4 hộ dân bị buộc di dời kể lại những biến cố xảy ra với gia đình mình từ những ngày đầu của dự án Thủ Thiêm. Tất cả đều cho rằng: Đất nhà mình không nằm trong ranh quy hoạch.
Sống ngay cạnh bên những tòa nhà cao tầng, nép sâu sau hàng loạt ngõ ngách, lọt thỏm giữa các khu trung tâm thương mại sừng sững, những người dân này đã gắn với Dự án xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm ngay từ ngày đầu tiên.
Thủ Thiêm thay da đổi thịt, nhưng các cư dân ở đây lâu đời lại đang sống giữa những bức tường xi măng trống; gạch, đá, bê tông nằm từng đống, hoang tàn, đầy bụi.
Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng những hộ dân này đều gặp nhau ở những gì họ cảm nhận về những đổi thay của Dự án Thủ Thiêm đã mang lại.
Bà Nguyễn Thị Nhung, cùng gia đình dọn về khu tạm cư phường An Lợi Đông sinh sống từ năm 2010, đúc kết: “Thành phố phát triển thì đáng lẽ phải vui. Nhưng vui gì được khi mình bị đẩy vào tình cảnh mất nhà, sống tạm bợ như thế này. Ai vui, chứ tôi không hề thấy vui”.
Không chấp nhận cưỡng chế. Không chấp nhận giá đền bù bị cho là “rẻ mạt”. Tài sản đáng giá nhất của những cư dân Thủ Thiêm từ nhiều năm nay là chồng giấy tờ, hồ sơ đất đai, đơn khởi kiện.
Vốn học hành dở dang và ít kiến thức pháp luật, có những cư dân tuổi ngoài 60, 70 cũng đã phải tự mày mò, nghiên cứu đủ thứ giấy tờ, văn bản. Họ ngồi phân tích văn bản này quy định nọ rõ ràng, rành mạch.
4 hộ dân bị buộc di dời đã kể với Zing.vn từng câu chuyện của riêng gia đình mình với những biến cố theo thời gian. Tất cả đều cho rằng: Đất nhà mình không nằm trong ranh quy hoạch.
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Kim Phượng (58 tuổi), khu phố 1, phường Bình An, quận 2:
Năm 2002, tôi nhận được lệnh cưỡng chế lần thứ nhất với lý do nhà nằm trong quy hoạch xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Sau đó tôi còn nhận được 2 lệnh cưỡng chế nữa nhưng nhất quyết không đi.
Thời điểm đó (năm 1998), tôi có thấy bản đồ nhưng có biết gì đâu. Tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là bằng mọi giá mình phải bám đất giữ chủ quyền, vì đất nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch.
Sau 3 lần cưỡng chế, ngày 31/7/2012 là “ngày kinh hoàng” nhất trong cuộc đời của tôi. Người ta kéo một đội đến để đập phá nhà, dùng xe ủi san bằng hết cả, dù tôi cố ngăn cản.
Khi đó, tôi chỉ nghĩ muốn lấy đất phải có quyết định thu hồi, muốn cưỡng chế phải có quyết định của tòa án. Tôi chỉ kịp mang theo giấy tờ tùy thân, sổ nhà đất.
Mãi sau này, khi con trai lớn đám cưới, nó bảo tôi tìm cho mấy tấm ảnh lúc nhỏ để in ra, tôi cũng không biết tìm đâu, chỉ biết khóc với con.
Tối hôm đó gia đình chúng tôi chính thức thành người vô gia cư. 4 người chia ra 4 nơi để xin ở cho dễ. Chồng vào công ty, 2 đứa con thì một đứa về nội, một đứa về ngoại ở tạm. Còn tôi kiên quyết không chịu đi.
Cả cuộc đời vợ chồng, con cái chỉ có một cái nhà. Mà không phải chỉ là cái nhà không đâu. Ở đó là kỷ niệm, là linh hồn của 4 con người. Đập nhà vô lý làm sao tôi có thể chấp nhận.
