Cả trực tiếp và gián tiếp, smartphone đang làm mức phát thải carbon của ngành công nghệ tăng cao nhanh chóng, và có thể sẽ tương đương với cả ô tô trong tương lai không xa.
Một tài liệu mới được các nhà nghiên cứu từ Đại học McMaster công bố trên Tạp chí Sản xuất Sạch hơn (Journal of Cleaner Production) phân tích về lượng carbon phát ra của toàn ngành công nghệ thông tin (ICT) bao gồm các thiết bị như PC, laptop, smartphone và máy chủ, trong khoảng từ 2010 cho đến 2020. Họ nhận ra những tin tức không tốt lành chút nào.
Ngay cả khi cả thế giới chuyển từ những cỗ máy tính khổng lồ sang những chiếc điện thoại nhỏ gọn, tiêu thụ ít năng lượng, tác động tổng thể lên môi trường của ngành công nghệ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Trong khi ngành ICT chỉ chiếm 1% lượng carbon phát thải trong năm 2007, hiện nay nó đã tăng lên gấp ba lần, và theo chiều hướng này nó sẽ vượt quá 14% vào năm 2040. Con số này sẽ bằng một nửa lượng carbon phát thải của toàn bộ ngành công nghiệp ô tô.
Tác động trực tiếp của smartphone lên lượng phát thải carbon trong ngành công nghệ
Trong đó, smartphone lại là thiết bị đặc biệt nguy hại vì một số lý do sau: Với vòng đời sản phẩm trung bình là hai năm, chúng ít nhiều đều bị bỏ đi. Vấn đề là tạo ra một chiếc smartphone mới – và đặc biệt là quá trình khai thác các vật liệu hiếm bên trong chúng – chiếm đến 85% – 95% tổng lượng CO2 phát thải của thiết bị trong vòng hai năm. Điều đó có nghĩa là mua một chiếc điện thoại mới sẽ tốn năng lượng tương đương với việc sạc và sử dụng một chiếc smartphone cũ trong cả một thập kỷ.
Tuy nhiên, ngay cả khi mọi người hiện đang ít thường xuyên mua điện thoại hơn, các công ty điện tử tiêu dùng đang nỗ lực bù đắp khoản lợi nhuận mất đi bằng những điện thoại lớn hơn, thú vị hơn. Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, các smartphone với màn hình lớn hơn có lượng carbon phát thải tồi tệ hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm nhỏ hơn.
Apple đã công khai tiết lộ rằng việc làm nên một chiếc iPhone 7 Plus sẽ tạo ra lượng CO2nhiều hơn 10% so với iPhone 6s, nhưng một chiếc iPhone 7 tiêu chuẩn lại tạo ra lượng CO2 ít hơn gần 10% so với 6s. Vì vậy theo Apple, xu hướng là trở nên tốt hơn, nhưng với sản lượng bán hàng của các công ty lớn như Apple, những tiến bộ ít ỏi trên đã nhanh chóng bị khỏa lấp.
Một nghiên cứu độc lập khác kết luận rằng iPhone 6S tạo ra lượng CO2 nhiều hơn 57% so với iPhone 4S. Bất chấp chương trình tái chế của Apple và các công ty khác, theo Lotfi Belkhir, người đứng đầu công trình này, cho biết “dựa trên nghiên cứu và các nguồn thông tin khác của chúng tôi, hiện chỉ có chưa đến 1% smartphone được tái chế.”
Theo một đánh giá khác, việc sử dụng một chiếc smartphone trong vòng 3 năm thay vì 2 năm sẽ có tác động đáng kể đến lượng carbon phát thải, đơn giản bởi vì không ai còn phải khai thác các vật liệu hiếm cho chiếc điện thoại của bạn nữa.
