Dư luận gần đây khá quan tâm đến vấn đề đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐT Thủ Thiêm), Q.2, TP.HCM. Từ phản ánh của bạn đọc, nhóm PV Báo Người Tiêu Dùng trực tiếp đi tìm sự thật về một thương vụ tưởng chừng đã bị “lãng quên” từ cách đây gần 5 năm. Vào tháng 11/2013, UBND TP.HCM đã chỉ định ký với Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh thực hiện xây dựng 4 tuyến đường nội đô KĐT Thủ Thiêm. Điểm kỳ lạ theo giá trị hợp đồng này, TP.HCM đã “ưu ái” giao thực hiện 11,9 km đường với tổng chi phí đầu tư lên đến trên 12.182 tỷ đồng. Tính ra, mỗi km đường đầu tư bình quân với giá trên 1.000 tỷ đồng. Điều bí ẩn gì đang che giấu sau phi vụ “khủng khiếp”, ai là người đã vung tay ký bản hợp đồng siêu lớn này, lợi ích thực sự đang chảy vào “túi” Nhà nước hay tư nhân?
Những cung đường phục vụ lợi ích của ai ?
Trở lại KĐT Thủ Thiêm ngày đầu tháng 5/2018, nhóm PV Báo NTD tiếp cận nhiều nguồn tư liệu xác định rõ Ủy ban Nhân dân TP.HCM (gọi tắt là UBND TP.HCM) và CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (gọi tắt là Đại Quang Minh) đã từng ký hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao 4 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm) số 698/HĐ-UBND ngày 12/11/2013. Theo nguồn tin từ UBND TP.HCM cho biết, Công ty Đại Quang Minh lúc đó đã vinh dự được chỉ định làm chủ đầu tư toàn bộ dự án 4 tuyến đường này, với tổng mức đầu tư trên 12.182 tỷ đồng. Nếu trừ chi phí dự phòng do trượt giá và chi phí lãi vay, tổng vốn đầu tư 4 tuyến đường này trên 8.265 tỷ đồng. Đổi lại, UBND TP.HCM sẽ cấp cho Công ty Đại Quang Minh phần đất khổng lồ thuộc KĐT Thủ Thiêm với diện tích lên đến 789.866,6 m2 (gần 79 ha), thuộc P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông, Q.2, TP.HCM.
Theo các số liệu thống kê cho thấy, tổng chiều dài 4 tuyến đường được đầu tư là 11,9 km, chiều rộng cắt ngang từ 11,6m đến 55 m. Dự án này bao gồm 10 cầu, tổng chiều dài khoảng 1,8 km. Thời gian tối đa để hoàn thiện dự án này là 36 tháng, kể từ ngày khởi công (theo thông tin trên báo chí cho biết thời điểm khởi công vào cuối năm 2013).
Các tuyến đường này đặt ký hiệu R1 (Đại lộ Vòng Cung), R2 (Đường Ven hồ trung tâm), R3 (Đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông – khu dân cư). Các đường được hoạch định là 4 tuyến huyết mạch, thúc đẩy sự phát triển và thu hút đầu tư cho KĐT Thủ Thiêm. Như vậy, có thể nói TP.HCM “ưu ái” cấp đất cho Công ty Đại Quang Minh là nhằm phục vụ cho lợi ích chung của khu đô thị này.
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của PV Báo NTD, đến thời điểm hôm nay, tức sau 5 năm kể từ thời điểm triển khai khởi công (năm 2013), nhiều hạng mục của dự án làm 4 tuyến đường “siêu mắc” này vẫn còn ngổn ngang đất, đá. Một số đoạn vẫn rào chắn, chưa thể đưa vào sử dụng. Đáng nói, thực tế tiến độ thi công 4 tuyến đường cho thấy, toàn bộ các đoạn đường hoàn chỉnh đều nằm gọn, hoặc phục vụ trực tiếp cho Khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh.
4 con đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa hoàn công. Ảnh: Hiếu CT |
Lẽ ra, theo nguyên tắc hạ tầng đường sá phải hoàn thiện trước khi hình thành dự án nhà ở, căn hộ. Thế nhưng, tiến độ làm đường đường diễn ra quá chậm, tỷ lệ nghịch với tốc độ xây dựng các dãy nhà phố, chung cư, biệt thự của Dự án Sala. Thậm chí, nhiều tài sản đất thuộc khu Sala đã được bán và bàn giao cho khách hàng với mức giá vài chục tỷ đồng/căn biệt thự, còn căn hộ từ 4 đến 15 tỷ đồng/căn, giá trị đất của khu Sala hiện tại cũng đã dao động đến mức trên 200 triệu đồng/m2.
Theo một nguồn tin từ UBND TP.HCM cho biết, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, cho đến nay, dự án xây dựng 4 tuyến đường này đang quá chậm trễ. Sự chậm trễ này cũng phá vỡ hoàn toàn mục tiêu xây dựng tuyến đường đã được định trước, dân thì không có đường đầy đủ để đi, quy hoạch tổng thể của KĐT Thủ Thiêm cũng còn ngổn ngang, manh mún.