Sau “cú sốc” đó, tôi đi lang thang khắp các nhà sách để tìm đọc luật Xây dựng, các văn bản liên quan về quản lý thu hồi đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Không có điều kiện mua, tôi cứ nán lại đọc từ sáng đến chiều. Chiều về lại ghé đến nhà những người dân cùng hoàn cảnh như mình để tìm hiểu sâu hơn.
Tôi mua báo để đọc, cứ có bài nào liên quan đến Thủ Thiêm là cắt lại. Đọc được thông tin gì hay, có lợi cho mình và dân, tôi ghi chép vào giấy.
Cứ vậy, đến năm 2013, từ một người chỉ học đến lớp 9, tôi bắt đầu “rành” về bản đồ. Mấy hôm nay, nghe thông tin về bản đồ 1/5.000 năm 1996, tôi cũng có một bản được sao chép từ Cục Lưu trữ Nhà nước. Đi đâu tôi cũng vác cái ba lô đựng đầy giấy tờ bên mình. Đó là tất cả những văn bản pháp lý, quy định pháp luật, kể cả những bản đồ được sao chép. Mang theo để ai muốn tìm hiểu thì lại nói cho họ nghe, cung cấp tài liệu.
Hiện tôi vẫn sống trên nền đất cũ, sau khi nhà bị đập bỏ thì dựng lán lên ở. Năm 2016 chồng mất vì ung thư, tôi mới nhờ người phụ che tôn bốn phía để có nơi thờ tự.
6 năm trôi qua là từng ấy thời gian tôi mày mò, tìm hiểu. Hết ở Sài Gòn lại ra Hà Nội. Tôi đã cùng mấy trăm hộ dân từ ngày bắt đầu cho đến hôm nay là còn khoảng 100 hộ, tất cả đều mong muốn mọi việc được sáng tỏ. Đất nào thu không đúng thì phải trả lại cho chúng tôi.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/5, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM cho hay về bản đồ quy hoạch 1/5.000 năm 1996, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các sở ngành rà soát lại và hỏi các bộ ngành trung ương nhưng đến nay không có lưu trữ bản đồ này. Tài liệu hồ sơ của dự án lưu tại Sở Quy hoạch – Kiến trúc thì không kèm theo bản đồ.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho hay bản đồ khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện chưa tìm thấy chứ không phải không có. “Tiếc là từ đó tới nay đã 20 năm, công tác lưu trữ không tìm thấy bản gốc. Nghe nói hình như đã tìm thấy một bản sao chứ chưa tìm thấy bản gốc. Quyết định 367 kèm theo bản đồ đó là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được”, ông Hoan khẳng định.
Mới đây, TP đã giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến việc cung cấp bản đồ phê duyệt quy hoạch của dự án Thủ Thiêm và xác định ranh quy hoạch tại khu đất 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 có nằm trong ranh hay không.
Câu chuyện của anh Nguyễn Huy Hoàng (40 tuổi), khu phố 1, phường Bình An, quận 2:
Vợ chồng tôi hay gọi Trí, đứa con 6 tuổi của mình là “chứng nhân lịch sử” vì 3 lần căn nhà của gia đình bị cưỡng chế cũng là 3 lần con nhập viện trong tình trạng nguy cấp.
Cuối tháng 9/2014, Trí 2 tuổi, tôi nhận được thông báo về thời gian cưỡng chế thu hồi đất trong dự án Thủ Thiêm tại phường Bình An, thời gian là ngày 2/10. Đúng đêm 1/10, thằng bé nhập viện trong cơn sốt mê man, co giật. Bác sĩ thông báo điện não đồ có vấn đề.
