngoài cuộc khi Phú Quốc tiếp tục được nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước. Thứ ba, Phú Quốc dường như đang bị một bàn tay vô hình nào đó chìa ra với mục đích thu tóm đất đai, vì thời gian qua trên đảo xuất hiện nhiều “người lạ” chở tiền mặt ra đảo để mua đất. Thứ tư, trước nhu cầu thực tế, các cò lái đất đai đã cố tình thổi phồng giá lên để kiếm lời.
Một nhóm “cò” địa phương tìm mua đất làm rẫy vừa được đốt ở ấp 2, xã Cửa Cạn để bán lại cho khách.
“Bão” giá đất còn tác động mạnh đến đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là những người đang làm ở các bộ phận có liên quan đến đất đai. Chuyện một vài cán bộ, công chức trúng mánh to khi bỗng dưng làm “cò” đất đã lay động đến tâm trạng của nhiều người khác và xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức sao nhãng, bê trễ giờ giấc, công việc khi sắm thêm nghề tay trái.
Công an huyện Phú Quốc cho biết, cơn bão giá đất đã xuất hiện hiện tượng băng nhóm bảo kê cho các vụ tranh chấp đất đai. Thời gian qua, lực lượng công an huyện đảo xử lý gần 140 đối tượng tham gia và đang huy động lực lượng công an cơ sở chủ động hòa giải, giải quyết các vụ tranh chấp. Công an huyện Phú Quốc cũng đã bắt Phạm Thị Thảo Trang (Trang “Cỏ mây”, 39 tuổi) khi dùng một thửa đất rộng 5.500 m2 trên đường trần Hưng Đạo để bán cho nhiều người lừa tiền cọc hàng chục tỷ đồng.
UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, thời gian qua, chính quyền huyện đảo chỉ giải quyết tình hình khiếu nại, tranh chấp đất đai theo thẩm quyền đạt 34%, đơn khiếu nại tồn đọng đến 41,68%, trong khi số vụ giải quyết đúng, tạo được đồng thuận thấp, chỉ 32,7%, số hồ sơ giải quyết trễ hẹn là 65% và giải quyết sai lên đến 58%.
Ông Trương Quốc Triều, Chánh án TAND huyện Phú Quốc cho hay, trong các vụ án tranh chấp dân sự ở huyện Phú Quốc có đến 80% liên quan đến đất đai. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, số vụ mà TAND huyện Phú Quốc thụ lý có liên quan đến đất đai đã vượt con số 600 vụ.
Đất đai giao dịch chóng vánh, giá tăng từng giờ, từng ngày với số tiền khủng đã phát sinh những câu chuyện như bội ước, bẻ kèo, lừa lọc và cướp đoạt lẫn nhau. Căn cứ vào các số liệu trên và rất nhiều vụ viêc liên quan đến đất đai, trong đó có sự cố đất đai từ thời cựu Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đỗ Tố để lại, thì những mảnh “giấy trắng”, “giấy xanh”, “giấy đỏ” đang giao dịch hằng ngày ai bảo đảm là chính xác và đúng luật?
Theo: Nhân Dân