Vén màn “khuất tất” sau thương vụ “khủng”
Theo nhiều chuyên gia về xây dựng công trình giao thông đường bộ cho biết mức giá trên 12.000 tỷ đồng để đầu tư cho 11,9 km (tức trên 1.000 tỷ đồng/km) đường bộ là con số quá bất hợp lý. Kể cả việc giải thích nền đất ở Thủ Thiêm yếu, buộc phải đầu tư công phu hơn để đảm bảo chất lượng thì đó cũng là cái giá “trên trời”. Một lãnh đạo Công ty chuyên đầu tư xây dựng cầu đường thuộc Bộ Giao thông Giao thông Vận tải khẳng định đường nội thị mà lãnh đạo TP.HCM ký đầu tư đến mức 1.000 tỷ đồng/km chẳng khác nào là “đường dát vàng”, vì nếu đầu tư xây dựng đường cao tốc siêu trường, siêu trọng 4 làn đường (20m ngang) thì cũng chỉ cần đầu tư tối đa không quá 200 tỷ đồng/km, nếu 8 làn đường (40m ngang) đường nội thị trong thành phố thì chắc chắn chi phí đầu tư phải thấp hơn 400 tỷ đồng/km (không bao gồm chi phí bồi thường).
Như vậy, từ bản Hợp đồng “siêu đặc biệt” do UBND TP.HCM ký mang tính chỉ định cho Đại Quang Minh, con số đầu tư đường trong Thủ Thiêm khiến dư luận thực sự “choáng ngợp”. Và Công ty Đại Quang Minh khi đầu tư 4 tuyến đường này sẽ không được TP.HCM trả tiền, mà được trả bằng tài sản lên đến gần 79 ha “đất kim cương” tại KĐT Thủ Thiêm. Tính quy đổi tương đương thì Đại Quang Minh mua “đất kim cương” KĐT Thủ Thiêm với giá chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu sơ khởi ban đầu của PV, hiện đất tại khu Sala – Đại Quang Minh có giá dao động từ 200 triệu/m2 đến 350 triệu/m2. Nếu tính trên mức giá đất vào đầu tháng 5/2018 mới đây, cũng chính UBND TP.HCM đã xác định giá bán đấu giá công khai khởi điểm 9 khu đất vàng ở Thủ Thiêm rộng 7,8 ha lên đến 27.000 tỷ đồng, tức trên 346 triệu đồng/m2.
Từ những vấn đề nêu trên, rõ ràng hợp đồng đầu tư xây dựng 4 tuyến đường nội đô của KĐT Thủ Thiêm chẳng khác nào phần bánh “đặc biệt ngon” được lãnh đạo UBND TP.HCM “ưu ái” giao chỉ định cho chủ đầu tư Đại Quang Minh. Sự “khuất tất” nằm ở chính việc “đổi đất lấy hạ tầng” vô hình trung đã giúp Công ty Đại Quang Minh thu lợi “3 trong 1”: vừa được mua 79 ha đất với giá rẻ, được chỉ định thầu xây 4 tuyến đường và được Nhà nước trả tiền đầu tư đường nâng giá trị khu đất gấp nhiều lần (thay vì doanh nghiệp phải tự bỏ tiền làm đường phục vụ dự án).
|
Dưới góc độ khác, không hiểu vì lý do gì UBND TP.HCM đã bán đất Thủ Thiêm với một mức giá quá rẻ cho Công ty Đại Quang Minh, để bây giờ, công ty này thu lợi siêu khủng khiếp gần 79 ha “đất kim cương” tại KĐT Thủ Thiêm.
Dư luận đặt ra câu hỏi là có hay không sự thiệt hại và dấu hiệu trục lợi trong việc trực tiếp ký hợp đồng xây dựng 4 tuyến đường trị giá trên 12.000 tỷ đồng này ? Nhà nước và tư nhân (cụ thể là Công ty Đại Quang Minh) – ai là đối tượng được hưởng lợi từ bản hợp đồng “siêu lớn” này?
Điều đáng lưu ý, theo tìm hiểu của PV, người ký kết Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao dự án xây dựng 04 tuyến đường này năm 2013 chỉ là một Ủy viên UBND TP.HCM, cấp vụ Giám đốc Sở. Hợp đồng kinh tế cũng đóng dấu MẬT, trong khi hợp đồng này lại gửi đến rất nhiều các Sở, Ban, Ngành tại TP.HCM.
Ngoài ra, nhiều người đặt câu hỏi tại sao UBND TP.HCM không giao cho Ban Quản lý Khu Đô thị Mới Thủ Thiêm hoặc các cơ quan có thẩm quyền ký kết Hợp đồng này mà lại giao cho một Ủy viên UBND TP.HCM trực tiếp ký hợp đồng kinh tế bằng con dấu quốc huy ? Khu đất diện tích khổng lồ gần 79 ha cấp cho Công ty Đại Quang Minh như vậy có đúng với quy định pháp luật hay không, sao không tiến hành đấu giá đất công khai minh bạch ?
Vấn đề quan trọng nhất, ai là người đại diện UBND TP.HCM ký kết “siêu hợp đồng” này với ông Trần Đăng Khoa (tên gọi khác là Khoa Khàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Quang Minh)? Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ một số “khuất tất” trong phi vụ hàng chục ngàn tỷ đồng này trong các bài viết tiếp theo.
Theo: Võ Nguyễn – Vũ Sơn – Gia Bảo/ Báo Người tiêu dùng