Kinh tế Việt Nam đã hồi phục và lấy lại phong độ với tăng trưởng GDP trung bình 6,7% trong 3 năm qua, thị trường chứng khoán đã vượt qua đỉnh 10 năm và đang hướng về đỉnh cao mới. Cũng tương đồng về sự cất cánh trong giai đoạn 2015-2017 so với 2005-2007, có ý kiến lo ngại năm 2018 có thể suy giảm như 2008, nhưng cũng có nhiều kỳ vọng “năm nay sẽ khác”.
Ngắn hạn, mọi con số đều đẹp
Tình hình có vẻ rất tốt khi mọi con số của giai đoạn 2015-2018 đều rất đẹp với lạm phát thấp nhất, tăng trưởng cao nhất, dự trữ ngoại hối cao nhất, tỉ giá ổn định nhất. Nhìn lại 10 năm trước, giai đoạn 2005-2008, kinh tế Việt Nam chứng kiến sự thăng hoa thần kỳ với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%/năm, thuộc nhóm cao nhất thế giới, trước khi bắt đầu lao dốc vào năm 2008. Tín dụng, lạm phát và tỉ giá là 3 nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này. Đối chiếu thời gian đó với giai đoạn 2015-2018 để xem 3 tác nhân này có gây nên mối đe doạ nào đến nền kinh tế không?
Giai đoạn 2005-2008, tín dụng bùng nổ với những tháng đỉnh điểm tăng trưởng tín dụng trên 55% so với cùng kỳ. Hiện nay, mức tăng trưởng tín dụng đang ở mức 17-18%; đây cũng là con số mà Ngân hàng Nhà nước (SBV) muốn giữ trong năm 2018. Tuy không cao như thời kỳ trước, nhưng mức tăng trưởng tín dụng hiện nay của Việt Nam cũng ở vào mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và được thúc đẩy mạnh bởi tín dụng tiêu dùng.
Mười năm trước, lạm phát lên trên 20% vào cuối quý I/2008 khi dòng tiền bơm ra đạt đỉnh. Để kiểm soát lạm phát, đến cuối quý III/2008, SBV đã phải đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất và hút tiền về. Lạm phát đang ở mức 2,7% và trong 4 năm qua luôn ở dưới 5%.
Mặc dù chưa xuất hiện áp lực lạm phát, nhưng với xu hướng tăng trưởng tốt hiện nay nếu sức cầu trong nước gia tăng kèm theo thì tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, sẽ có nguy cơ nếu dòng vốn nước ngoài tiếp tục đổ vào trong khi SBV vẫn muốn ổn định tỉ giá bằng cách mua ngoại tệ. Đồng thời với việc bơm tiền đồng ra để mua ngoại tệ, SBV sẽ hút tiền vào để cố gắng không tăng lãi suất. Đây chính là rủi ro để lạm phát nhích lên từ đây đến cuối năm 2018. Áp lực lạm phát cũng xuất hiện khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức 17% như hiện nay.
Trở lại năm 2008, tiền đồng bị giảm giá đến 11% chỉ trong vòng một năm sau nhiều năm giữ ổn định. Nguyên nhân chính đến từ việc dòng vốn đột ngột đảo chiều sau khi ồ ạt chảy vào trước đó. Trong năm nay, tỉ giá được dự báo là sẽ tiếp tục ổn định. Xu hướng là cung ngoại tệ sẽ dồi dào nhờ dòng tiền giải ngân FDI, kiều hối, thặng dư cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư tài chính (FII). Thậm chí, tiền đồng có thể lên giá so với USD nếu SBV không mua vào ngoại tệ. Dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay, gần 60 tỉ USD.
Thời kỳ 2007-2008, Việt Nam bị thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa nặng nề, lên tới 18% GDP. Cán cân thương mại hàng hóa hiện nay khá cân bằng. Trong quý I/2018, cán cân thương mại còn thặng dư. Xuất khẩu hàng điện tử đóng góp lớn cho thặng dư thương mại hàng hóa này.
Tín dụng được đẩy nhanh, giá chứng khoán và giá bất động sản tăng cao luôn là tín hiệu của tăng trưởng nóng. Nhưng có thể thấy rằng so với cách đây 10 năm, mức độ gia tăng tín dụng và giá tài sản là thấp hơn nhiều. Hơn thế nữa, tình trạng mất cân đối vĩ mô lớn chưa xuất hiện. Chính phủ đang điều hành chính sách ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát và tỉ giá. Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp hiện nay, SBV có đủ thời gian để kiểm soát áp lực lạm phát (nếu xuất hiện) bằng chính sách tiền tệ. Mức dự trữ ngoại tệ lớn hiện nay cũng cho phép SBV sẵn sàng can thiệp nếu có biến động về tỉ giá.
Trung hạn, không ít thách thức
Nhìn vào trung hạn, vẫn còn hai lĩnh vực đầy thách thức là tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và xử lý các dự án doanh nghiệp nhà nước thua lỗ trong bối cảnh không gian tài khóa hạn hẹp.
Tái cơ cấu ngành ngân hàng không chỉ là xử lý nợ xấu mà còn là tăng vốn các ngân hàng thương mại. Trên lý thuyết, khi nợ xấu cao thì ngân hàng bị mất vốn. Nếu không đòi được nợ, ngân hàng phải tăng vốn bằng cách huy động thêm tiền từ cổ đông hiện hữu, hoặc bị mua bán, sáp nhập.
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đang giúp các ngân hàng có thể thu hồi nợ và xử lý tài sản thế chấp nhanh hơn. Lợi nhuận của các ngân hàng cũng được cải thiện, đặc biệt là ở những ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất hiệu dụng rất cao. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 hay cho vay tiêu dùng cũng không thể giúp được các ngân hàng yếu kém hiện bị kiểm soát đặc biệt. Việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho các ngân hàng này và tăng lại vốn chủ sở hữu cũng không khả thi.
Vấn đề trung hạn mang tính cơ cấu thứ hai là xử lý các dự án doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Đây là những dự án hoặc chưa hoàn thành đầu tư xây dựng hoặc đã hoàn thành nhưng cứ vận hành là lỗ. Chính vì vậy, việc tìm người mua các dự án này cũng không khả thi. Thậm chí, bán 0 đồng cũng không ai dám mua vì nếu mua xong phải gánh nghĩa vụ trả nợ.
Việc kéo dài thời gian xử lý các ngân hàng yếu kém và dự án doanh nghiệp nhà nước thua lỗ chỉ là tạo vẻ ổn định bề ngoài trước mắt, chứ về thực chất là tăng thêm gánh nặng tài chính cho Nhà nước và cho cả nền kinh tế. Các khoản mất mát, thua lỗ là đã xảy ra và không thể khắc phục. Theo thời gian, chi phí nợ vay mới chồng lên chi phí nợ vay cũ và giá trị nợ cứ tiếp tục gia tăng. Nhà nước cần mạnh tay để xử lý dứt điểm các trường hợp này, thậm chí bằng giải pháp cho phá sản và chịu mất một nguồn lực thực.
Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam
Theo: Nhịp cầu Đầu tư