Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện sau hơn 3 tháng Quyết định 60/2017 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường nhà ở thành phố đang chứng kiến sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc bất động sản cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%) và còn có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ.
“Giới đầu nậu và cò đất là bên lợi trong cơn “sốt giá ảo” đất nền hiện nay. Cơn sốt này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường nhà ở và nhất thiết cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả. Không để xảy ra vỡ “bong bóng” dây chuyền trên thị trường cũng như để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản cảnh báo.
Theo đó, thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm giá đất tăng ảo. Cuối cùng giá thực như thế nào không ai biết.
Một hiện tượng thường thấy là giới đầu nậu ra sức “thu gom” đất có giấy tờ hợp lệ, cố tình “găm” lại, đẩy giá cao rồi “bung hàng”, thu về hàng trăm triệu đồng/mỗi nền chỉ trong thời gian ngắn.
Hiệu ứng này cũng khiến nhiều chủ đất và giới đầu cơ “nôn nóng” gom đất nông nghiệp rồi tự ý tách thửa, phân lô, trong khi hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội không đảm bảo; cùng với sự quản lý lỏng lẻo của địa phương dễ dẫn tới việc hình thành những khu dân cư nhếch nhác, làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp đã được quy hoạch, phá nát quy hoạch đô thị chung.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày văn phòng tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết hồ sơ hành chínhtại quận 9 đón hàng ngàn lượt người đến giao dịch. Người dân chủ yếu thực hiện các công việc: Đăng bộ đất, trích lục điều chỉnh, cấp đổi, gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiểm tra quy hoạch, làm thủ tục thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng…
Nhu cầu giải quyến hồ sơ hành chính quá lớn, khiến người dân đến thực hiện giao dịch có mặt trước cửa UBND quận 9 từ 6 giờ sáng. Họ xếp thành hàng dài chỉ để chờ Phòng tiếp nhận hồ sơ mở cửa, bốc số thứ tự chờ đến lượt.
Tại quầy xuất vé thứ tự, nhân viên Phòng tiếp nhận hồ sơ phải túc trực liên tục hướng dẫn người dân. “Nếu ai đến muộn bốc số thứ tự sau 8 giờ 30 sáng thì phải chờ đến chiều mới có cơ may được giải quyết, thậm chí họ phải quay lại vào hôm sau”, một người dân cho hay.
Nguyên nhân khiến tình trạng người dân xếp hàng dài làm thủ tục hành chính tại quận do thời gian qua nơi đây lên cơn “sốt đất”. Quận 9 được xem là điểm nóng về phân lô bán nền, gần như nơi đâu cũng thấy các khu đất phân lô khiến giao dịch mua bán tăng đột biến.
“Khi người dân muốn mua bán đất đều có sự liên hệ với chính quyền bằng nhiều hình thức. Có thể là do quen biết hoặc qua con đường chính thức để coi khu vực này sắp tới có mở đường hay không, có dự án gì không. Nếu cán bộ nói chính xác thì không sao, nhưng nếu cán bộ “có lợi ích cá nhân” ở đây thì rõ ràng tạo ra thông tin sai lệch. Người dân đổ xô đi mua làm tăng giá đất ảo”, ông Tuyến chỉ đạo.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, việc tiếp thu phản ánh của các quận huyện, sở ngành sau hơn 3 tháng Quyết định 60 có hiệu lực để tiếp tục hoàn chỉnh quy định là điều cần thiết. Quá trình giải quyết tách thửa UBND TP.HCM đòi hỏi các quận huyện phải chủ động, công khai minh bạch để tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân.
Theo: Trí thức trẻ