Đó sẽ là một sự giải nguy khiêm tốn cho môi trường, đặc biệt nếu bạn sở hữu một thiết bị của Samsung hay Apple. Cũng giống như việc mua một chiếc xe chạy xăng đã qua sử dụng còn tốt cho môi trường hơn là mua một chiếc Prius hay Tesla mới, dùng tiếp chiếc điện thoại cũ của bạn sẽ tốt hơn nâng cấp một chiếc mới.
Tác động gián tiếp từ smartphone
Smartphone cũng là bộ phận đang tăng trưởng nhanh trong ngành ICT, nhưng thủ phạm lớn nhất đối với việc phát thải CO2 thuộc về các máy chủ và các trung tâm dữ liệu, vốn sẽ chiếm đến 45% lượng phát thải của ngành ICT vào năm 2020.
Điều đó là vì mỗi tìm kiếm Google, mỗi lần làm mới Facebook, và mỗi tweet ngu ngốc mà chúng ta đăng lên đều cần một máy tính ở đâu đó xử lý trên đám mây (con số này thậm chí còn tồi tệ hơn, khi các đồng tiền mã hóa trở nên phổ biến hơn). Smartphone cũng có tác động đến điều này.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các ứng dụng di động càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy chủ liên tục 24/7 trong một chu trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Càng nhiều điện thoại, càng nhiều máy chủ. Và với tất cả các thông tin không dây đang ở trên đám mây, tất nhiên chung ta sẽ phải mua nhiều hơn điện thoại có khả năng chạy các ứng dụng còn tốt hơn nữa.
Đối với các tác động liên quan đến máy chủ, Belkhir cho rằng các chính sách và thuế của chính phủ sẽ tạo nên sự khác biệt – bất cứ điều gì cần được làm để đưa những máy chủ này chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Google, Facebook và Apple đã cam kết sẽ chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động của họ. Trên thực tế, tất cả các máy chủ của Apple hiện đang chạy bằng năng lượng tái tạo. “Rất đáng khích lệ.” Ông Belkhir cho biết. “Nhưng tôi không nghĩ nó đủ để thay đổi chút nào.”
Nếu bạn thấy tất cả những điều này đều giống như tin xấu thì mọi thứ có thể còn xấu hơn nữa. Các nhà nghiên cứu đã tính toán các kết luận của mình một cách tương đối dè dặt. Không chỉ vậy, tương lai sẽ còn tồi tệ hơn nếu các thiết bị Internet of Things trở nên phổ biến và ngày càng nhiều thiết bị hơn truy cập vào đám mây để lấy dữ liệu.
“Chúng ta đang chứng kiến các thiết bị kết nối internet, với phạm vi từ các dạng nhỏ nhất như các thiết bị đeo, cho tới đồ gia dụng, và thậm chí cả ô tô, xe tải và máy bay. Nếu xu hướng này tiếp tục … mọi người có thể chỉ băn khoăn về lượng tải tăng thêm cho hạ tầng mạng và các trung tâm dữ liệu do những thiết bị này, bên cạnh lượng điện năng tiêu thụ tăng thêm do quá trình sản xuất của chúng.” Nhóm nghiên cứu cho biết.
“Trừ khi cơ sở hạ tầng hỗ trợ dịch chuyển nhanh chóng 100% sang năng lượng tái tạo, sự trỗi dậy của IoT có khả năng lấn át mức ảnh hưởng của tất cả các thiết bị điện toán truyền thống khác, và gia tăng đáng kể lượng phát thải tổng thể trên toàn cầu, vượt xa cả dự báo của nghiên cứu này.”
Quả thực lượng carbon phát thải của ngành công nghệ đang vượt xa những gì bất kỳ ai, bất kỳ công ty hay chính phủ nào có thể chặn lại. Là người tiêu dùng, chúng ta có nhiều lý do hơn bất kỳ ai để ngần ngại trong việc vung tay cho một món đồ công nghệ bóng bẩy mới. Chúng ta cần mua ít hơn, và tham gia ít hơn, vì sức khỏe của cả hành tinh này.
Tham khảo: Fastcodesign