Trước đó, chúng tôi cũng nhận thấy con thường xuyên la hét, khóc lóc, cứng gồng, co giật dữ dội toàn thân trong giấc ngủ. Vừa chạy đôn đáo trong bệnh viện, vừa lo chuyện nhà cửa, hai vợ chồng như phát điên. Phần vì lo lắng và thương con, phần vì quẫn bách trước việc nơi che nắng, trú mưa của gia đình sắp sửa bị cưỡng chế.
Để vợ con ở lại bệnh viện, tôi một mình về nhà lo giữ đất. Tôi biết nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch, nên không một ai có thể bắt chúng tôi di dời nếu như sự đền bù không thỏa đáng.
Vài tháng sau, năm 2015, hai vợ chồng 2 lần nhận được giấy thông báo cưỡng chế, Trí lại 2 lần nhập viện với lý do tương tự. Lần này, bác sĩ phát hiện con có sóng thần kinh bất thường, phải chữa trị tâm thần nhi, uống thuốc chống động kinh tới năm 10 tuổi. 2 lần đó, vợ chồng cũng phải chia nhau ra người trông con, người canh đất.
Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng do 2 vợ chồng gầy dựng sau vài năm lấy nhau, là nơi che chở, kỷ niệm và cũng là tài sản duy nhất đáng giá của chúng tôi. Tôi sao nỡ để vợ con có cuộc sống bấp bênh, đi thuê trọ hay ở trong những căn hộ nợ tới bạc tỷ?
Từ sau những lần khiếu nại để giữ đất, tuy được ở lại căn nhà của mình, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi lại khó khăn theo cách khác, chỉ tóm gọn trong 3 từ: Tối tăm, xa rời văn minh, hôi thối.
Chiếc đèn cao áp trước cửa nhà đã bị cắt điện từ lâu dù vẫn có người ở, cột đèn vẫn đứng đó. Cộng với những bãi lau sậy, cây cối um tùm, đường đi về của 2 vợ chồng tối om, mù mịt.
Chỉ cách quận 1 có một cây cầu, đứng từ nhà chúng tôi nhìn rõ những căn nhà cao tầng sáng loáng đang xây dựng, nhưng căn hộ hai vợ chồng không được lắp internet. Đường dây đã kéo tới tận cửa, nhưng không ai dám tới nối mạng.
Những thùng rác quanh nhà đã bị thu đi từ lâu. Nhiều kho bãi xung quanh cứ nhè gần cửa nhà mà đổ rác thải. Ngày nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, nước từ rác thải ra chảy vương vãi, ruồi nhặng bu khắp nơi, xông thẳng vào cửa nhà. Ngày mưa, rác thải bị cuốn trôi ra đầy đường, nước mưa hòa với nước rác chảy ngập ngụa khắp nơi.
Dù vậy, gia đình tôi chấp nhận ở lại đây mặc điều kiện sinh hoạt rất thấp. Đây là nhà mình, mình có hộ khẩu giấy tờ đàng hoàng. Không phải cứ bị ép uổng là bỏ. Nhưng cũng phải nói rằng, việc vừa nuôi con bệnh, vừa liên tục khởi kiện, khiếu nại, đi ra đi vào Hà Nội – TP.HCM nhiều năm qua khiến tôi mệt nhoài, cả thể chất lẫn tinh thần.
Trong nhà tôi lúc nào cũng đầy đủ các bộ hồ sơ giấy tờ. Trong số đó có quyết định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư từ năm 2013. Theo quyết định, toàn bộ căn nhà 55,39m2 của hai vợ chồng được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khoảng 162 triệu đồng. Trong khi đó, chính cũng tại con đường này, năm 2017, 1 m2 được định giá 80 triệu đồng, giá thị trường lên tới 150-160 triệu đồng.
Không giống như những gia đình xung quanh làm nghề tự do, hai vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng. Dù vậy, trước khi xảy ra biến cố, cả hai mù mờ hoàn toàn trước luật, nghị định, quyết định. Sau 3 lần bị cưỡng chế nhà, chúng tôi tự bảo nhau đọc luật để xác định tình trạng pháp lý của căn nhà mình đang ở và để chắc chắn những điều mình làm không sai.
Ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết mình là người trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu tình hình Thủ Thiêm, ký tờ trình gửi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới và trình bày trước Chính phủ về nội dung quy hoạch.
Việc xem xét, chuẩn bị bắt đầu từ năm 1992, các đồ án quy hoạch được thông qua vào năm 1995 và Thủ tướng ký văn bản pháp lý vào năm 1996.
Theo lời kể, việc chuẩn bị rất lâu, các lãnh đạo phải đi hết Thủ Thiêm, xem nền đất, khảo sát hiện trạng, xem người dân đang dùng điện, nước ra sao, có những công trình gì nằm ở đây… rồi mới lập đồ án quy hoạch.
Các bản đồ kỹ thuật, bản đồ quy hoạch được làm rất công phu, chi tiết, đi tới từng quận huyện.
Ngày đó, khu vực Thủ Thiêm còn chưa tách ra khỏi quận Thủ Đức. Lãnh đạo thành phố mong muốn xây dựng được một khu đô thị mới, hiện đại. Khu đô thị mới được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố có tầm cỡ quốc tế, thậm chí là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.
Không những vậy, nơi đây còn được quy hoạch theo hướng là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.
Nhưng hơn tất cả, ông khẳng định: Người dân Thủ Thiêm phải là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ khu đô thị mới này. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện, ông cũng cho biết, điều này hiện chưa làm được
Câu chuyện của ông Bùi Quốc Toản (62 tuổi), sống trong căn nhà thuê ở đường Vũ Tông Phan, phường An Phú, quận 2:
Trước đây nhà tôi ở khu phố 1, phường Bình An. Năm 2011, nhà tôi bị cưỡng chế thu hồi. Lúc đó, họ nói đền bù cho tôi bằng với giá hơn 18 triệu/m2, không thiếu một đồng nhưng tôi không chấp nhận. Vì đất nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch.
Nói gì cũng phải dựa vào quy định pháp luật. Muốn cưỡng chế thu hồi đất thì phải chứng minh đất đó nằm trong quy hoạch.
Sở dĩ tôi biết là vì năm 2002, khi tham dự cuộc họp của UBND phường Bình An về việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, tôi đã linh cảm sẽ có vấn đề xảy ra. Vì vậy tôi bắt đầu tìm hiểu các quy định pháp lý.
Tôi bắt đầu thu thập các bài báo viết về đất ở Thủ Thiêm, quy hoạch xây dựng khu Đô thị Thủ Thiêm dù ngay cả đến xài vi tính tôi cũng không biết.
Sau khi bị mất nhà, gia đình tôi không hề được bố trí vào khu tạm cư nào như nhiều hộ khác. Kể cũng lạ, nhà mình họ thu hồi sai mà đến chỗ ở tạm bợ họ cũng không lo cho mình. Nhưng rồi tôi nghĩ thà mình không nhận bất kỳ thứ gì để không phải mang tâm lý mang ơn.
Vậy là gia đình 9 người cả con cả cháu bồng bế nhau đi thuê nhà sống. Ở được một thời gian thì chúng tôi bị chủ nhà đuổi đi do nợ tiền nhà. Lúc ấy cũng khó khăn, vợ tôi đã về hưu, tôi thì cũng không có công việc, con cái đi làm chỉ vừa đủ nuôi gia đình nó nên nợ tiền nhà 2 tháng liền.
Vậy là lần thứ 2 sau biến cố mất nhà, chúng tôi lại đi thuê một căn nhà rẻ hơn sống đến bây giờ.
