Từ đầu tháng 3/2018, tỉnh Đồng Nai cho tách thửa đất, thị trường nhà đất sôi động trở lại; giá đất liên tục biến động, tăng từng ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do siêu dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang tạo “đợt sóng” đầu tư vào đất đai khu vực xung quanh.
Qua khảo sát thời gian dài gần đây, cho thấy thị trường bất động sản Đồng Nai đang rất “loạn”. Nhiều khu vực dựa hơi các dự án lớn mới quy hoạch để “thổi” giá đất lên cao chót vót gây bất ổn cho thị trường. Trong đó, khu vực Long Thành và Nhơn Trạch đang là 2 “điểm nóng” về cả tốc độ ra hàng, giao dịch và giá cả tăng liên tục.
Song song đó, chưa khi nào nghề làm “cò đất” tại Đồng Nai lại có nhiều người như hiện tại. Từ ông xe ôm, bà bán quán nước, bà làm móng tay, móng chân, đến chị bán mỹ phẩm online… cũng trở thành người môi giới đất đai.
Chỉ cần người nào đó cần bán một thửa đất là có vài “cò” tìm đến đăng ký bán giúp với khoản hoa hồng phải trích lại từ 3-5% giá trị mảnh đất bán được. Ngoài ra, ở những khu vực đất đai đang “nóng” cò đất còn đẩy giá tăng thêm 100-300 triệu đồng so với giá chủ mảnh đất yêu cầu, nhờ vậy không ít “cò đất” đã ẵm một khoản tiền chênh lệch lớn.
Qua khảo sát thực tế được biết những khu vực đất đai đang “nóng” được mua đi, bán lại nhiều gồm các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Ngày cuối tuần (14/4) dưới cái nắng như đổ lửa của miền Nam, tại sự kiện giới thiệu dự án Khu đô thị thương mại Mega City 2 ngay trung tâm thành phố Nhơn Trạch, có cả hàng ngàn chiếc ô tô xếp hàng xuống tiền mua đất.
Được biết, dự án khu đô thị này có quy mô 84 ha do Công ty CP Địa ốc Kim Oanh làm chủ đầu tư, dự kiến khi hoàn thành sẽ có 3.100 nền đất (diện tích nhỏ nhất là 90m2/nền, với giá bán khoảng 650 triệu đồng/nền trở lên..). Theo thông báo của chủ đầu tư, khi sự kiện chưa kết thúc mà khách hàng đã “ôm” hết số lượng nền đất.
Trong số những người mướt mồ hôi đứng xếp hàng mua đất tại đây, có nhiều người mua từ năm bảy cho đến chục lô. Đa phần họ sử dụng vốn vay ngân hàng. Nhiều người dẫn luôn cả nhân viên tín dụng cá nhân của ngân hàng đi theo để tiện “xuống tiền”.
Người dân đổ xô đi mua đất tại một số vùng xung quanh sân bay Long Thành.
Ông V.N.N nói rằng, hiện nay ngành sản xuất như ông làm “bạc mặt” nhưng lợi nhuận cao cũng chỉ 20-30%, trong khi đó với thời điểm này ông bỏ tiền vào bất động sản có thể lãi ngay gấp đôi con số đó.
“Trước tết tôi có mua một căn nhà ở Gò Vấp với giá 3 tỉ đồng, hiện nay có người trả tôi 5 tỉ đồng. Tôi bán. Nhưng người mua của tôi sau hai tuần họ bán lại với giá 5,4 tỉ đồng, giờ thấy đất ở Đồng Nai hấp dẫn quá nên cũng mua chờ thời. Làm sản xuất sao có nổi lãi như thế trong thời gian như thế”, ông V.N.N tư duy.
Theo ông V.N.N, hiện ông có tiền dư dả sau bao năm kinh doanh tầm 20 tỉ đồng. Ông nói thật: “Tôi tìm đất để mua để đó chứ không có ý định đầu tư hay ở gì cả. Hiện nay tiền đổ vào sản xuất cũng không có đầu ra nữa, trong khi đó giá đất lại đang tăng chóng mặt”.
Tương tự, ông Đinh Mạnh Hùng một chủ doanh nghiệp trong ngành vận tải có trụ sở tại quận 2 cũng đang tìm mua đất tại Nhơn Trạch. Sau hai tháng tìm kiếm cuối cùng ông Hùng chọn mua 1.500m2 đất nông nghiệp ở đây với giá hơn 1 tỉ đồng. “Tôi mua để đó vì hiện giá đất tăng mạnh. Sau năm năm nữa thì miếng đất này tôi kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận”, ông Hùng nói.
Tại các huyện, thị – nơi tập trung đông dân cư của tỉnh Đồng Nai như huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hoà giá đất hiện tăng khoảng 20% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018.
Khu vực ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), 2 tháng trước, một lô đất rộng 100m2 giá khoảng 220 triệu đồng, nay tăng lên hơn 260 triệu đồng. Đa phần đất nền có mức giá trên đều nằm ở những vị trí không thuận lợi, đường đi hẹp.
Đại diện Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh (chi nhánh Đồng Nai), cho biết tại đây, những dự án đất nền có quy hoạch, nằm tại vị trí đẹp, giao thông thuận lợi thì giá bán cao, đều trên 1 tỷ đồng mỗi nền.
Đối với dự án phân lô bán nền ở các xã gần dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đất nông nghiệp thì cơ quan chức năng đã hạn chế triển khai dự án dân cư để phục vụ xây dựng sân bay. Khi thực hiện giao dịch đất ở từ loại hình đất nông nghiệp phân lô, người bán và mua thường giao dịch bằng giấy tay, gặp rất nhiều rủi ro sau này.
Ông Hoàng Văn Dung – Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, tại Đồng Nai có khoảng 100 hồ sơ tách thửa, con số này tương đương với những năm trước.
Vừa qua, ở Đồng Nai xuất hiện tình trạng cá nhân tự phân lô, bán nền, các giao dịch về đất ở được thực hiện bằng giấy viết tay sau đó lập vi bằng. Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai sẽ trực tiếp xuống địa phương thăm dò, nắm tình hình, tổng hợp số liệu cụ thể, sau đó sẽ có ý kiến với Sở Tư pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng lập vi bằng.
Theo: Gia Khang/ Trí thức trẻ