Giá đất nhiều khu vực tăng không có quy luật, không theo sự phát triển của hạ tầng, làm méo mó thị trường BĐS. ĐTTC đã có hàng loạt bài viết phản ánh, cũng như trên báo điện tử (saigondautu.com.vn) lẫn diễn đàn: Sốt đất trên diện rộng. ĐTTC tiếp tục ghi nhận diễn biến giá đất những ngày đầu tháng 5 tại TPHCM và các vùng lân cận.
TPHCM: Nguy cơ xuất hiện cơn sốt đất mới
Trước dịp lễ 30-4, quận 9 là một trong những địa bàn xảy ra sốt đất nóng nhất TPHCM. Giá đất tại các phường Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Long Bình, Trường Thạnh… liên tục tăng mạnh, đã hấp dẫn các nhà đầu tư đổ xô về tìm kiếm cơ hội lướt sóng. Thời điểm này, đất nền dọc những tuyến đường như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Lã Xuân Oai… luôn trong tình trạng cháy hàng, BĐS mua đi bán lại nhanh như chớp.
Giao dịch tăng mạnh đột biến, đã khiến các văn phòng công chứng, phòng tiếp nhận xử lý hồ sơ hành chính trên địa bàn này rơi vào tình trạng quá tải. Tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 9, trong quý I đã có 8.759 hồ sơ liên quan đến thủ tục đăng bộ. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng hồ sơ giao dịch đảm bảo tăng từ 4.851 hồ sơ lên 5.452 hồ sơ, điều này lý giải vì sao số người đến nộp hồ sơ và nhận kết quả khá đông.
Tuy nhiên, theo ghi nhận mới nhất của ĐTTC, cơn sốt đất tại quận 9 đã bắt đầu lắng xuống gần 1 tuần trở lại đây. Nguyễn Xiển, tuyến đường vốn là đại bản doanh của nhiều công ty nhà đất, cò đất với mô hình “sàn giao dịch di động” nay bỗng nhiên vắng bóng, cảnh giao dịch mua bán đất đã bớt rộn ràng.
Quan sát một điểm giao dịch tại đây sáng 5-5, trong vòng 2 tiếng đồng hồ, tuyệt nhiên không có vị khách nào ghé vào. Ngồi chờ khách hàng tới giao dịch dưới cái nắng oi bức, bụi bặm, vẻ mặt của các tư vấn viên lộ rõ sự mệt mỏi, chán chường, số ít kiên nhẫn đảo mắt nhìn theo từng người qua lại, còn lại phần lớn họ ngủ gục trên đống hồ sơ, bản vẽ.
“Mới tuần trước, tụi em chạy sấp mặt tìm đất, chầu chực ở phòng công chứng làm thủ tục vì khách hối thúc. Đất hôm trước ký gửi, hôm sau chốt lời 200-300 triệu đồng, 1 lô đất sang tay 4-5 người. Nhưng nghỉ lễ xong tình giao dịch hạ nhiệt hẳn, thậm chí có ngày không có khách nào ghé” – một “cò” đất tên Q. nói. Cò đất này cho biết, cuối năm 2017 giá đất nền phân lô dọc trục đường Nguyễn Xiển vào khoảng 19-19,5 triệu đồng/m2, qua đợt sốt đất vừa rồi giá đất dần đẩy lên chạm ngưỡng 29-32 triệu đồng/m2.
Hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất tại huyện Đức Hòa, Long An. Ảnh: TR.GIANG
Thừa nhận giao dịch chững lại, nhưng theo cò Q. thị trường đất nền quận 9 sẽ diễn ra đợt sốt thứ 2 vào tháng 6. Cầm bản đồ phân lô trên tay, Q. lạc quan: “Nếu anh đầu tư nên xuống tiền ngay. Vào tháng 6 tới, khi Vincity được mở bán chính thức và xuất hiện công nhân bước vào cổng công trình, giá đất xung quanh đây sẽ tăng chênh lệch 10 giá, tức khoảng 39-40 triệu đồng/m2”.
