Sau khi bộ thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm bán phần cứng và phần mềm cho ZTE do hãng này cố tình bán trang thiết bị truyền thông cho Iran và Triều Tiên thì hôm nay, ZTE đã lên tiếng phản kháng. Hãng cho rằng lệnh cấm của Mỹ đối với sản phẩm của ZTE là “không chấp nhận được” và sẽ tiến đến các hành động pháp lý nếu cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty cũng như các cổ đông và người tiêu dùng.
Nhà sản xuất Trung Quốc cho biết kể từ tháng 4 năm 2016, hãng đã đầu tư không nhỏ nhằm đảm bảo các quy trình và tuẩn thủ luật xuất khẩu. Nhắc đến những “bài học” có được từ những “kinh nghiệm trong quá khứ”, ZTE cho biết hãng đã thành lập một hội đồng kiểm soát các quy chuẩn do giám đốc điều hành công ty đứng đầu. Kèm theo đó hãng cũng đã xây dựng một nhóm gồm các chuyên gia với quy mô hoạt động toàn cầu nhằm kiểm soát các quy trình xuất khẩu cũng như tìm thuê các bên cố vấn, tư vấn chuyên nghiệp . ZTE tiếp tục triển khai hệ thống thương mại toàn cầu SAP và đã tiến hành đào tạo về các tiêu chuẩn cho hơn 65000 nhân viên.
Thêm vào đó, ZTE cho biết hãng cũng đã làm việc với một quan chức độc lập được chính phủ Mỹ chỉ định để giám sát hoạt động thực thi các thỏa thuận giữa ZTE và Mỹ. Chỉ riêng trong năm ngoái, ZTE đã đầu tư hơn 50 triệu USD vào những nỗ lực kiểm soát các tiêu chuẩn trong xuất khẩu và hãng cũng đã lên kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này trong năm nay.
Mặc cho những nỗ lực này, Cục An ninh Công nghiệp Hoa Kỳ (BIS) hồi đầu tuần qua đã phát lệnh từ chối đặt hàng, cấm ZTE mua các linh kiện và phần mềm đến từ các nhà sản xuất Mỹ trong vòng 7 năm, kéo theo đó là lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng của ZTE vào Mỹ cũng trong thời hạn 7 năm. Nguyên do là ZTE bị cáo buộc đã đưa ra những thông báo sai lệch về việc đã bán trang thiết bị truyền thông dùng công nghệ của Mỹ cho Triều Tiên và Iran và thậm chí là thưởng cho những nhân viên liên quan đến hoạt động kinh doanh này bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đang áp dụng với 2 quốc gia vừa nêu.
ZTE đã lập tức phản hồi và nhắc đến những nỗ lực nhằm đảm bảo tuân thủ các luật xuất khẩu của Mỹ: “Thật không thể chấp nhận được khi BIS một mực muốn áp đặt lệnh trừng phạt nặng nhất lên ZTE, thậm chí là hoạt động điều tra vẫn chưa kết thúc (vụ việc đã được điều tra trong 5 năm) và bỏ qua những nỗ lực liên tục của ZTE cũng như những gìchúng tôi đã làm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của Mỹ.”
ZTE cho rằng bản thân công ty đã sớm nhận ra vấn đề và lập tức thông báo cũng như phạt những nhân viên chịu trách nhiệm về vấn đề này. Hãng cũng đã thuê một công ty luật của Mỹ để điều tra.
“Lệnh từ chối đặt hàng không chỉ tác động nặng nề đến sự sống còn và phát triển của ZTE mà nó còn gây tổn thất đối với tất cả các đối tác của ZTE bao gồm một số lượng lớn công ty của Mỹ,” ZTE nói thêm và hãng cũng sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại”.
Tuy nhiên, ZTE cho biết “nếu cần thiết, hãng sẽ khởi kiện để bảo vệ quyền hợp pháp và quyền lợi của công ty, nhân viên cũng như các cổ đông của hãng.” Đây cũng là biện pháp để ZTE thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với khách hàng, đối tác và các nhà cung cấp.