Bộ Tài chính vừa chính thức gửi văn bản thẩm định 3 đề án đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu). Theo đó, vốn đầu tư cần huy động lên tới cả triệu tỉ đồng.
Cụ thể, đặc khu Vân Đồn cần vốn đầu tư khoảng 270.000 tỉ đồng giai đoạn 2018 – 2030. Phần vốn trong nước cho phát triển đặc khu này chiếm 50%, vốn nước ngoài chiếm 50%.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội để phát triển 4 vùng động lực đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong giai đoạn 2019 – 2025 theo tính toán của tỉnh Khánh Hòa lên tới 400.000 tỉ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến 2025, sẽ cần nguồn vốn ngân sách lên tới 45.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, để đưa đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế sầm uất, ước tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới hơn 40 tỉ USD, tương đương khoảng 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016-2030. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 59%, nước ngoài khoảng 41%.
Các khoản đầu tư trọng yếu là giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kĩ thuật, hệ thống điện – nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, sân vận động, cung văn hóa…
Dự thảo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế do các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xây dựng được Bộ Tài chính thẩm định trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 5-2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khung pháp lý cơ bản để vận hành các đặc khu.
Theo: NCĐT