húng tôi không đi đâu cả. Tiền đền bù 1 tỷ, 2 tỷ, hay 3 tỷ tiêu rồi cũng hết. Con cái sau này nữa, chúng sẽ ở đâu và làm gì để sống?” – những người dân vùng ven biển trong phạm vi dự án của FLC, trả lời tôi như vậy.
Bà Chấn ngồi trong nhà để xe, ngó ra phía Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) trong một chiều cuối tháng Tư. “Bà có nghe thông tin gì về dự án du lịch của FLC triển khai ở đây không?” – tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi. Bà gật đầu xác nhận. Nhưng chỉ nghe phong thanh.
Bà Yến có quê nội ở đảo Lý Sơn, nơi mà FLC cũng đưa vào kế hoạch triển khai Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn. “Nghe nói là phải bị giải tỏa cho dự án ấy. Chúng tôi không đi đâu, ở đây đang sống rất ổn mà” – bà Chấn nói. Dân vùng này sống bằng nghề biển gần bờ và làm nông.
Cuối tháng Tư đầu tháng Năm, những rẫy hành của người dân Thanh Thủy lên xanh mơn mởn. Chiều quá nửa, mẹ con bà Nguyễn Thị Hồng lụi cụi tưới nước rẫy hành vừa trồng được 2 ngày. “Lẽ ra vụ này là vụ thứ hai trong năm. Nhưng sau tết, nhà có việc nên bây giờ mới làm vụ đầu” – bà Hồng bày tỏ.
Bà Hồng có 5.000m2 đất, theo cách quy đổi của người dân địa phương là 1 sào tương ứng với 500 m2. Với 1 sào đất ở đây, một năm họ trồng từ 2-3 lứa hành. Một lứa kéo dài trên dưới 50 ngày.
Từ tháng 8 đến tháng 10, là mùa gió bấc, họ trồng ngò vì lúc ấy, điều kiện khí hậu này rất có hại cho cây hành. Họ xen thêm vụ đậu để cải tạo đất. Với quy trình trồng trọt như thế, trung bình mỗi năm 1 sào đất họ sẽ thu được khoảng 100 triệu đồng. “Nói 100 triệu đồng là ít đó, là trừ hao lúc mùa không đạt, chứ phần lớn là hơn 100 triệu” – bà Hồng lưu ý tôi.
Tôi gọi là “sào đất 100 triệu”. Sào đất 100 triệu ấy, trong kế hoạch của Tập đoàn FLC, những rẫy hành sẽ biến mất và thay vào đó là sân golf. Trước Tập đoàn FLC, những sào đất 100 triệu ở đây cũng được một doanh nghiệp khác xin đầu tư làm sân golf. Ai cũng biết, sào đất 100 triệu để làm rẫy là của nông dân. Còn sân golf trên những sào đất 100 triệu ấy, chắc chắn sẽ là của những người nhiều tiền.
Bà Hồng tưới nước hành
Những người nhiều tiền tìm đến sân golf để vui vẻ. Còn người nông dân, với sào đất 100 triệu là nơi bấu víu cho công cuộc mưu sinh đời mình. Không có sân golf ở Thanh Thủy, họ còn khá nhiều lựa chọn khác đối với môn thể thao này ở những khu nghỉ dưỡng sang trọng. Nhưng với nông dân thì không, nếu phải rời đi, gần như không có đất để tiếp tục với công việc đời mình.
“Đó là chưa nói, nếu có đất, thì chắc gì đất ở nơi mới tươi tốt, phù hợp với làm rẫy như nơi này” – ông Nghĩa, một nông dân có gần 8 sào đất lo lắng. Ông cũng trồng hành, trồng ngò, trồng đậu như bà Hồng và tất nhiên, số tiền kiếm được mỗi năm trên 1 sào đất của ông cũng tương đương. Ở Thanh Thủy, còn rất nhiều nông dân khác như thế nữa.
Những bà Chấn, bà Hồng, ông Nghĩa hay phần lớn người dân ở đây, có lẽ không biết gì về 12 công văn hỏa tốc mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã sốt sắng làm ra trong vòng 45 ngày liên quan đến dự án của Tập đoàn FLC.
Khi tôi đến tìm hiểu đời sống của họ ở đây, thông qua những câu hỏi ngược lại tôi, họ mới biết rằng dự án này, ở giai đoạn 1, kéo dài ba xã ven biển là Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa của huyện Bình Sơn.
Trong số 12 công văn hỏa tốc, thì công văn ngày 18/4 là gây nhiều mối quan ngại nhất khi “yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc”, di dời đồn biên phòng, mỗi 8km mở 1 lối đi xuống biển… Đồng thời, để “phục vụ” FLC, tỉnh Quảng Ngãi còn đề xuất cho doanh nghiệp này ứng 500 tỷ đồng để khẩn trương bồi thường giải phóng mặt bằng cho kịp khởi công vào ngày 19/5.