Mấy năm nay, tôi cùng nhiều hộ dân đã có 4-5 chuyến đi ra Hà Nội tới Văn phòng Trung Ương nhưng không có ai chịu tiếp. Tiền bạc đi lại đã tốn kém, lại phải thuê nhà trọ ở lại. Có hôm mấy người chen chúc nhau trong căn phòng trọ xập xệ, nóng bức giữa thủ đô chỉ để chờ đợi được gặp những người mà chúng tôi tin sẽ giúp mình. Có ngày 4h sáng, có hôm 6h tối, chầu chực ở khu nhà của một vị lãnh đạo nhưng rồi đều bị bảo vệ chặn lại.
Thất vọng, tưởng có lúc chúng tôi đã bỏ cuộc, nhưng nếu mình không tự đấu tranh cho mình thì tôi nghĩ sẽ khó mà trông chờ vào ai.
Tôi lại tiếp tục quá trình tự học, tự tìm hiểu pháp luật. Đọc được văn bản nào hay, tôi góp nhặt lại. Cái nào có trên báo thì cắt ra, phần nào được cho xem qua mạng thấy hay thì tôi nhờ tiệm photo in ra cho mình. Tất cả đều được sắp xếp cẩn thận, rõ ràng. Tôi chỉ nghĩ một điều, mình phải thật rành rọt để còn chỉ lại cho bà con nào không biết, không thể để dân mình cứ “mù luật”, đến việc chứng minh mình đúng cũng khó.
Căn nhà tôi thuê tuy nhỏ nhưng luôn dành một góc để đặt hồ sơ. Mỗi văn bản tôi lại in ra nhiều tập để bất chợt có ai muốn tìm hiểu về câu chuyện Thủ Thiêm sẽ chia sẻ cho họ. Cuộc sống có thể thiếu thốn nhưng chính niềm hy vọng về ngày đất của mình sẽ trở về với mình làm tôi không nản chí.
16 năm từ ngày bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu, đến bây giờ tôi tự tin mình có thể phân biệt được đâu là bản đồ thật, đâu là bản đồ giả. Bản đồ sau khác bản đồ trước ở điểm nào. Và bản đồ hiện tại dùng để xây dựng Thủ Thiêm sai ở đâu.
Tôi chờ mong câu chuyện mất bản đồ này sẽ được làm sáng tỏ.
Ông Toản có những tập văn bản khác được chú thích đầy đủ, diễn giải rõ theo từng “chuyên đề”. Đó là thành quả của những ngày ông tự viết ra giấy rồi đem nhờ đánh máy.
Chuyên đề nào, từ việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, việc bản đồ Thủ Thiêm qua các năm, bản đồ nào đã qua chỉnh sửa… ông đều chỉ ra tường tận đi kèm quy định pháp luật.
Theo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2017, mức độ hài lòng của người dân với giá bồi thường thu hồi đất giảm tiếp tục giảm. Trong 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh thành, chỉ 21% cho rằng mức bồi thường xấp xỉ giá thị trường, so với 36% vào năm 2014.
Phó Giáo sư Erik Harms (Đại học Yale-Mỹ, người đã nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch đô thị tại TP.HCM), nhận định với Zing.vn: Điều trớ trêu ở đây là quy hoạch đô thị thường nhằm mục đích thiết lập vững chắc an sinh xã hội cho người dân; nhưng nếu hàng nghìn người dân phải mất nhà và phương kế sinh nhai trong quá trình quy hoạch, chính quyền đang khiến thành phố trở nên kém an toàn hơn. Đó là một viễn cảnh đầy bất an: Hàng nghìn người dân bị gạt ra rìa khi thành phố phát triển.
Câu chuyện của bà Lê Thị The (71 tuổi), Lương Định Của, phường Bình An, quận 2:
Gia đình tôi có 4 người con trai, nhưng đã có 3 đứa bỏ tôi mà đi. Năm 2011, quận 2 bắt đầu tiến hành thu hồi đất dự án xây dựng khu đô thi mới, phần đất nhà tôi không thuộc khu vực này.