Thế nhưng, theo một nhà đầu tư chuyên “săn” đất nền cho biết, tại khu vực như đường Hoàng Hữu Nam (quận 9), mặt tiền đường rao bán công khai giá 120 triệu đồng/m2, còn trong hẻm những khu đất lớn do các nhà đầu tư gom đất của dân, tự phân lô, mở đường, tách sổ… rồi bán 50 triệu đồng/m2 mỗi nền chỉ tầm 50m2. Khảo sát thực tế tại khu vực này mới thấy đây là mức giá quá cao so với địa bàn hẻo lánh của quận 9.
Ông Phạm Đăng Hồ, Phó phòng Phát triển nhà và Trung tâm BĐS (Sở Xây dựng), cho biết tình trạng sốt đất nền, đặc biệt là ở quận 2, quận 9, do dự báo về phát triển kinh tế Việt Nam và TPHCM năm 2018 tăng trưởng tốt. Kế đến là việc thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn quận 2, quận 9 như: nút giao Mỹ Thủy, nâng cấp các tuyến đường như Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Cư Trinh, dự án đường sắt đô thị…
Đặc biệt, TP có chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo ở khu Đông. Cùng với đó, từ vụ cháy ở một số chung cư, người dân chuyển hướng, có tâm lý muốn mua đất nền. Tuy nhiên, ông Hồ cũng thừa nhận có một số đối tượng còn tung tin đẩy giá, dẫn đến việc đổ xô mua đất nền, gây ra sốt giá đất. Ông Phạm Đăng Hồ cho biết Sở Xây dựng đã đề nghị công an xác minh, điều tra và đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý các đối tượng tung tin đồn thổi giá đất. Mặt khác, cần công khai minh bạch các dự án tiến độ đầu tư hạ tầng để người dân nắm bắt, tránh những thông tin sai lệch.
Long An: Môi giới nhà đất như nấm sau mưa
Dọc trục đường chính xuyên qua 2 xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chưa đến 1km nhưng có đến hàng chục văn phòng môi giới nhà đất lớn nhỏ. Thậm chí nhiều “văn phòng” ăn ké quán cà phê với tên gọi mỹ miều “Cà phê BĐS”.
Trên con đường sình lầy dẫn vào khu dân cư Ấp Mới 2, thuộc xã Mỹ Hạnh Nam là dự án Khu tái định cư và khu dân cư Xuyên Á, do CTCP Ngọc Phong làm chủ đầu tư đang được triển khai, cũng có hàng chục văn phòng môi giới nhà đất. Ghé vào một văn phòng tìm hiểu đất khu vực này, nhân viên ở đây cho biết giá đất 15-30 triệu đồng/m2, tùy vị trí. “Đất ở đây tăng giá theo từng ngày. Anh mua chậm sẽ khó, vì giá tăng và vị trí đẹp không còn nữa” – nhân viên này tư vấn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất Long An chỉ mới lên giá trong thời gian gần 1 năm nay. Trước kia chỉ cần 100 triệu đồng có thể mua được 1 nền đất gần 100m2 để xây nhà, nhưng hiện nay phải 300-400 triệu đồng, thậm chí đất dự án như Xuyên Á có lô lên đến gần 2-3 tỷ đồng nền đất hơn 100m2.
Anh Phong, một nhân viên môi giới cho biết, từ những thông tin nhiều dự án lớn sẽ được triển khai tại Cần Giuộc và Cần Đước, thời gian gần đây nhiều khách hàng từ TPHCM và các địa phương khác về đây mua đất làm náo loạn thị trường. Giá đất nông nghiệp tại những khu vực này đã bị đẩy lên 3-4 triệu đồng/m2. Trong khi đó, anh Mạnh, một cò đất có thâm niên khu vực này, cho biết thị trường đôi khi do các cò tự đẩy giá lên. Thí dụ anh A bán xong lô đất giá 3 triệu đồng/m2, nghe thông tin giá lên anh bỏ tiền ra mua lại giá 4 triệu đồng/m2… cứ thế mua bán lòng vòng đã đẩy giá tăng lên.
