Thực tiễn phát triển các đặc khu kinh tế của thế giới đã đặt ra vấn đề phải xây dựng mô hình phát triển mới với thể chế vượt trội, tạo động lực tăng trưởng cho đất nước. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu, đề xuất Trung ương lựa chọn Vân Đồn để xây dựng trở thành Đơn vị hành chính – kinh tế (HC-KT) đặc biệt. Cho đến nay, chặng đường này đã được tỉnh nỗ lực triển khai, chỉ chờ Quốc hội “bấm nút”.
Bức tranh sáng cho đặc khu tương lai
Vân Đồn đã và đang nhận được sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ban, ngành cũng như sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi nơi đây được Chính phủ đồng ý cho phép thành lập là một trong 3 đơn vị HC – KT đặc biệt của cả nước.
Phối cảnh sân bay Vân Đồn. |
Mục tiêu là xây dựng Khu HC – KT đặc biệt Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế. Mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến. Đồng thời, tạo động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng – an ninh, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Cụ thể, Đặc khu sẽ thu hút nguồn lực đầu tư quốc tế, đồng thời khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương và của quốc gia. Với các dự án đang xúc tiến đầu tư, đến năm 2030, Đặc khu Vân Đồn sẽ huy động được khoảng 12 tỷ USD. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 2.000 tỷ đồng (năm 2016) lên hơn 141.000 tỷ đồng năm 2030. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người từ 2.273 USD (năm 2016), lên 21.300 USD (năm 2030). Đến năm 2030, cơ cấu nền kinh tế của Đặc khu Vân Đồn cơ bản chuyển dịch sang du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 92%.
Bãi tắm Sơn Hào, xã Quan Lạn, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Đỗ Phương |
Bên cạnh đó, phương thức quản lý, điều hành của Nhà nước, đổi mới hành chính theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả… Nơi đây sẽ là thị trường quốc tế với quy mô lớn toàn cầu. Các chính sách ưu đãi, miễn, giảm không tác động lớn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, mà còn có tác động tạo ra số thu lớn hơn. Đồng thời, có tác động lan tỏa khu vực và cả nước.
Đặc biệt, sự phát triển của Đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ có tác động lan tỏa tích cực, mạnh mẽ đối với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước. Đầu tư, xây dựng và phát triển Đặc khu Vân Đồn rất cần sự liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế Bắc Bộ và các địa phương trong cả nước, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách của các tỉnh, thành phố.
Khởi động các dự án bước đệm cho Đặc khu
Đến Vân Đồn hôm nay, bức tranh của đặc khu đang dần được hình thành thể hiện qua các công trình trọng điểm đã được định hình. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, có quy mô đón được 2 triệu khách/năm (từ nay đến 2020) và đón 5 triệu khách/năm (năm 2030), với tổng số vốn lên tới gần 7.500 tỷ đồng. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2018. Không riêng gì dự án sân bay nghìn tỷ đồng này, bầu không khí khẩn trương và tấp nập bao phủ hầu khắp các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. “Cánh cung” cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được xem là huyết mạch giao thông quan trọng nhất đối với việc xây dựng và phát triển Đặc khu Vân Đồn trong tương lai. Đến thời điểm này, phần đường tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng đã thi công xong các hạng mục nền, móng đường và thoát nước, thảm bê tông nhựa phần mặt đường. Hiện đang triển khai lớp tạo nhám dự kiến hoàn thành trước 15/4/2018. Đối với cầu Bạch Đằng sẽ hợp long vào dịp 30/4, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2018.
Bản đồ quy hoạch đảo Cái Bầu – đảo chính của Đặc khu Vân Đồn trong tương lai gồm một quần thể khu vui chơi, giải trí đẳng cấp. |
Tiếp đến là dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Hai tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Hạ Long – Vân Đồn sẽ tạo kết nối giao thông trong trục tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, hình thành tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn (sân bay Vân Đồn), giảm tải lưu lượng cho QL18, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hà Nội đến Hạ Long và đặc khu Vân Đồn; tăng sức hấp dẫn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Một dự án trọng điểm khác đang được tỉnh Quảng Ninh gấp rút chuẩn bị các thủ tục đầu tư đó là đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 90km, với số vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đồng bộ, đoạn tuyến cao tốc qua Quảng Ninh sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Bắc Bộ, trực tiếp là các tỉnh mà tuyến cao tốc đi qua.
Chùa Cái Bầu, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Vân Đồn. Ảnh Hùng Sơn |
Không chỉ vậy, hiện nay nhiều dự án “khủng” đầu tư về du lịch chuẩn bị đổ vào Vân Đồn đã làm sôi động tỉnh Quảng Ninh. Có thể kể đến các dự án: Con đường di sản Vân Đồn; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay; Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino; Dự án du lịch lớn như Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas; Dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng; Dự án đầu tư khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu… Cùng với đó, hiện nay 2 tư vấn nước ngoài là Công ty Arcadis & Callison RTKL và Công ty TNHH PWC Việt Nam đang triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng Đơn vị HC – KT đặc biệt. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để thu hút các dự án đến đầu tư tại Vân Đồn.
Có thể thấy, nhiều năm nay Quảng Ninh đã bền bỉ chuẩn bị cho Đặc khu Vân Đồn về mọi mặt và đến nay cả chính quyền và người dân đều đã sẵn sàng tâm thế đón nhận thời cơ mới, vận hội mới. Điều mong đợi đó chính là 2 văn bản quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp vào tháng 5 tới đây. Đó là Nghị quyết thành lập Đơn vị HC – KT đặc biệt và Luật Đơn vị HC – KT đặc biệt.
Theo: Báo Quảng Ninh