Nhưng đến 3/2015, UBND TP.HCM ban hành quyết đình mới, phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam, giao đất cho Công ty Cổ phẩn Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM thực hiện. Lúc này, đất của gia đình nằm trong khu dân cư phía bắc, nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng vẫn bị thu hồi. Tháng 7/2016, căn nhà tôi đang ở tại đường Lương Định Của (phường Bình An, quận 2) bị cưỡng chế.
Ngày 18/7, người tới thi công và Nguyễn Hùng Thái, con lớn của tôi tranh cãi, dẫn đến xô xát. Thái hôm đó treo cổ tự tử. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng nó qua đời tại bệnh viện. Ngày mất, con tôi mới lấy vợ vài năm; con trai còn chưa đi học lớp 1.
Đám tang của nó náo loạn cả khu vực đường Lương Định Của khi gia đình quá đau đớn vì sự ra đi đột ngột này, còn những người hàng xóm thì kinh hoàng, phần vì không ai nghĩ thằng bé dại dột như vậy, phần cũng vì hoảng sợ và lo lắng.
Căn nhà của tôi cũng giống như những ngôi nhà khác ở khu vực này, cũ kỹ, mục nát, tồi tàn. Oanh, vợ thằng Hai Thái sinh năm 1980. Từ ngày chồng mất, lưng con nhỏ gù rạp, một bên mắt trái mờ đục. Cháu nội tôi đã 6 tuổi, thằng nhỏ phát âm không rõ chữ, chẳng mấy khi nhìn vào mắt người đối diện, liên tục nhảy nhót cười nói và không thể đứng im một chỗ.
Tôi để mẹ con nó dùng hiên nhà để bán hủ tiếu, bánh canh buổi sáng cho một vài hàng xóm còn sót lại. Còn tôi vẫn liên tục ra Hà Nội, đeo theo tấm bảng ghi họ tên, để gửi đơn, kiện tụng, khiếu nại, gõ cửa các cơ quan Trung ương, cầu cứu. Hai năm qua, những chuyến đi không mang lại nhiều kết quả và khiến gia đình mắc nợ, nhưng lại giúp tôi thanh thản.
Sau những biến cố của gia đình, tôi tự nghiên cứu văn bản, tìm hiểu luật, đi theo luật sư để chứng minh căn hộ nhà mình không thuộc phạm vi bị cưỡng chế. Không chỉ vậy, tôi còn đi tư vấn cho những người cùng cảnh ngộ. Từ vài trăm hộ, đến lúc còn 100 gia đình, nhiều người đã bỏ cuộc, nhưng tôi vẫn kiên quyết mong muốn mọi việc được rõ ràng.
Tôi có một chiếc ba lô, đựng đầy giấy tờ hồ sơ, sẵn sàng đưa cho những ai cần. Tôi tự làm các bản tóm tắt để người đọc dễ hiểu. Tôi chỉ có mong ước nhiều người hiểu được tình trạng của những gia đình ở đây, và mong có thêm tiếng nói để giúp sự việc sáng tỏ.
Tôi đã mất tới 3 đứa con trai. Phải buông tay con và không giữ được chúng là điều quá sức chịu đựng. Nếu có cách nào đó để trốn được món nợ đau lòng này thì bằng giá nào tôi cũng làm.
Mấy hôm nay, chuyện Thủ Thiêm nóng lại, tôi có cảm giác mình sắp đạt được gì đó sau nhiều năm cố gắng. Tôi đã già rồi, mong được nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng nếu nhà mất, thì dưỡng già ở đâu?
Tôi mong mình mạnh mẽ, bởi nếu tôi đau buồn, Thái sẽ biết, tôi mong con được siêu thoát. Tôi cũng phải làm chỗ dựa cho con dâu và cháu nội. Có khó khăn sao cũng phải cố gắng lên, bởi mình đã vượt qua được những năm qua, chẳng lẽ con đường phía trước lại không đi tiếp được.
Theo: Hoài Thanh – Ngân Giang/ Zing