Ngày 9-4, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook, ông Mark Zuckerberg đã phải ra trước Quốc hội Hoa Kỳ để điều trần về vụ bê bối làm lộ dữ liệu người dùng đang gây rúng động. Tại đây, một lần nữa ông đưa ra lời xin lỗi: “Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Đó là một sai lầm lớn, là lỗi của tôi và tôi xin lỗi”.
87 triệu người bị ảnh hưởng
Lời xin lỗi lần này được đưa ra sau hơn 3 tuần kể từ khi vụ việc được phanh phui lần đầu tiên trên báo Guardian của Anh và New York Times của Hoa Kỳ. 2 tờ báo này dẫn tiết lộ của “người thổi còi” Christopher Wylie, cho biết Công ty Cambridge Analytica đã cố tác động lên cử tri Hoa Kỳ bằng việc dùng thông tin lấy được của hàng chục triệu người dùng Facebook.
Theo New York Times và Guardian, tính đến ngày 17-3-2018, toàn bộ số dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook sẵn trên internet và trong lưu thông chung, trong khi đó Cambridge Analytica khẳng định đã xóa hết dữ liệu năm 2015 khi họ nhận ra chúng vi phạm quy định của Facebook.
|
Việc thu thập thông tin này xảy ra cách đây vài năm. Khi đó, Facebook cho phép GS. tâm lý học Aleksandr Kogan thu thập thông tin từ những người download ứng dụng của ông để làm bài test về tính cách. Người dùng Facebook cũng cho Kogan quyền thu thập thông tin bạn bè của họ. Tuy nhiên, sau đó Kogan lại đưa số dữ liệu này cho SCL Group và Cambridge Analytica, khi ấy đang phát triển các công cụ có thể sử dụng để tác động lên cử tri. Theo Facebook việc chuyển dữ liệu này là phạm luật.
Tờ New York Times cho biết có khoảng 50 triệu người dùng Facebook bị ảnh hưởng. Nhưng trong thông cáo sau đó, Facebook thừa nhận có tới 87 triệu người dùng đã chia sẻ dữ liệu, với 70,6 triệu người từ Hoa Kỳ (chiếm 81,6%). Dữ liệu của người dùng có thể bao gồm những thông tin về sở thích, điều họ quan tâm, liên kết chính trị, mối quan hệ, hình ảnh… Dữ liệu cung cấp đủ chi tiết cho Cambridge Analytica có thể tạo ra hồ sơ tâm lý của các đối tượng họ nhắm đến. Thông tin cũng bao gồm các vị trí của mỗi người. Đối với một chiến dịch chính trị nhất định, dữ liệu có đủ chi tiết để tạo ra một hồ sơ có hiệu quả nhất để thuyết phục một người cụ thể ở vị trí cụ thể cho một số sự kiện chính trị.
CEO Mark Zuckerberg của Facebook tại phiên điều trần ngày 10-4.
Xâm phạm dữ liệu?
Trước đó, khi Zuckerberg đăng một bản cập nhật trạng thái vào ngày 21-3, ông gọi vụ bê bối mới bị phanh phui là “sai lầm” và “sự bội tín”. Nhưng ông không nói đó là một vụ xâm phạm dữ liệu. Facebook có 1,4 tỷ người sử dụng hàng ngày, kể từ khi tin tức được công bố vào ngày 17-3, các nhà quản lý Facebook liên tục đưa ra những lời xin lỗi, nhưng cố né tránh việc mô tả tình huống này như là một sự xâm phạm dữ liệu cá nhân. Vậy đây có phải là vụ xâm phạm dữ liệu hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào việc ai là người được hỏi.
Cách đây vài năm, GS. Aleksandr Kogan đã kết hợp một câu đố về Facebook, yêu cầu người tham gia tải xuống một ứng dụng và cho ông truy cập vào dữ liệu bạn bè của họ. Khoảng 270.000 người đồng ý, cuối cùng dẫn đến 87 triệu hồ sơ đang bị thu thập thông tin. GS. Kogan sau đó đã đưa thông tin thu thập được cho Cambridge Analytica, và công ty này sử dụng nó để xây dựng hồ sơ các cá nhân mà họ bán cho khách hàng như là nghiên cứu chính trị. Điều này được coi là sự xâm phạm dữ liệu cá nhân, như Công ty An ninh không gian mạng Trend Micro định nghĩa trên trang web của mình: “Đó là một vụ việc khi thông tin bị mất cắp hoặc lấy từ hệ thống mà không được sự cho phép của chủ sở hữu hệ thống”. Nhà kinh doanh công nghệ Narentra Rocherolle cũng thẳng thắn tuyên bố khi vụ việc vừa bị phanh phui: “Khi bạn cho phép các bên thứ ba truy cập dữ liệu của tôi theo cách thức không phù hợp với các quy tắc và chính sách. Đó là một sự xâm phạm dữ liệu”.
