Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sự bất ổn tại Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu thô Brent vượt quá mức 70 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (13/4), giá dầu Brent đóng cửa tăng 56 xu Mỹ lên 72,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 32 xu Mỹ lên 67,39 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang là nhân tố đẩy giá dầu lên cao hơn. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sự bất ổn tại Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu thô Brent vượt quá mức 70 USD/thùng.
Cuộc chiến Syria khiến giá dầu tăng cao. Ảnh: TTXVN
Ngày 14/4 (giờ Việt Nam), một quan chức Mỹ cho biết nước này đã sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công nhiều mục tiêu tại Syria.
Vụ tấn công được tiến hành ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã khởi động một chiến dịch tại Syria nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và nêu rõ vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma của nước này là “một hành động leo thang”.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017, trước tâm lý lo ngại về tình hình căng thẳng tại Syria và báo cáo về xu hướng sụt giảm tại các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ New York đều tăng 8%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (9/4), giá dầu thế giới tăng hơn 2% nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu, trong bối cảnh tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm lắng xuống.
Sang phiên giao dịch ngày 10/4, giá dầu tiếp tục tăng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giảm thuế đối với ô tô và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong một sự nhượng bộ có thể nhằm xoa dịu quan hệ căng thẳng thương mại với Mỹ.
Phát biểu tại một hội thảo doanh nghiệp, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cam kết về những tiến bộ trong những lĩnh vực mà Mỹ ưu tiên như mở cửa ngành ngân hàng Trung Quốc, hay thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Một số nhà phân tích lạc quan cho rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình có thể giúp chấm dứt cuộc tranh cãi thương mại lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, vốn đã làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Tới phiên giao dịch ngày 11/4, giá dầu thế giới nhận được hỗ trợ trước sự leo thang căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông. Đáng chú ý, giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong hơn ba năm qua.
Trong phiên 12/4, giá dầu áp sát mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, giữa bối cảnh tình hình Syria diễn biến phức tạp và các kho dự trữ dầu toàn cầu có xu hướng sụt giảm.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định tình trạng dư thừa trong các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu gần như sắp kết thúc do nhu cầu năng lượng của thế giới tăng và nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ các nước trong và ngoài OPEC.
Theo thống kê, dự trữ dầu tại nhóm các nền kinh tế đã phát triển giảm 17,4 triệu thùng trong tháng Hai, xuống còn 2,854 tỷ thùng.
Syria từ một nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ nay phải phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Sản lượng dầu thô của Syria đã giảm từ 385.000 thùng/ngày vào năm 2010 xuống còn 8.000 thùng/ngày vào năm 2017.
Theo một số chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể gây ra những hậu quả đối với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Nga và Iran, hay Iraq – nước láng giềng của Syria.
Mặc dù Syria không phải nước khai thác dầu lớn, nhưng nước này nằm gần eo biển Hormuz – trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên cũng có những lo ngại cuộc xung đột ở Syria sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu.
Theo: TTXVN