UBND tỉnh vừa ban hành quy định mới về tách thửa nhằm siết chặt việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Nhưng không ít người vẫn bất chấp, làm liều để trục lợi. Trong đó có những người thu nhập thấp mua để ở, cũng có người mua đầu cơ.
Quyết định tách thửa mới có hiệu lực từ ngày 1-3-2018, với đất nông nghiệp ở các phường, xã Hóa An, Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), các phường thuộc TX.Long Khánh, các thị trấn thuộc huyện có diện tích tối thiểu tách thửa đất là 500m2. Những xã còn lại diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 1 ngàn m2.
* Phân lô, bán nền đất nông nghiệp
Theo quy định mới, đất nông nghiệp muốn phân lô phải được quy hoạch đất ở, sau khi đóng thuế lên thổ cư mới được tách thửa và sang nhượng; đồng thời kèm theo những ràng buộc khác với từng diện tích đất có nhu cầu tách thửa.
Vừa qua, nhiều người dân mua đất nền tại xã Long Đức (huyện Long Thành) của Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát, Công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát cũng kéo đến trụ sở của 2 công ty này ở TP.Hồ Chí Minh để đòi lại tiền đặt cọc vì qua thời hạn khá lâu vẫn chưa được giao đất. Nhưng theo UBND huyện Long Thành, Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát không có dự án tại xã Long Đức. Hiện công an đang điều tra hành vi gian dối của những công ty trên. |
Dù UBND tỉnh và chính quyền các địa phương đã khuyến cáo người dân không nên mua đất nông nghiệp phân lô, bán nền, nhưng không ít người bất chấp, vẫn mua vì ham rẻ. Trong đó, có những hộ do khó khăn không đủ khả năng mua nổi đất đầy đủ giấy tờ để làm nhà, an cư lập nghiệp nên đành “liều”. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp mua “lướt sóng” để kiếm lời.
Ông N.V.T. (ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Tôi mới mua 4 nền đất nông nghiệp được phân lô bán tại ấp Ông Hường, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Khi chưa làm đường, giá bán khoảng 180-190 triệu đồng/nền 100m2. Tôi mua được chừng 2 tháng thì chủ đất làm xong đường vào, tôi bán lại được 250 triệu đồng/nền”.
Theo biển quảng cáo, thông tin rao trên mạng, chúng tôi tìm đến khu vực gần chùa Vân Sơn thuộc ấp Ông Hường, xã Thiện Tân. Nơi này đất nông nghiệp được chủ đất làm đường bê tông hình bàn cờ rộng khoảng 4-5m và đang phân lô bán nền. Một “cò đất” cho hay đất nơi này phân lô, bán nền đã được hơn 3 tháng, có khoảng 300 nền được bán ra. Lúc đầu giá bán chỉ 180-200 triệu đồng/nền, hiện đã đẩy lên 270-300 triệu đồng/nền. Khi chúng tôi hỏi giấy tờ pháp lý cho thửa đất thì “cò đất” tên Nguyễn Văn C. nói: “Đất ở đây quy hoạch đất ở, nhưng chủ dự án chưa kịp lên thổ cư nên tạm thời người mua sẽ được làm hợp đồng chuyển nhượng 100m2 đất trong thửa đất gần 9 ngàn m2, sau đó đưa ra văn phòng luật sư để xác nhận”. Để chúng tôi tin tưởng, “cò” Nguyễn Văn C. còn mở điện thoại cho chúng tôi coi một số hợp đồng đã được ký kết mua bán.
Tương tự, trong vai người cần mua đất giá rẻ để đầu tư ở những khu vực khác như: Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa), Long Tân, Phú Hội, Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), Lộc An, Bình Sơn (huyện Long Thành), Hố Nai 3, Giang Điền, An Viễn (huyện Trảng Bom)… chúng tôi được các “cò đất” giới thiệu hàng loạt nền đất nông nghiệp được chia nhỏ diện tích từ 100-300m2 và giá chỉ bằng gần một nửa đất thổ cư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người mua cũng chỉ nhận được hợp đồng chuyển nhượng một phần trong diện tích lớn và được xác nhận tại văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại.
* Dân đầu cơ “ngậm” quả đắng
Thực tế, chuyện người đầu cơ mua đi bán lại kiếm lời cũng có, nhưng người bị “ngậm” quả đắng vì đầu cơ đất cũng không ít.
Ông Trần Văn K. (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) chia sẻ: “Nghe nói đầu tư đất kiểu mua đi bán lại có nhiều người phất lên, do đó tôi cũng gom góp và vay thêm khoảng 1 tỷ đồng để mua 4 nền tại dự án khu dân cư ở xã Long An (huyện Long Thành). Nghe giá đất tăng thêm 30-50% nhưng tôi rao bán cả 5-6 tháng nay cũng không có người mua”. Hiện ông K. đang tối mặt lo trả lãi suất ngân hàng gần 10 triệu đồng/tháng.
Vừa qua, nhiều người dân tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh có nguy cơ mất trọn số tiền từ vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng vì đã mua phải đất của dự án “ma” tại xã Long Phước (huyện Long Thành). Bà Nguyễn Ngọc H. (ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Qua môi giới, tôi chọn mua 1 nền đất tại dự án của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, nhưng tôi đã đóng gần 500 triệu đồng, đợi gần 1 năm mà vẫn chưa nhận được sổ hồng như nhà đầu tư hứa. Tìm đến UBND xã Long Phước hỏi tôi mới biết dự án không có”. Sau khi nghe thông tin doanh nghiệp này không có dự án khu dân cư nào tại xã Long Phước, bà H. đã cùng nhiều người khác kéo lên trụ sở của công ty này đòi lại tiền, nhưng không được.
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành, từ cuối năm 2017 huyện đã có thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cấm mọi hình thức mua bán, làm hạ tầng, tự ý tách thửa… tại xã Long Phước nhằm ngăn chặn một số công ty bất động sản lừa dân bán đất dự án khi chưa được cấp phép đầu tư. Nhưng nhiều người dân vẫn tin vào các chiêu quảng cáo của công ty bất động sản mà không chịu tìm hiểu kỹ thủ tục pháp lý của dự án nên đã bị lừa. Các công ty bất động sản trên lách luật bằng cách không ký hợp đồng mua bán mà ký hợp đồng góp vốn đầu tư dự án, sau đó trả bằng nền đất. Khi những nhà đầu tư biết mình bị lừa, đi kiện sẽ rất khó khăn.
Theo; Báo Đồng Nai