Dù vậy, Facebook lại không đồng ý. Phó cố vấn Paul Grewal đưa ra một tuyên bố vào ngày 17-3: “Nếu cho rằng đây là một sự xâm phạm dữ liệu là hoàn toàn sai, bởi các nhà nghiên cứu đã được sự đồng ý của tất cả người liên quan”. Andrew Bosworth, cựu Phó Giám đốc quảng cáo của Facebook, cũng có quan điểm tương tự: “Đây rõ ràng không phải là một sự xâm phạm dữ liệu. Mọi người đã chọn chia sẻ dữ liệu của họ với ứng dụng của bên thứ ba, và nếu các ứng dụng của bên thứ ba không tuân theo thỏa thuận dữ liệu với chúng tôi/người dùng, đó là vi phạm. Không có hệ thống nào bị xâm nhập, không có mật khẩu hoặc thông tin bị đánh cắp hoặc bị tấn công”.
Đọc tin nhắn người dùng
Nếu bạn cho rằng những tin nhắn mình gửi cho người thân hay bạn bè là hoàn toàn riêng tư, có lẽ bạn đã sai lầm. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, CEO Mark Zuckerberg xác nhận Facebook đã quét toàn bộ nội dung tin nhắn của người dùng gửi qua Messenger, để chặn bất kỳ nội dung nào vi phạm quy tắc. Những gì bạn viết trong tin nhắn có thể bị người kiểm duyệt đọc nếu nó bị gắn cờ vì đã vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook, ông chủ công ty cho biết
Mặc dù mục đích đằng sau việc quét nội dung tin nhắn có ý nghĩa tốt đẹp, nhưng lại xâm phạm quyền riêng tư của người dùng mạng lưới xã hội. Lời khẳng định của Zuckerberg đã gặp phải những phản ứng trái chiều trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đại diện cho ứng dụng Messenger nói rằng họ không sử dụng dữ liệu từ các tin nhắn đã quét cho mục đích quảng cáo. Họ sử dụng các công cụ tương tự để ngăn chặn sự lạm dụng tin nhắn được thực hiện trên toàn bộ Facebook. “Chúng tôi ưu tiên giữ tin nhắn của bạn, bảo vệ cộng đồng bằng hệ thống tự động phát hiện ra những vi phạm, như hình ảnh bóc lột trẻ em và mã độc. Việc phát hiện không phải là do con người thực hiện. Chúng tôi không nghe cuộc gọi video của bạn” – một phát ngôn viên của Facebook Messenger nói.
Tuy nhiên, điều này có vẻ không thích hợp trong thời điểm hiện nay, người dùng Facebook đang chú trọng quyền riêng tư. Một người sử dụng Twitter tên là Kevin Chastain khẳng định đã thấy tin nhắn Messenger được sử dụng để nhắm mục đích quảng cáo: “Tôi nhắn tin Facebook Messenger cho vợ đề cập địa điểm cụ thể cho bữa tối. Sau đó tôi mở Facebook thấy quảng cáo nhà hàng. Như thể họ đọc mọi câu đối thoại của tôi”.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg khẳng định không từ chức
Thừa nhận sai lầm, xin lỗi người sử dụng và khẳng định sẽ không từ chức là những gì người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg đã tuyên bố trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ rạng sáng 11-4 (giờ Việt Nam) liên quan bê bối lộ dữ liệu 87 triệu tài khoản cá nhân. Mark Zuckerberg thừa nhận: “Rõ ràng chúng tôi đã không nỗ lực đủ để ngăn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu. Đó là tin giả, sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử, các phát biểu mang tính thù địch, cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Và đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra tại đây”. Sau phiên điều trần, cổ phiếu Facebook đã tăng tới 4,5%, lên hơn 165,3USD – mức cao nhất kể từ ngày 23-3 vừa qua. Mức tăng theo ngày của mã này cũng là lớn nhất kể từ tháng 4-2016. Trước đó, bê bối lộ dữ liệu người dùng đã khiến cổ phiếu Facebook lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng chục tỷ USD.
|
(còn tiếp)
Theo: Văn Cường/ Sài Gòn đầu tư