Trao đổi với ĐTTC, ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở TN-MT Long An, cho biết hiện tỉnh này đã rà soát, chỉ đạo chấn chỉnh và siết chặt lại việc mua bán chuyển nhượng trái quy định, nhất là đối với đất nông nghiệp. Vì vậy, cơn sốt đất đang bắt đầu hạ nhiệt. Lượng giao dịch nhìn chung đã giảm 50-70% so với thời điểm 3 tháng trước đây. Tuy nhiên, tại các điểm nóng như Đức Hòa, Cần Giuộc, hồ sơ làm thủ tục chuyển nhượng, mua bán theo báo cáo vẫn còn cao, chẳng hạn tại Đức Hòa, mỗi ngày tiếp nhận đến 250-300 hồ sơ sơ.
Biên Hòa, Đồng Nai: Chuyển nghề làm cò đất
Giá BĐS tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) liên tục tăng. Tin tức về giá đất, nhà đang được bàn tán sôi nổi khắp nơi, thông tin bán nhà, bán đất được treo dày đặc trên các cột điện, bờ tường. Theo Nguyễn Hữu Thanh, một cò đất ở phường Bửu Long, BĐS ở khu vực này được sang tay nhanh chóng mặt. Tại khu dân cư Bửu Long, anh vừa nhận bán gấp 1 mảnh đất cho khách hàng với giá 1,5 tỷ đồng, chỉ 1 ngày sau đã có người mua với giá 1,6 tỷ đồng, nhờ đó ngoài hưởng hoa hồng 5%, anh còn được hưởng thêm phần chênh lệch 100 triệu đồng.
Có trường hợp, buổi sáng đặt cọc 1 căn nhà mặt tiền đường Huỳnh Văn Nghệ với giá 3,5 tỷ đồng, ngay trong buổi chiều đã sang tay với giá 4,2 tỷ đồng. Tương tự, ở các xã Hiệp Hòa, Phước Tân, Tam Phước, hiện tại mức giá BĐS đã tăng từ 40-100% so với đầu năm ngoái.
Cơn sốt đất ở khu vực Biên Hòa đã khiến nhiều người chuyển nghề sinh sống. Bà Thanh Lộc ngụ phường Tân Hiệp cho biết, trước đây mở quán cà phê nhỏ ở xã Tam Phước nhưng buôn bán không ổn định, thấy các cò đất ăn nên làm ra, bà bỏ bán cà phê, làm môi giới đất nền ở khu vực Phước Tân, Tam Phước.
Đây là khu vực lân cận dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, từ khi làm cò đất có tháng bà lời cả trăm triệu đồng. Bà Lộc cho biết khu vực này cũng có nhiều người chạy xe ôm, làm tóc, bán hàng đã bỏ nghề cũ để làm cò đất. Hiện giá đất nông nghiệp nơi đây có sổ đỏ, phân lô bán nền diện tích 5x20m khoảng 350 triệu đồng, trong khi giá đất giá đất có sổ hồng lên đến 750 triệu đồng/nền, nhiều người đã đầu tư một số nền đất nông nghiệp đợi giá lên để bán lại.
Hiện các thông tin như TP Biên Hòa đang có kế hoạch điều chỉnh đường nối từ khu ngã năm Vườn Mít đến cầu An Hảo, dự án xây dựng siêu thị Nhật Bản Aeon Mall trên khu đất của Nhà máy giấy Tân Mai cũ, đường nối cầu Bửu Hòa với Quốc lộ 1K… cũng đang đẩy giá đất khu vực phường Thống Nhất, phường Bửu Hòa, phường Tân Vạn, xã Hóa An… tăng vùn vụt. Giá đất thổ cư từ vài triệu lên mức 10-14 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp được rao bán liên tục với giá 40-50 tỷ đồng/ha. Tại dự án đất nền Hóa An, cạnh Công ty Da giày Pouchen, cò đất đang lập chốt dựng biển rao bán đất với giá 1,2 tỷ đồng/nền.