TỪ PHÍA TRIỀU TIÊN
Khu phi quân sự Liên Triều nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên160km. Sau 2 tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô trên cao tốc nối Bình Nhưỡng – Kaesong (còn được Triều Tiên gọi là Cao tốc Thống Nhất), tôi và nhóm du khách đã tới vọng gác của quân đội Triều Tiên phía ngoài DMZ, nơi du khách xuống xe để nghe giới thiệu về khu vực tham quan và tình hình biên giới. Đi qua vọng gác này là đã đặt chân vào địa phận của DMZ, cách Kaesong 8km về phía Nam.
Tòa nhà Đàm phán Đình chiến (Armistice Talks Hall) nằm trong khuôn viên xanh mướt của DMZ. Đây là nơi các cuộc đàm phán đình chiến diễn ra.
Du khách và quân nhân Triều Tiên trước cửa Tòa nhà Đàm phán Đình chiến (Armistice Talks Hall).
Bên cạnh Tòa nhà Đàm phán Đình chiến là nơi ký kết hiệp định đình chiến giữa các bên vào 27/3/1953, và cũng là nơi trưng bày các bức ảnh, tài liệu liên quan tới dấu mốc lịch sử này.
Người Triều Tiên chụp ảnh lưu niệm với bia đá phía trước tòa nhà ký kết hiệp định đình chiến. Trên bia đá khắc dòng chữ: “Tại đây, vào ngày 27/7/1953, đế quốc Mỹ đã phải quỳ gối trước nhân dân Chosun anh dũng để ký kết hiệp định đình chiến cho cuộc chiến mà họ đã khơi mào vào 25/6/1950”.
Bên trong tòa nhà ký kết hiệp định đình chiến là tranh ảnh, tài liệu.
Trên bàn ký kết hiệp định của phía Triều Tiên là bản gốc hiệp định bằng tiếng Triều Tiên và cờ của Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Trên bàn ký kết hiệp định của phía Hàn Quốc là bản gốc hiệp định bằng tiếng Anh và cờ của Liên Hợp Quốc. Theo giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, Mỹ muốn dùng cờ của mình nhưng Triều Tiên không công nhận và yêu cầu phải để cờ Liên Hợp Quốc thay thế.
Cách Tòa nhà Đàm phán Đình chiến khoảng 1km về phía Nam là Khu vực An ninh Chung (JSA), nơi duy nhất tại Khu phi quân sự Triều Tiên, các binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng mặt đối mặt. Từ phía Triều Tiên, chỉ cần bước vào khuôn viên khu vực này là sẽ gặp tấm biển đá lớn có chữ ký của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Bia đá này kỷ niệm những bút tích cuối cùng của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành khi ông ký một tài liệu có liên quan đến việc thống nhất 2 miền vào ngày 7/7/1994, cũng là lúc ông mất vì cơn đau tim.
Toàn cảnh khu vực an ninh chung JSA. Các tòa nhà nằm trên Giới Tuyến Quân sự (MDL) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tòa nhà Hội nghị (Conference House) là nơi du khách dù đến từ Triều Tiên hay Hàn Quốc cũng đều có thể tự do đi lại và thực sự đi qua biên giới hai miền. Phía cuối căn phòng là cánh cửa thông sang Hàn Quốc được 2 lính Triều Tiên canh giữ. Từ trong phòng cũng có thể nhìn ra bên ngoài: Phần đất nện thuộc Triều Tiên, phần rải sỏi thuộc Hàn Quốc.
Khoảng vài phút sau khi xe chạy ra khỏi JSA, nếu nhoài người khỏi cửa kính xe và quay đầu nhìn lại thì có thể thấy một tấm biển chỉ đường viết: “Seoul 70km”.
Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) nằm cách Seoul 70km và có thể tới thăm bằng cách đặt tour tại các công ty du lịch. Trước khi vào DMZ, du khách từ phía Hàn Quốc sẽ phải ký vào một tài liệu của Liên Hợp Quốc, trong đó nêu rõ: “Chuyến thăm Khu vực An ninh Chung tại Bàn Môn Điếm liên quan tới việc tiếp cận một khu vực thù địch và có thể có thương vong do hành động của đối phương” và “Mặc dù không thể lường trước những tai nạn nhưng Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc, Mỹ và Hàn Quốc không thể đảm bảo an toàn cho du khách và có thể sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp đối phương có hành động thù địch.
Thuộc địa phận thành phố Paju, Hàn Quốc, Imjingak là một trong những địa điểm du lịch về DMZ nổi tiếng nhất. Du khách tới đây sẽ không cần phải thông qua bất kỳ hình thức kiểm tra an ninh nào. Đây cũng là địa điểm xa nhất về phía Bắc mà người Hàn Quốc có thể tự do đi lại.
Hiện nay, từ Hàn Quốc, ngoài cách tới DMZ thông qua các công ty tour du lịch, du khách có thể chọn tàu hỏa tuyến Gyeongui tới ga Dorasan, ga gần Triều Tiên nhất.
Quang cảnh Imjingak và Cầu Tự do, nối Hàn Quốc với làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Cầu Tự do là một tuyến đường quan trọng trong chiến tranh Triều Tiên.
Tới thăm DMZ từ phía Hàn Quốc, du khách có thể tham quan Đường hầm số 3, một đường hầm Triều Tiên bí mật xây dựng dưới lòng DMZ được Seoul phát hiện vào tháng 10/1978. Nằm cách tiền đồn bảo vệ hành lang Musan dẫn đến Seoul chỉ 2km, Đường hầm số 3 được coi là đường hầm nguy hiểm nhất nếu Bình Nhưỡng sử dụng để tấn công Seoul.
Trên hàng rào kẽm gai là hàng triệu những chiếc ruy-băng ước nguyện nhiều màu sắc.
Trên những chiếc ruy-băng này là những thông điệp tràn đầy ước mơ, hy vọng về một tương lai thống nhất giữa hai miền.
Theo: Trí thức trẻ