Ngư dân bám biển không đơn thuần là câu chuyện mưu sinh, mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chưa nói đến bài học mà tỉnh Quảng Bình cho FLC ứng gần 200 tỷ để giải phóng mặt bằng, sau bao nhiêu năm mới trả được 70 tỷ rồi… im luôn và câu hỏi liệu điều ấy có lặp lại đối với Quảng Ngãi. Thì nỗi lo về an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh chủ quyền biển đảo, thì có lẽ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nên cân nhắc lại, bởi trước mắt, là hại nhiều hơn lợi.
Vùng ven biển này, cùng với ngư dân Lý Sơn, bao đời nay vẫn bám biển Trường Sa – Hoàng Sa để mưu sinh, cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mà phải di dời nhường đất cho dự án, hay “mỗi 8km mở 1 lối đi xuống biển” thì chẳng khác gì làm khó ngư dân.
Với “mỗi 8km mở 1 lối xuống biển” chẳng khác gì làm khó ngư dân.
Khuya 23/4, 6 ngư dân xã Bình Châu trên tàu cá QNg 90332 trở về trong lúc tinh thần chưa hết hoảng loạn. Bởi trước đó, vào sáng 20/4, họ bị tàu “lạ” đâm chìm ở Hoàng Sa.
Theo lời ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cả xã này có trên 100 tàu cá thường xuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và từ tháng 3/2018 đến nay, có trên 10 tàu cá của ngư dân bị tấn công làm hư hại tài sản ở Hoàng Sa.
Buổi chiều, đi dọc biển thôn An Cường (xã Bình Hải) mát rười rượi. Rẽ phải vào, gặp bà Tư đang ngồi trên thành lan can nhà mình. Cà kê dăm ba điều, tôi hỏi câu đã hỏi những người trước: “Cô có đồng ý đi để nhường đất cho dự án không?”. Rất nhanh, bà Tư lắc đầu: “Không đi là không đi”. Bà Tư còn nói, nghe thông tin về dự án, người thôn An Cường đều nhất quyết nói không đi.
“Sao lại không, cô chê tiền đền bù ít à?” – tôi hỏi thêm. Bà Tư không trả lời thẳng, vì chính bà cũng đâu có biết sẽ được đền bù bao nhiêu đâu mà nhiều hay ít. “Nhưng nhà tui làm biển, giờ chuyển đi nơi khác, thì biết sống bằng nghề gì?” – bà Tư giải thích. Tôi lại hỏi thêm: “Vậy dân mình ở đây đi biển được lắm hả cô?”. Bà Tư nói cũng không giàu có gì, nhưng đủ để sống một cuộc sống yên bình.
Bình yên làng chài An Cường
Tôi tiếp tục… cà khịa: “Vậy nếu họ đền bù nhiều tiền, cô có chịu đi không?”. Bà Tư vẫn lắc đầu: “Tiền có nhiều mấy, có bao nhiêu tỷ rồi cũng tiêu hết. Nếu bị di dời, với tiền đền bù, cùng lắm là kiếm được chỗ ở mới. Nhưng ở nơi đó, làm gì để sống. Chẳng lẽ ngồi ăn hết số tiền ấy, vậy thì còn lại gì cho con cháu sau này?” – bà Tư kiểu giãi bày, kiểu muốn hỏi ngược lại.
Những người dân vùng ven biển Quảng Ngãi mà tôi gặp và nói chuyện, họ rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Có thể không giúp họ giàu, nhưng giúp họ sống bình yên mà quan trọng nhất, vẫn là làm chủ cuộc đời mình. “Chứ bây giờ đi, rồi sau này quay trở lại làm thuê, làm mướn à?” – tôi nhớ lại lời bà Chấn hôm ở Gành Yến.
Và, phần lớn họ không nghĩ nhiều về được – mất cho mình, mà là cho thế hệ con cháu. Họ sợ nếu phải di dời, trước sau gì con cháu cũng sẽ bước vào công cuộc gian nan tìm mảnh đất cắm dùi! Đó chính là nỗi lo mang dáng hình con cháu của những người hiện tại.
Để cán cân được – mất không mất thăng bằng, cách tốt nhất là hãy về với dân, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, cùng giải những bài toán với họ, chứ không phải sử dụng những công văn hỏa tốc gửi thẳng vào… nỗi bức xúc của người dân.
Người dân làng chài với những công việc ven biển
Sau những công văn hỏa tốc của Chủ tịch Trần Ngọc Căng, Bí thư tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã khẳng định: “Phát triển du lịch dịch vụ là ưu tiên. Là con gà đẻ trứng vàng. Tỉnh có những tiềm năng danh lam thắng cảnh là tài sản quý. Phải thu hút đầu tư phát triển”.
Ông Chữ nói đúng. Nhưng ưu tiên không có nghĩa là phát triển bằng mọi giá. Chính ông Chữ cũng thừa nhận: “Một dự án ra đời phải giải quyết hài hòa ba yếu tố, lợi ích của người dân, lợi ích của nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư. Khi tiến hành dự án phải thu thập ý kiến của người dân, nhất là người dân trong vùng dự án”.
Hãy chờ chính quyền sẽ hỏi dân thế nào và dân trả lời ra sao? Nếu dự án không giải quyết được bài toán lợi ích cho dân như cam kết của các lãnh đạo Quảng Ngãi, thì câu trả lời của dân thế nào, chắc ai cũng biết.